Bãi đổ thải cao như núi, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và một số công trình phía dưới, trong đó có chùa làng Ngò; ô nhiễm không khí; ô nhiễm tiếng ồn… là những phản ánh của người dân xóm Ngò, xã An Khánh (Đại Từ), sinh sống gần bãi đổ thải của Mỏ than Khánh Hoà (Công ty Than Khánh Hòa, thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc) thời gian qua.
Sau nhiều lần Công ty Than Khánh Hòa bồi thường nhà ở, ruộng vườn và hoa màu của người dân ở khu vực lân cận để giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, mở rộng bãi đổ thải, đến thời điểm này, chùa làng Ngò là công trình nằm gần nhất với bãi thải Tây của Mỏ than Khánh Hòa (khoảng cách gần nhất từ chân bãi thải đến chùa chưa đầy 40m).
Bà Trần Thị Lan, phụ trách việc trông coi, lên hương và tụng kinh hàng ngày tại chùa, cho hay: Trước đây, chùa tọa lạc trên cánh đồng rộng. Qua nhiều năm, chân bãi thải của Mỏ than tiến dần ra, sát vào chùa. Bụi than bay ra phủ kín chùa dù cho chúng tôi lau dọn thường xuyên. Vì quá bụi bặm nên nếu không có khách thập phương đến dâng hương và vãn cảnh chùa, chúng tôi sẽ không mở cửa, trừ ngày Rằm và mùng 1 hằng tháng. Do bãi đổ thải cao như núi chắn xung quanh, lấp cả vào suối nên khi có mưa lớn là nước thoát rất chậm, dễ gây ngập úng. Năm trước, một trận mưa lớn đã khiến nước ngập ngang chùa, đất đá lăn từ bãi thải vây kín lối đi. Tôi phải băng qua lối đi phụ của chùa mới thoát được ra ngoài.
Chùa làng Ngò được xây dựng lại trên nền ngôi chùa cổ có từ lâu đời. Năm 1947, chùa bị thực dân Pháp tàn phá. Năm 2007, chùa được khôi phục và tôn tạo, xây dựng khang trang. Từ lâu, ngôi chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của bà con trong vùng. Nhiều người lo ngại nguy cơ mất an toàn cho ngôi chùa cũng như người dân khi sinh hoạt tín ngưỡng tại đây vì sát chân bãi thải. Không khí bụi bặm cũng ảnh hưởng đến không gian thờ tự vốn cần có sự trong lành, thanh tịnh.
Không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động tín ngưỡng, người dân cũng phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí, tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Chị Nguyễn Thị Biên, một người dân có nhà ở gần bãi đổ thải của Mỏ than cho biết: Nhiều năm trước, để thấy được bãi thải của Mỏ thì phải phóng tầm mắt qua cánh đồng rất rộng. Mỗi năm, bãi thải lại tiến sâu vào làng, cánh đồng khi xưa không còn nữa. Vì vậy mà nhiều năm nay, quanh năm chúng tôi phải sống chung với bụi. Vào những ngày gió to hay lúc Công ty đổ thải, không nhà nào dám mở cửa. Thời gian gần đây, Công ty thường đổ thải vào ban đêm, tiếng đất đá rào rào như mưa lớn khiến nhiều người mất ngủ. Biết là ô nhiễm nhưng chúng tôi đành chịu vì không có điều kiện chuyển đi nơi khác.
Ông Đỗ Đại Phong, Chủ tịch UBND xã An Khánh cho biết: Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, địa phương đã làm việc với Công ty Than Khánh Hòa để tìm phương án giải quyết. Từ tháng 3-2021, Công ty đã đào nắn suối phía bãi thải Tây để đảm bảo thoát nước. Chúng tôi cũng yêu cầu Công ty thường xuyên cho xe đi phun nước chống bụi và cắm biển cảnh báo, lắp đèn điện chiếu sáng ở một số khu vực phía dưới chân bãi thải. Đối với chùa làng Ngò, do quá gần với bãi đổ thải, chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Công ty để có phương án di dời chùa, nhưng đến nay Công ty chưa trả lời cụ thể…
Những phản ánh của người dân, chính quyền địa phương là chính đáng và cơ quan chức năng, Công ty Than Khánh Hòa cần sớm có giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn.