Thấy trong người có triệu chứng nhiễm virut corona, tôi test và khi thấy hai vạch thì báo ngay cho người có trách nhiệm của tổ dân phố biết. Theo hướng dẫn, tôi ra Trạm Y tế phường Gia Sàng (thành phố Thái Nguyên) khai báo.
Có mặt ở đây lúc 9 giờ ngày 7-3, tôi thấy xe ô tô, xe máy đỗ kín phía ngoài khu vực nhà văn hóa (sát Trạm Y tế, nơi được trưng dụng để tiếp người mắc COVID-19). Trong sân, khoảng 50 người đứng ngồi lố nhố, mỗi người cầm trên tay 1 kít test chờ đến lượt gọi và 5 nhân viên y tế tất bật đọc tên, lấy mẫu test, trả kết quả, hướng dẫn các thủ tục…
Qua quan sát, tôi biết có 2 đối tượng đến đây. Thứ nhất là người nghi mắc COVID-19, đa số họ đã tự test ở nhà, nhưng theo quy định vẫn phải mang kít test đến để nhân viên y tế lấy mẫu. Sau khi được xác định là F0, họ được phát tờ cam kết tuân thủ cách ly và bảng theo dõi sức khỏe người nhiễm COVID-19 tại nhà cùng 1 đơn thuốc (tự mua) kèm lời dặn sau 7 ngày thì đến test lại. Đối tượng thứ 2 là người đã hết thời gian cách ly, đến ngày hẹn ra test khẳng định âm tính để nhận quyết định hết thời hạn cách ly. Vậy là “người âm, người dương” cùng dồn một chỗ. Có nhà 7 người (gồm cả trẻ con) bồng bế nhau ra.
Chờ gần 1 tiếng thì tôi đến lượt được gọi lên test và xác định F0. Như mọi người, sau khi ký cam kết, tôi được phát đơn thuốc cùng bảng theo dõi sức khỏe.
Qua tìm hiểu tôi được biết, không riêng phường Gia Sàng, tình trạng mỗi ngày có hàng trăm người mang trong mình virut corona tập trung ở trạm y tế, đang diễn ra ở hầu hết các phường trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Người mắc COVID-19 sẽ phải 2 lần đến trạm: Lần 1 để lấy quyết định cách ly; lần 2 đến kiểm tra để xác định hết cách ly. Cá biệt có trường hợp như bạn tôi ở phường Quang Trung phải đi lại 4 lần mới xong thủ tục.
Trong khi đó, ở xã Hóa Thượng (huyện Đồng Hỷ), người bệnh được tự test, gửi kết quả lên y tế xã (qua Zalo), xã gửi quyết định cách ly về nhà người F0 qua trưởng xóm…
Rõ ràng, từ đầu “mùa dịch” chúng ta luôn đề cao vai trò của cách ly trong phòng chống COVID-19 bởi sự lây nhiễm nguy hiểm của loại virut này. Vậy mà chúng ta lại cho F0 tập hợp ở một chỗ (có cả người chưa rõ có bị mắc COVID-19 hay không), hình thành những “ổ dịch” khổng lồ. Chưa kể có F0 tiện đường đi khai báo có thể vào chợ, siêu thị mua thức ăn, thuốc chữa bệnh. Nguồn lây di động này khiến dịch bùng phát mạnh hơn là điều dễ hiểu.
Hoạt động chuyển đổi số ở Thái Nguyên được cả nước đánh giá cao. Hầu như các xóm/tổ dân phố của tỉnh hiện nay đều thành lập nhóm cộng đồng trên mạng để quản lý nắm bắt tình hình dân cư. Việc sử dụng mạng xã hội như đăng ảnh, video, file ghi âm, kết nối nhóm lên Zalo, Facebook hầu hết mọi người đã thành thạo. Vậy tại sao ngành Y tế Thái Nguyên không tận dụng thế mạnh này hoặc ít nhất có giải pháp thô sơ như phân luồng “người âm, người dương”; chia giờ cho các tổ đến khai báo… để giảm thiểu việc “tụ tập” F0 rất nguy hiểm như hiện nay?