Những năm qua, bên cạnh nhiều dự án, công trình trọng điểm của T.P Sông Công đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tạo diện mạo mới cho thành phố thì vẫn còn một số dự án khu dân cư, khu đô thị (KDC, KĐT) được triển khai trì trệ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Nhờ thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư, cùng những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, trong 5 năm gần đây, T.P Sông Công đã thu hút 37 dự án KDC, KĐT.
Bên cạnh các dự án đang được tích cực triển khai thì có không ít dự án chậm tiến độ, kéo dài cả chục năm trời, ảnh hưởng đến quyền lợi, cuộc sống của người dân vùng dự án, như: Không thể xây dựng, sửa chữa nhà ở, đầu tư sản xuất vì vướng quy hoạch; việc thi công các hạng mục của dự án còn dang dở gây ngập úng, ô nhiễm môi trường... Từ đó làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng đất đai và hiệu quả đầu tư xây dựng, gây bức xúc xã hội.
Nằm ở trung tâm của thành phố, phường Thắng Lợi có 3 dự án là KĐT Kosy Sông Công, KĐT Hồng Vũ, KDC Thiên Lộc, song các dự án này kéo dài 5-10 năm vẫn chưa hoàn thành, nhiều hạng mục thi công dang dở gây ứ đọng nước mưa, rác thải, bụi bặm...
Điển hình là Dự án Kosy KĐT Sông Công, do Công ty CP Kosy làm chủ đầu tư, quy mô 38,7ha, tổng mức đầu tư trên 481 tỷ đồng. Dù được giao thực hiện từ năm 2011 nhưng đến nay, hạ tầng của KĐT vẫn chưa hoàn thiện, các hạng mục thi công dở dang, ngổn ngang phế thải, vật liệu xây dựng làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân.
Bà Trần Thị Khảng, người dân ở tổ dân phố 13 cho biết: Dự án đã san lấp mương tưới tiêu, hệ thống thoát nước nên cứ mưa lớn là xảy ra ngập úng ở tổ dân phố 12, 13; môi trường bị ô nhiễm do rác thải ứ đọng; một phần diện tích đất nông nghiệp của tổ dân phố Du Tán, Bến Vượng bị ảnh hưởng nên không hiệu quả...
Tương tự, tại phường Cải Đan, Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KĐT số 1 cũng trong tình trạng “ì ạch” từ nhiều năm nay. Với diện tích quy hoạch trên 63ha, Dự án được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 1 là 35ha (năm 2012) do Trung tâm Phát triển quỹ nhà đất và Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh làm chủ dầu tư, tổng mức đầu tư trên 540 tỷ đồng.
Đến năm 2017, khi thời gian triển khai Dự án theo phê duyệt đã hết, song chủ đầu tư vẫn chưa triển khai với lý do khó bố trí nguồn vốn. Đặc biệt, một số diện tích đã được kê khai tài sản và lập phương án bồi thường cho người dân nhưng chủ đầu tư không có kinh phí bồi thường, khiến cuộc người dân nơi đây thêm khó khăn.
Bà Trần Thị Bình, Tổ trưởng Tổ dân phố Xuân Gáo thông tin: Mặc dù năm 2018, UBND tỉnh đã có văn bản chuyển đổi chủ đầu tư Dự án sang Công ty CP Thương mại đầu tư xuất khẩu (trụ sở tại Hà Nội), song đến nay, việc Dự án triển khai còn chậm. Hơn 2ha đất nông nghiệp của 40 hộ dân trong tổ thường bị ngập úng không thể gieo cấy, do hệ thống tiêu thoát nước chưa hoàn thiện…
Trước những ý kiến, kiến nghị của cử tri về vấn đề này, tại buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh trước kỳ họp thứ 2 được tổ chức mới đây, đại diện lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn của T.P Sông Công cho biết: Việc chờ đợi thu hồi đất, tiền hỗ trợ và đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài trong nhiều năm khiến đời sống gặp nhiều khó khăn.
T.P Sông Công đã tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ của các dự án để kịp thời nắm bắt hiện trạng; đề nghị các chủ đầu tư tích cực triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án, thực hiện nghiêm túc nội dung, hợp đồng đã được phê duyệt, ký kết; đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, nâng cao chất lượng xây dựng, sử dụng đất đúng mục đích được giao. Đối với những dự án kéo dài nhiều năm, không có khả năng hoàn thành, thành phố sẽ có văn bản đề nghị cấp trên xem xét, giải quyết...