Việt Nam là điểm sáng trong khu vực về đáp ứng hiệu quả với dịch HIV

Theo Tiengchuong.vn 14:29, 27/08/2024

Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Quốc gia Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) Việt Nam đánh giá cao công tác ứng phó với dịch HIV. Đặc biệt, Việt Nam nổi lên là một trong những điểm sáng hàng đầu trong khu vực về đáp ứng hiệu quả với HIV.

Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Quốc gia Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) Việt Nam. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Quốc gia Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) Việt Nam. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Số ca nhiễm mới HIV giảm mạnh

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, toàn quốc hiện khoảng 250.000 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó 12.800 trường hợp nhiễm HIV trong năm 2023. Trong năm 2023, cả nước triển khai tư vấn xét nghiệm cho khoảng hơn 2,1 triệu lượt người, trong đó số lượt xét nghiệm có kết quả dương tính với HIV/AIDS khoảng 16.000 trường hợp; điều trị thuốc kháng virus (ARV) cho trên 175.000 bệnh nhân, trong đó có 3.061 trẻ em; điều trị methadone cho khoảng 51.000 bệnh nhân.

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ông Quinten Lataire cho biết, với nhiều kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam nổi lên là một trong những điểm sáng hàng đầu trong khu vực về đáp ứng hiệu quả với HIV. "Thành công này là kết quả của những nỗ lực mạnh mẽ của Cục Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các đối tác quốc tế và cộng đồng. Sự chung tay trong những nỗ lực này đã giúp giảm mạnh tổng số ca nhiễm mới HIV ở Việt Nam", ông Quinten Lataire bày tỏ.

Ông Quinten Lataire cho biết, cách đây hơn 20 năm, để đối phó với dịch HIV gia tăng trong nhóm người tiêm chích ma túy, Việt Nam đã triển khai các biện pháp can thiệp hiệu quả dựa trên bằng chứng như chương trình bơm kim tiêm sạch và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế methadone. Cách tiếp cận đó đã rất thành công và được chứng minh là có hiệu quả cao. Bằng cách lấy sức khỏe của cộng đồng làm trung tâm, Việt Nam đã giảm đáng kể số ca nhiễm HIV mới ở những người tiêm chích ma túy và trong cộng đồng.

Đưa ra nhận định về tình hình dịch HIV tại Việt Nam hiện nay, ông Quinten Lataire cho biết, hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến nay có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỉ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6.5% tháng 5 năm 2024; tỉ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 74,2% vào tháng 5 năm 2024.

Tỉ lệ nhiễm mới HIV có xu hướng gia tăng đáng lo ngại trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) kể từ năm 2010. Tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM trong giám sát trọng điểm HIV tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022. Nhóm người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỉ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội là 5,8% năm 2022, tại TPHCM tỉ lệ này là 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.

Cần điều chỉnh chương trình can thiệp theo xu hướng dịch

Trước xu hướng dịch có chiều hướng thay đổi, gia tăng đáng lo ngại về số ca nhiễm HIV mới trong nhóm MSM trẻ tuổi, ông Quinten Lataire cho rằng chương trình can thiệp cũng phải điều chỉnh theo.

"Những người MSM trẻ cần được tiếp cận nhiều hơn với các biện pháp phòng ngừa như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). PrEP là một biện pháp dự phòng hiệu quả về mặt chi phí để giảm lây nhiễm HIV trong nhóm MSM và là một công cụ quan trọng để khống chế dịch HIV trong cả nước", ông Quinten Lataire nói.

Để giảm thiểu số người nhiễm mới HIV trong nhóm MSM, thời gian qua ngành y tế Việt Nam đã rất nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động can thiệp chú trọng trong nhóm đối tượng này. Đặc biệt, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với các dự án, tổ chức quốc tế, các nhóm dựa vào cộng đồng để mở rộng tối đa các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng.

Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV tại hơn 1.300 cơ sở y tế, ngành y tế còn cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV thông qua các nhóm dựa vào cộng đồng và thông qua trang web trực tuyến: tuxetnghiem.vn cho 29 tỉnh/thành phố trọng điểm, xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 35 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Hoạt động này được sự hưởng ứng, tham gia rất tích cực của các tổ chức cộng đồng. Ngoài ra, các tổ chức cộng đồng ở Việt Nam cũng đã rất tích cực trong việc triển khai các mô hình can thiệp cụ thể nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những bệnh nhân HIV/AIDS.

Ông Quinten Lataire dẫn chứng, điển hình là Mạng lưới người sống chung với HIV Việt Nam (VNP+) đã có những nghiên cứu về chỉ số kỳ thị liên quan đến HIV tại Việt Nam. Với quyết tâm cao trong nỗ lực xóa bỏ tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS, Việt Nam đã huy động những người có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng và các phương tiện thông tin đại chúng để giúp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Trong đó, các doanh nghiệp xã hội đã làm rất tốt. Họ đã tận dụng nguồn lực hỗ trợ và sức ảnh hưởng của truyền thông và nghệ sĩ có uy tín để nâng cao nhận thức của cộng đồng về dịch HIV, đồng thời kêu gọi giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

Y tế tư nhân, tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống HIV

Đánh giá cao vai trò của y tế tư nhân, sự hợp tác của các tổ chức xã hội (CBO) trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ông Quinten Lataire cho biết, các tổ chức của cộng đồng và cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân có vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, CBO và các cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân có thể giúp bổ sung, hỗ trợ để lấp vào các khoảng trống trong việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng trong sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV.

Tư vấn điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho MSM tại phòng khám y tế tư nhân. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Tư vấn điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho MSM tại phòng khám y tế tư nhân. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Các phòng khám y tế tư nhân và CBO có thể cung cấp dịch vụ linh hoạt, ngay cả ngoài giờ làm việc tiêu chuẩn. Họ cũng có thể cung cấp hỗ trợ, tư vấn đồng đẳng trực tuyến. Nhờ đó, giúp bảo đảm rằng sẽ không ai bị bỏ ai lại phía sau trong công tác đáp ứng với phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS.

Tại Việt Nam, các khối tư nhân, doanh nghiệp xã hội, cộng đồng, nhóm hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế (CAB), các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, mạng lưới người dễ bị lây nhiễm HIV tại cộng đồng dân cư cũng đã tham gia mạnh mẽ vào chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Hơn 800 nhóm, câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS và các nhóm đồng đẳng tại các địa phương không chỉ tham gia nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, mà còn góp phần làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

Với quyết tâm cao xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị, Cục Phòng, chống HIV/AIDS của Bộ Y tế Việt Nam cũng đã phối hợp với Mạng lưới người sống chung với HIV Việt Nam (VNP+) và các đối tác thực hiện nghiên cứu về chỉ số kỳ thị vòng 1, 2, 3 để làm cơ sở cho việc xây dựng các can thiệp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hướng tới mục tiêu 90% người nhiễm HIV có chất lượng cuộc sống bảo đảm

Từ nhiều năm qua, các nguồn tài trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đã giảm mạnh. Việc cấp phát thuốc điều trị ARV, điều trị dự phòng PrEP đều thông qua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, để có những biện pháp can thiệp hiệu quả, thì nguồn tài chính bền vững rất quan trọng cho sự thành công lâu dài của các chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Chia sẻ về vai trò của UNAIDS trong việc tăng cường đầu tư cho các nỗ lực đáp ứng với HIV trong khu vực và ở Việt Nam, ông Quinten Lataire cho hay, các quốc gia đang ở các giai đoạn khác nhau trong việc đáp ứng với HIV. Việt Nam đã cho khu vực và thế giới thấy những tiến bộ và thành tựu đáng kể trong phòng, chống HIV/AIDS. Trong bối cảnh suy giảm nguồn lực cho phòng, chống HIV toàn cầu, nhu cầu về đầu tư bằng nguồn lực trong nước ngày càng tăng, đặc biệt là cho các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV.

Ông Quinten Lataire nhấn mạnh, các nguồn tài chính này cần được bảo đảm ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương, theo cách phù hợp với việc phân cấp trong hệ thống y tế của Việt Nam. Bởi việc bảo đảm đủ kinh phí ở cấp địa phương cho các hoạt động phòng, chống HIV là vô cùng cần thiết giúp bao phủ được toàn diện các can thiệp dự phòng và điều trị HIV trên phạm vi toàn quốc.

Ngoài mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế) theo Chiến lược quốc gia hướng đến kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, hiện nay theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam còn hướng đến mục tiêu thứ 4 là 90% người nhiễm HIV có chất lượng cuộc sống bảo đảm trong đó có việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.

Để nâng cao chất lượng sống cho các bệnh nhân HIV/AIDS và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) - dự án hợp tác giữa Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và Cục Phòng, chống HIV/AIDS trong khuôn khổ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) giai đoạn 2025-2030 sẽ có nhiều hoạt động tập trung vào các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế. Trong đó, bao gồm việc tăng cường nhận thức, kiến thức, kỹ năng và thực hành cho cán bộ y tế trong cơ sở y tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ ở các cơ sở cung cấp dịch vụ HIV/AIDS cũng như một phần các hoạt động giảm tự kỳ thị ở nhóm đối tượng đích của chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Trong thời gian tới, Dự án cũng sẽ tập trung các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện chất lượng dịch vụ thông qua các chỉ số về cung cấp dịch vụ HIV/AIDS bao gồm PrEP, giảm kỳ thị phân biệt đối xử và đánh giá sự hài lòng của khách hàng tại các cơ sở cung cấp dịch vụ HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia Sáng kiến giảm kỳ thị trong khu vực Đông Nam Á cùng với các nước Lào, Campuchia và Thái Lan từ năm 2017, với mục đích thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan tới HIV ở cấp độ quốc gia và cơ sở y tế thông qua việc đo lường thường quy, áp dụng phương pháp; cải thiện chất lượng trong giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đồng thời; tăng cường việc học hỏi cũng như chia sẻ lẫn nhau giữa các cơ sở y tế cũng sẽ góp phần giúp Việt Nam tiến gần hơn nữa tới việc xóa bỏ hoàn toàn tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS.

Để người nhiễm HIV/AIDS ngày càng được nâng cao chất lượng cuộc sống, ông Quinten Lataire cho rằng, môi trường pháp lý và chính sách mang tính hỗ trợ đối với các nhóm đích là rất quan trọng. Khi đó tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử sẽ giảm đi, dẫn đến ít rào cản hơn trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng chống HIV. Theo đó, số ca nhiễm mới HIV cũng sẽ giảm, từ đó dẫn đến đáp ứng với HIV ngày càng hiệu quả hơn.

Những thành quả phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam được thế giới ghi nhận. Trong số 250.000 người nhiễm HIV tại Việt Nam, có 88% người biết tình trạng nhiễm HIV; 80% người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV; 98,4% người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. "Việt Nam đang gần tiệm cận tới mục tiêu 95-95-95, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Để tiến tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, chúng ta cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng", Quyền Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam Quinten Lataire nhấn mạnh.