Tham gia diễn đàn hôm nay là ứng cử viên Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Bí thư Chi bộ Dân nguyện.
Lý lịch trích ngang Họ và tên: Hoàng Anh Công Ngày, tháng, năm sinh: 28/3/1971 Giới tính: Nam Quốc tịch: Việt Nam Dân tộc: Kinh Tôn giáo: Không Quê quán: Thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình Nơi ở hiện nay: Phòng 1706, nhà 17 T2, khu Hapulico, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội Trình độ giáo dục phổ thông: 12/12 Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học chuyên ngành Luật; Đại học chuyên ngành Hành chính. Học hàm, học vị: Thạc sĩ chuyên ngành Luật học. Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp. Trình độ ngoại ngữ: Tiếng Anh trình độ C. Nghề nghiệp, chức vụ: Cán bộ; Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Bí thư Chi bộ Dân nguyện Nơi công tác: Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày vào Đảng: 25/5/2000 Ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3 gồm: Thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình. |
PV: Trước tiên xin được chào đón và cảm ơn ứng cử viên Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tham gia chương trình. Là 1 trong 3 ứng cử viên được Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại Thái Nguyên, ông có thể chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình khi được giới thiệu ứng cử làm đại biểu dân cử nhiệm kỳ này?
Ông Hoàng Anh Công: Được về ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Thái Nguyên với tôi, đây là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm to lớn trước Đảng bộ chính quyền cử tri và nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Về bản thân mình với trình độ đào tạo Luật Hành chính công, qua thực tiễn gần 26 năm công tác tại các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội, trong đó có gần 17 năm công tác tại các cơ quan của Quốc hội đã cho tôi nhiều kinh nghiệm trong hoạt động Quốc hội, nhất là những vấn đề liên quan đến hoạt động xây dựng pháp luật, về giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Đặc biệt là trong công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.
Với nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của Quốc hội và trách nhiệm của một ứng cử viên đại biểu Quốc hội, tôi sẽ luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.
PV: Vậy, nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thì nội dung cụ thể gì sẽ được ông đưa vào chương trình hành động của mình?
Ông Hoàng Anh Công: Qua nghiên cứu tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Thái Nguyên, chủ động nắm bắt tâm, nguyện vọng của đồng bào và cử tri, trên cơ sở đó, tôi đã xây dựng chương trình hành động gồm những nội dung trọng tâm sau:
Trước hết, là người đại biểu đại diện cho nhân dân, tôi sẽ chủ động tận dụng mọi cơ hội để tiếp xúc với cử tri, nhất là cử tri tỉnh Thái Nguyên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, kịp thời kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chính quyền Nhà nước các cấp về vấn đề mà đồng bào, cử tri Thái Nguyên quan tâm, mong chờ.
Thứ hai, về công tác xây dựng pháp luật, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan chặt chẽ đến đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là của tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, tập trung hoàn thiện pháp luật về dân nguyện nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, quyền khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh, nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan địa phương các cấp trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Thứ ba, về quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tôi sẽ kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan Chính phủ xem xét thận trọng, có chính sách, biện pháp hợp lý; kiên quyết giữ vững chủ quyền quốc gia; bảo đảm an toàn nợ công; việc quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên của đất nước, các chính sách thu hút đầu tư và các địa phương trong đó có tỉnh Thái Nguyên; tập trung ngân sách để ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân, thúc đẩy các chương trình xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ, chăm sóc người có công. Đồng thời, quan tâm thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đặc thù như tỉnh chúng ta; quan tâm đến các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Thứ tư, về hoạt động giám sát, tôi sẽ đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung giám sát có hiệu quả những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm; bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm; các chủ trương chính sách hợp lòng dân được đi vào cuộc sống. Cụ thể là các vấn đề về giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân trong tỉnh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giám sát việc thực hiện pháp luật về đất đai; chính sách đối với người có công; chính sách đối với công nhân, người lao động liên quan đến chế độ lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ an sinh xã hội…
Thứ năm, đối với tỉnh Thái Nguyên, tôi sẽ tìm hiểu những khó khăn vướng mắc trong cơ chế chính sách đã và đang thực hiện trên địa bàn, từ đó phối hợp với chính quyền địa phương đề xuất, kiến nghị sửa đổi bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với đặc thù. Góp sức cùng các cơ quan trong tỉnh tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan Trung ương nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đối với những vấn đề nổi lên của địa phương, tôi sẽ tích cực chủ động lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, kịp thời có ý kiến cùng với các cơ quan của tỉnh, cấp huyện, cấp xã giải quyết để đáp ứng tâm, tư nguyện vọng của nhân dân.
Thứ sáu, là cán bộ công tác trong lĩnh vực dân nguyện, tôi sẽ luôn lắng nghe, nghiêm túc, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, đặc biệt là ý kiến, kiến nghị của cử tri tại tỉnh Thái Nguyên, kịp thời kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp để khẩn trương giải quyết và tăng cường giám sát việc giải quyết những kiến nghị này.
Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, tôi sẽ nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt chương trình hành động của mình, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, xứng đáng với sự tin tưởng, tín nhiệm của đồng bào cử tri cả nước và cử tri Thái Nguyên.
PV: Một lần nữa xin cảm ơn ứng cử viên đã tham gia chương trình!