Ninh Bình: Đẩy mạnh can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS

Theo Tiengchuong.vn 20:00, 13/04/2023

Trong khuôn khổ dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, ngành y tế tỉnh Ninh Bình đang đẩy mạnh các can thiệp giảm hại, giảm lây nhiễm HIV cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động thu hồi bơm kim tiêm bẩn, phát bơm kim tiêm sạch của dự án giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Trong 3 ngày (từ 11-13/4), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình phối hợp với Dự án thành phần VUSTA (dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS) tổ chức "Tập huấn can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS" cho các học viên là nhân viên tiếp cận cộng đồng và các nhóm CBOs thuộc Dự án thành phần VUSTA.

Tại lớp tập huấn, các học viên được cập nhật thực trạng HIV/AIDS và các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Ninh Bình; tổng quan và quy trình về tiếp cận cộng đồng của Dự án Quỹ toàn cầu; kiến thức cơ bản về HIV/AIDS; hướng dẫn sử dụng sổ ghi chép, cơ chế báo cáo tháng, quý can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, được hướng dẫn và thực hành tư vấn xét nghiệm HIV thông qua hệ thống online; hướng dẫn dịch vụ phân phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm; các nội dung về nguy cơ và cấp độ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục; các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chăm sóc điều trị ARV, Methadone và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Qua lớp tập huấn, các học viên nâng cao được kiến thức cũng như kỹ năng trong thực hiện hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng HIV tại cộng đồng.

Dự án Thành phần VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu về phòng chống HIV/AIDS được Quỹ Toàn cầu tài trợ nhằm chống lại các bệnh AIDS, Lao và Sốt rét.

Các mục tiêu của dự án bao gồm: Cung cấp các dịch vụ dự phòng để giảm thiểu tỉ lệ lây nhiễm HIV trong các Nhóm Đích (KP) như Người tiêm chích ma túy (PWDI), Phụ nữ lao động tình dục (FSW), Nam quan hệ tình dục đồng tính (MSM) ở 15 tỉnh thành trên cả nước; Củng cố và tăng cường hệ thống cho cộng đồng, nhằm tạo một môi trường thuận lợi cho cộng đồng tham gia vào công tác phòng chống HIV/AIDS một các hiệu quả và bền vững; Dỡ bỏ các rào cản về pháp lí để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các nhóm đích có thể tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế dự phòng, chăm sóc và điều trị liên quan đến HIV; tăng cường sự tham gia và hiệu quả hoạt động của các tổ chức Khoa học kỹ thuật, các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 14/3/2023, số đang điều trị ARV là 1.469 người; số người đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là 848 người nghiện ma túy. Trong quý I/2023, số bệnh nhân được tư vấn phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS là 4.397 lượt.

Trong quý I, ngành y tế tỉnh phát hiện 13 người nhiễm HIV mới, 5 người tử vong do AIDS. Luỹ tích số người nhiễm HIV tính đến nay là 2.912 người, trong đó: số người nhiễm HIV còn sống 1.579 người (số người nhiễm HIV đang được điều trị: 1.526 người, số người nhiễm HIV ngoài cộng đồng chưa được điều trị là 53 người), lũy tích số trường hợp tử vong do AIDS là 1.333 người.

Trong năm 2022, dưới sự hỗ trợ của dự án thành phần VUSTA, hoạt động can thiệp giảm tác hại, đã tiếp cận được 1.610 khách hàng đạt (100,1%), chuyển gửi 1.407 xét nghiệm HIV đạt (87,3%); phát hiện được 11 bệnh nhân HIV mới và đã đưa vào điều trị ARV. Tiếp cận và cung cấp dịch vụ cho 431 thanh niên sử dụng ma tuý đá/heroin (424 nam, 7 nữ).

Công tác truyền thông được đẩy mạnh, 100% được phát tài liệu truyền thông tư vấn giảm hại sâu về sử dụng chất cho nhiều khách hàng. Chuyển gửi 63 khách hàng khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Hỗ trợ 87 bệnh nhân khởi liều và duy trì điều trị Methadon và 58 người nhiễm HIV tuân thủ điều trị. Cấp mới và gia hạn 25 thẻ BHYT. Cùng với đó, trao tặng 31 gói dinh dưỡng cho bệnh nhân/khách hàng có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2023, ngành y tế tỉnh sẽ tiếp tục duy trì can thiệp giảm hại ma tuý và dự phòng lây truyền HIV theo mô hình truyền thống. Tập trung can thiệp tích cực đối với nhóm khách hàng nguy cơ cao sau các vòng RDS 2020-2021-2022 (mô hình CHEER); đáp ứng y tế cộng đồng theo chùm ca bệnh. Cùng với đó, tăng cường nâng cao năng lực mạng lưới cộng đồng trong phòng chống lao/HIV tại địa phương.