Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hà Bắc, Thái Nguyên, Vĩnh Phú, Hòa Bình, Lạng Sơn… đã sát cánh, "chia lửa" với Thủ đô Hà Nội dũng cảm chiến đấu. Qua đó, góp phần đánh thắng oanh liệt cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị phương án đánh B-52 năm 1972. Ảnh tư liệu |
Cùng với Hà Nội, Hải Phòng là địa bàn bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt nhất trong chiến dịch mang mật danh Linebacker II. Để ứng phó với địch, lực lượng chủ lực bảo vệ Hải Phòng có Sư đoàn Phòng không 363, gồm 2 trung đoàn tên lửa, 2 trung đoàn pháo cao xạ. Ngoài ra, còn có lực lượng phòng không của Quân chủng Hải quân, Quân khu Tả Ngạn, Sư đoàn 350, Công an nhân dân vũ trang và dân quân, tự vệ.
Đêm 18/12/1972, Mỹ huy động 90 lần chiếc B-52 cùng hàng trăm lần chiếc máy bay chiến thuật mở cuộc tập kích bằng đường không vào Hà Nội, Hải Phòng. Trong đó, quân và dân Hải Phòng đã có nhiều trận chiến ác liệt với máy bay địch và chỉ từ ngày 19-12 đến 21/12/1972, đã có 12 máy bay Mỹ bị bắn rơi.
Trận đánh then chốt nhất là đêm 26/12/1972, khi Mỹ huy động lực lượng lớn tập kích một số địa phương miền Bắc. Sở Chỉ huy phòng không thành phố Hải Phòng phát lệnh báo động B-52 lúc 22h10 cùng ngày và chỉ 20 phút sau, 24 lần chiếc B-52 và nhiều máy bay cường kích nối nhau bay từ biển vào ném xuống thành phố hàng nghìn quả bom các loại. Phố Cầu Đất, Nhà hát thành phố, 4 tiểu khu thuộc khu phố Hồng Bàng, Sở Dầu, Cảng Mới, Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng… nằm trong vệt bom. Nhiều khu dân cư, nhà trẻ, trường học, bệnh viện bị san phẳng. Các xã Đồng Tiến, Hùng Vương (huyện An Hải), Lâm Động (Thủy Nguyên)… bị hàng trăm quả bom. Có nơi như thôn Cái Tắt (xã An Đồng, huyện An Dương), địa hình hoàn toàn thay đổi do bị trúng hơn 300 quả bom các loại. Trong trận quyết chiến này, lực lượng phòng không Hải Phòng đã bắn rơi 2 "pháo đài bay" B-52…
Tổng kết chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Hải Phòng đã bắn rơi 17 máy bay các loại của địch, trong đó có 4 chiếc B-52, 1 chiếc F-111, góp phần cùng Thủ đô Hà Nội làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Sau Hải Phòng, Thái Nguyên là địa bàn cũng bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt vào cuối năm 1972. Tại thành phố Thái Nguyên, đêm 19 rạng sáng 20/12/1972, Mỹ huy động nhiều tốp F-111 và các loại máy bay chiến thuật khác quần đảo, gây nhiễu và đánh phá một số điểm ở vùng ngoại ô.
Từ 4h30 ngày 20-12 đến 1h15 ngày 21/12/1972, Mỹ huy động 10 tốp B-52 vào đánh phá hủy diệt khu vực phía Bắc thành phố Thái Nguyên. Trong các ngày 22, 23, 24/12/1972, địch tiếp tục đánh phá và gây cho nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nhiều tổn thất về người và của, nhưng chúng vấp phải sự đánh trả rất quyết liệt.
Đặc biệt, đêm 26/12/1972, địch huy động 21 lần chiếc B-52, 4 tốp F-111 và nhiều máy bay chiến thuật khác ném gần 600 quả bom phá các loại, hủy diệt 3 khu vực rộng lớn: Từ Bến đò Ngọc Lâm (sông Cầu) đến xóm Dân Tiến (xã Túc Duyên); từ Trại Bầu (Gia Sàng) đến sân bóng Khu công nhân Gang Thép; từ núi Đỏ đến đồi Độc Lập. Nêu cao khẩu hiệu “Quyết tâm bắn rơi máy bay B-52 của giặc Mỹ”, các đại đội phòng không 100mm của Trung đoàn 256 đã “vít cổ” 1 “siêu pháo đài bay”, bảo vệ được các chân hàng và các đầu mối quan trọng trên đất Thái Nguyên…
Như vậy, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Thái Nguyên đã không quản ngại hy sinh, dũng cảm chiến đấu, bảo vệ các mục tiêu quan trọng như cầu, đường, nhà máy, nhà ga, kho tàng, hàng hóa…, vừa giúp bảo toàn lực lượng và cơ sở vật chất, bắn rơi 2 máy bay B-52, vừa “chia lửa” với Thủ đô Hà Nội.
Tại Lạng Sơn, do là địa bàn chiến lược tiếp nhận hàng hóa, vũ khí viện trợ của các nước bè bạn theo tuyến đường sắt, đường bộ qua Hữu Nghị Quan, Đồng Đăng nên cũng là khu vực trọng điểm bị không quân Mỹ tập kích. Trong 12 ngày đêm, trên địa bàn Lạng Sơn, đế quốc Mỹ đã sử dụng nhiều máy bay các loại, trong đó có B-52 rải thảm xuống phá hoại hệ thống cầu đường, khu đông dân cư thuộc các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng và thị xã Lạng Sơn. Máy bay B-52 tập trung đánh phá khu vực Đồng Mỏ, Quang Lang. Một số khu vực rộng chưa đầy 4km2 phải chịu gần 5.800 quả bom các loại, trong đó có 209 bom tấn, 22 thùng bom bi với 5.500 quả con, gây thiệt hại về người và của cho nhân dân. Quân và dân tỉnh Lạng Sơn đã anh dũng bảo vệ các mục tiêu trọng yếu của tỉnh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Với tỉnh Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ ngày nay), trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, không quân Mỹ đã sử dụng 362 lần tốp máy bay, gồm 1.068 lần chiếc, trong đó có nhiều B-52 ném xuống địa bàn tỉnh này gần 6.500 quả bom phá và bom phát quang, 2 thùng bom bi, với khối lượng gần 3.000 tấn bom đạn. Số bom đạn này ném vào 54 mục tiêu, trong đó có 28 mục tiêu dân sự và hàng chục mục tiêu là các cơ quan, kho tàng, xí nghiệp, cầu phà, đường giao thông…
Quân, dân Vĩnh Phú đã trực tiếp bắn rơi 2 chiếc B-52. Lực lượng dân quân, tự vệ của tỉnh đã huy động hàng vạn ngày công để sửa chữa gấp sân bay sau những trận đánh phá của địch, đào đắp công sự, trận địa phòng không; hàng nghìn ngày công sửa chữa cầu phà, đường sá, bảo đảm giao thông thông suốt; gần 5.000 ngày công rà phá bom mìn, phát hiện và xử lý 265 quả bom các loại.
Ở cửa ngõ lên vùng Tây Bắc, quân và dân tỉnh Hòa Bình cũng lập nhiều chiến công trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Cụ thể là bắn rơi 3 máy bay Mỹ, bắt sống 5 tên giặc lái. Điển hình là trận chiến bắt giặc lái Mỹ tại đồi Bù của dân và quân xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn.
Vào 22h10 ngày 22/12/1972, tự vệ Liên cơ Hà Nội đã bắn cháy máy bay F-111 và rơi xuống khu vực đồi Bù. Để cứu phi công, địch dùng nhiều tốp máy bay liên tục bắn phá ác liệt quanh các khu vực có máy bay rơi để ngăn chặn, uy hiếp các lực lượng vây bắt, đồng thời cho trực thăng đến giải cứu. Tham gia vào đánh máy bay địch và bắt giặc lái có dân quân nhiều xã của huyện Lương Sơn và tự vệ các nông trường, xí nghiệp trên địa bàn…
Sau 8 ngày truy bắt trong điều kiện địa hình phức tạp, thời tiết mưa kéo dài, địch chống trả quyết liệt, song quân và dân huyện Lương Sơn với sự phối hợp của dân quân huyện Chương Mỹ (tỉnh Hà Tây cũ) đã thu hồi toàn bộ quân trang, quân dụng trên chiếc F-111, bắn rơi trực thăng H-53 và bắt sống 2 tên giặc lái Mỹ.
Cũng trong 12 ngày đêm khói lửa, với tinh thần “Hướng về Thủ đô Hà Nội thân yêu”, quân và dân tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay) liên tục chiến đấu và phục vụ chiến đấu thắng lợi, cùng lực lượng phòng không ba thứ quân bắn rơi 16 máy bay Mỹ, trong đó có 1 chiếc F-111 và 15 chiếc F-4, bắt 12 giặc lái Mỹ.
Đặc biệt, tại xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn (nay là thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), quê hương của đồng chí Ngô Gia Tự, vào hồi 20h30 ngày 20/12/1972, Tiểu đoàn 94 bắn rơi 1 chiếc B-52. Tiếp đó, vào đêm 27/12/1972, Tiểu đoàn 94 lại bắn rơi chiếc B-52 thứ hai, góp phần đập tan âm mưu, kế hoạch tập kích đường không của đế quốc Mỹ ra miền Bắc nước ta lần thứ hai…
Như vậy, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân các tỉnh, thành phố miền Bắc đã nỗ lực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu đạt hiệu suất cao, thực hiện “chia lửa” với Thủ đô Hà Nội, góp phần làm nên thắng lợi của trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin