Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời xem xét, thông qua 8 dự án Luật và 3 dự thảo Nghị quyết, với khối lượng chương trình về xây dựng pháp luật nhiều gấp đôi các kỳ họp trước.
Quang cảnh họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH) |
Sáng 19-5, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo thông tin về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Kỳ họp thứ 5 sẽ khai mạc vào ngày 22-5, dự kiến bế mạc vào ngày 23-6. Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 22-5 đến ngày 10-6, đợt 2 từ ngày 19-6 đến ngày 23/6/2023, với tổng thời gian làm việc 22 ngày theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, đồng thời xem xét, cho ý kiến 9 dự án Luật, cũng như xem xét, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. |
Phát biểu tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, các nội dung đưa ra xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp lần này đều là những nội dung rất quan trọng, nhất là khối lượng về công tác xây dựng pháp luật nhiều gấp đôi các kỳ họp trước.
Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu, cũng như xem xét, chính thức thông qua tới 20 văn bản có liên quan nội dung quy phạm pháp luật.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại họp báo. (Ảnh: DUY LINH) |
Ngoài ra, các vấn đề liên quan giám sát tối cao, chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, giám sát các vấn đề quan trọng được cử tri quan tâm, như chuyên đề giám sát liên quan huy động và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, vấn đề về y tế cơ sở, y tế dự phòng, việc triển khai một số dự án từ ngân sách và công tác nhân sự cũng là các nội dung quan trọng tại kỳ họp lần này.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 9 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. |
Theo dự kiến chương trình, các phiên khai mạc, bế mạc kỳ họp, cùng các phiên thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội… sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp tới cử tri và nhân dân cả nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin