Do đời sống còn nhiều khó khăn nên tại các bản, làng ở các xã miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, trẻ em ít được quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân. Chất lượng cuộc sống kém nên nhiều trẻ em gầy gò, ốm yếu, nheo nhóc và bệnh tật, bị nhiễm giun sán, tiêu chảy, suy dinh dưỡng… Đến nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng/tuổi vẫn chiếm tới 4,4%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể chiều cao/tuổi chiếm 12,3%...
Ảnh minh họa. |
Đến bản người Mông Liên Phương, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), điều khiến chúng tôi trăn trở là tình trạng các bà mẹ “nhí” đẻ dày, đẻ nhiều con. Cũng bởi điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu kinh nghiệm nên các cặp vợ chồng đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” dành ít sự quan tâm cho con cái. Bởi vậy, trẻ em ở đây còi coc, kém phát triển về thể chất. Đặc biệt, nhiều trẻ nhiễm giun sán, nhìn bằng mắt thường cũng có thể phát hiện khi lũ trẻ luôn mang cái bụng to mà chân, tay thì nhỏ xíu.
Chị Nguyễn Thị Phương, cán bộ Trạm Y tế xã Văn Lăng, cho hay: Đa phần trẻ em người dân tộc Mông ở Liên Phương không được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng cũng như vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Do đó, chúng tôi phải thường xuyên vận động các bậc phụ huynh đưa trẻ đi uống vitamin A, tẩy giun…
Trên thực tế, do không được quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân nên không ít trẻ nhỏ ở địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh đã mắc các bệnh như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, chân tay miệng, nhiễm giun sán… Minh chứng rõ nét nhất khi gần đây, một cháu bé 5 tuổi ở xã Văn Lăng phải nhập viện vì nhiễm quá nhiều giun đũa gây ra tắc ruột, phải tiến hành phẫu thuật gặp bỏ búi giun đũa (30 con).
Cách đây vài năm, Khoa Ngoại nhi, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cũng đã tiếp nhận một bệnh nhi 3 tuổi, người dân tộc Mông, đến từ xã Phương Giao (Võ Nhai) bị tắc ruột do nhiễm quá nhiều giun. Bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật và lấy ra vài trăm con giun trong lòng ruột non, đại tràng…
Bác sĩ Hà Văn Rã, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai, cho biết: Điều kiện kinh tế khó khăn, phải lo mưu sinh nên nhiều cặp vợ chồng, nhất là ở các bản người Mông chưa dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái, hướng dẫn bọn trẻ vệ sinh môi trường sống và thân thể sạch sẽ. Trong khi đó, không rửa tay thường xuyên, bọn trẻ dễ mắc bệnh chân tay miệng; không đánh răng làm trẻ sa sút sức khỏe răng miệng. Đặc biệt, lối sống thiếu vệ sinh còn khiến trẻ mắc phải vi rút dạ dày hoặc đau mắt đỏ. Việc trẻ không ăn chín, uống sôi, lối sống thiếu vệ sinh cũng gây ra các bệnh như tiêu chảy, trên cơ thể có chấy, rận hoặc bị ghẻ, nấm da, phát ban; nhiễm giun sán …
Cuộc sống còn khó khăn chính là rào cản lớn nhất trong việc bảo đảm về dinh dưỡng cũng như duy trì môi trường sống, lối sống vệ sinh cho trẻ nhỏ ở các xã miền núi, vùng cao của tỉnh. Vì lẽ đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh vẫn là yêu cầu thiết yếu. Lâu nay, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh nhưng để mang lại kết quả cao hơn vẫn cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của nhân viên y tế thôn, bản; cán bộ y tế xã và cán bộ các hội, đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên trong tỉnh.
Cùng với công tác tuyên truyền, thì việc vận động người lớn hướng dẫn trẻ có lối sống vệ sinh cũng rất quan trọng. Trong đó, cha mẹ, ông bà làm gương đi trước, trẻ nhỏ tích cực theo sau. Cụ thể là các gia đình ở miền núi, vùng cao cần đầu tư xây nhà vệ sinh và thường xuyên làm sạch nhà vệ sinh, các dụng cụ xịt rửa trong nhà vệ sinh. Đặc biệt là hướng dẫn trẻ làm sạch móng tay, thương xuyên vệ sinh tay, răng miệng sạch sẽ; khuyến khích trẻ tắm rửa, làm sạch cơ thể hằng ngày, nhất là trong những ngày hè nóng nực.
Để nâng cao sức đề kháng và phòng bệnh cho trẻ, bên cạnh những nỗ lực của ngành Y tế, các bậc phụ huynh cũng cần chủ động đưa trẻ ra trạm y tế kiểm tra chiều cao, cân nặng; bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết; tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/lần; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin