Với âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ chính trị ở nước ta, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Một trong những luận điệu tinh vi mà chúng thường sử dụng là ra sức đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng lại đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm phá hủy gốc rễ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì thế, chống lại luận điệu xuyên tạc này là một nội dung căn cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.
Sự tinh vi của những giọng điệu phản khoa học
Giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác-Lênin tồn tại mối quan hệ biện chứng. Chủ nghĩa Mác-Lênin là cội nguồn lý luận cơ bản hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và đều là bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi luận điệu đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin đều là phản khoa học, phản lịch sử.
Trước hết, họ phủ nhận sự tồn tại của tư tưởng Hồ Chí Minh với lý do Hồ Chí Minh chỉ là nhà hoạt động thực tiễn chứ không phải nhà tư tưởng. Mặc dù giá trị, tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được kiểm định bằng thắng lợi của cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, được thừa nhận bởi các học giả trong và ngoài nước, những kẻ xuyên tạc vẫn rêu rao rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự tô vẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Việc phủ nhận sự tồn tại và giá trị to lớn, bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh không xuất phát từ lý do khoa học mà từ động cơ chính trị đen tối là làm mất đi sức mạnh nền tảng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các đối tượng chống phá còn có một giọng điệu hoàn toàn khác là ra sức ca tụng, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh và phủ nhận giá trị của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Để hạ bệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, họ đã đưa ra nhiều lý do khác nhau. Đầu tiên, họ vin vào “yếu tố thời đại”, rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ 19, cùng lắm là đầu thế kỷ 20, chỉ thích hợp với văn minh công nghiệp; còn bây giờ nhân loại đã ở thế kỷ 21, trong thời đại kinh tế tri thức và toàn cầu hóa, sứ mệnh của giai cấp công nhân đã khác đi, vai trò của trí thức “lên ngôi” nên Chủ nghĩa Mác đã trở nên lỗi thời và bị lịch sử vượt qua. Đây cũng là cách lập luận rất hàm hồ bởi cho dù thời đại mà chúng ta đang sống khác rất nhiều so với thời đại mà Mác, Ăngghen, Lênin đã sống nhưng những biến đổi của nó vẫn không vượt ra ngoài những quy luật chung nhất mà Chủ nghĩa Mác-Lênin đã khám phá ra. Với đặc tính mở, Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là lý luận và phương pháp luận khoa học cho sự nhận thức xã hội, nhận thức thời đại mà chưa có một chủ nghĩa, học thuyết chính trị nào có thể thay thế.
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn |
“Yếu tố địa lý” cũng là lý do để đối tượng chống phá ra sức phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là sản phẩm của Việt Nam, nó là học thuyết “ngoại lai”, “nhập ngoại” từ phương Tây nên không phù hợp với Việt Nam. Những đối tượng đưa ra luận điệu trên đã cố tình không hiểu sức mạnh của sự trừu tượng hóa, khái quát hóa và tầm nhìn thời đại của lý luận Mác-Lênin. Mặc dù Chủ nghĩa Mác-Lênin có nguồn gốc lý luận trực tiếp từ phương Tây nhưng đúng như Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định, “chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở đó”(1), tức là ở phương Đông, nhất là khi nó đã được bổ sung bằng “dân tộc học phương Đông” như Nguyễn Ái Quốc từng nhấn mạnh và nỗ lực thực hiện.
Lý do thứ ba để họ phản bác Chủ nghĩa Mác-Lênin chính là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, rằng sự sụp đổ đã chứng tỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin sai lầm từ bản chất chứ không phải là do nhận thức sai, vận dụng sai. Họ cố tình không hiểu rằng sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô là sự sụp đổ của một mô hình xã hội chủ nghĩa nhiều khuyết tật và chậm được sửa chữa chứ không phải sự sụp đổ của một học thuyết khoa học. Tính bền vững của Chủ nghĩa Mác-Lênin so với các học thuyết khác nằm ở chỗ nó dựa trên một thế giới quan khoa học là phép biện chứng duy vật. Lý do thứ tư họ đưa ra để đòi hủy bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin chính là sự khác biệt giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì Chủ nghĩa Mác chủ trương đấu tranh giai cấp, Hồ Chí Minh lại chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc và Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải theo chủ nghĩa cộng sản; do đó, không có gì chung giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác-Lênin. Họ còn cho rằng, trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tồn tại “cuộc nội chiến về tư tưởng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác-Lênin” nhưng thực chất đó chỉ là sự đấu tranh giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với các quan điểm giáo điều, cứng nhắc trong vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin mà thôi.
Sau khi đưa ra nhiều “cơn cớ” đầy tính ngụy biện như vậy, họ đi đến kết luận: Lúc này chỉ cần nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là “đáng giá” và vì thế, cần loại bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng.
Kiên định, kiên quyết bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Luận điệu “đề cao” tư tưởng Hồ Chí Minh, đem tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với Chủ nghĩa Mác-Lênin là hoàn toàn đối lập với tình cảm, tâm nguyện của bản thân Hồ Chí Minh.
Sinh thời, từ lúc trở thành người cộng sản (năm 1920) cho đến khi từ giã cõi đời, Hồ Chí Minh luôn gắn bó chặt chẽ và hết lời đề cao Chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ năm 1927, Người đã khẳng định: Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là Chủ nghĩa Lênin. Câu nói của Hồ Chí Minh, rằng “tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu Chủ nghĩa Các Mác”(2) đã nói lên sự lựa chọn kiên quyết của Người. Để nói về vai trò to lớn của Chủ nghĩa Mác-Lênin với cách mạng Việt Nam, Người còn khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản".
Sự gắn bó không thể tách rời của Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin còn thể hiện qua những tình tiết rất sinh động và cảm động. Khi viết Di chúc gửi lại, Người đã gọi việc từ giã cõi đời của mình là “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin” bởi giữa các bậc vĩ nhân ấy là sự đồng điệu về khát vọng giải phóng con người và “tình hữu ái vô sản” thiêng liêng. Trong lần trả lời phỏng vấn cuối cùng vào ngày 15-7-1969, Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng... trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác-Lênin".
Như vậy, từ lúc rơi những giọt nước mắt hạnh phúc khi đọc bản “Luận cương” của Lênin cho đến tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, Hồ Chí Minh đều gắn bó với Chủ nghĩa Mác-Lênin bằng tình yêu và lòng trung thành trên tinh thần biện chứng. Do đó, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin là một sự xuyên tạc lịch sử mà Hồ Chí Minh là một nhân chứng sống động nhất.
Phải khẳng định rằng: Việc đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh và hạ thấp Chủ nghĩa Mác-Lênin thực chất là một âm mưu đen tối, thủ đoạn tinh vi. Sự nguy hiểm của nó nằm ở tính ngụy biện, dễ làm người ta ngộ nhận, tin theo bởi nó “đánh vào” tình yêu lãnh tụ và tinh thần tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, đây thực chất không phải là sự ca ngợi, không phải là đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh theo đúng giá trị của nó mà chỉ là thủ pháp “nâng lên để hạ xuống”, là tìm cách cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi ngọn nguồn lý luận chủ yếu của nó để qua đó làm suy yếu và tiến tới phủ định chính tư tưởng Hồ Chí Minh. Sâu xa hơn, những kẻ chống phá không chỉ phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin hay tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn muốn phủ nhận toàn bộ cương lĩnh, đường lối của Đảng được hoạch định trên nền tảng tư tưởng đó để đi đến mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ đang hiện hành, xóa bỏ định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Để chống lại giọng điệu xuyên tạc, xảo trá này, trước hết cần giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân về mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác-Lênin và động cơ đen tối của lực lượng chống phá khi phủ nhận mối quan hệ này. Phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấu hiểu rằng, quan hệ giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là quan hệ giữa cội nguồn và phát triển, giữa cái chung và cái đặc thù nên “tuy hai mà là một, tuy một mà là hai”. Cho dù tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều điểm sáng tạo so với Chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng nó lại thống nhất với Mác-Lênin ở chiều sâu bản chất, ở lý tưởng giải phóng con người cùng khổ.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị để cán bộ, đảng viên thấu hiểu nội dung, bản chất, giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện trạng “nhạt đảng, phai đoàn, khô lý tưởng” và căn bệnh lười học lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên chính là “mảnh đất màu mỡ” cho kẻ thù đẩy mạnh công tác phản tuyên truyền. Vì thế, làm tốt công tác giáo dục, tích cực bồi đắp tri thức khoa học cho cán bộ và nhân dân chính là tạo “vắc-xin” phòng, chống sự xâm nhập của các luồng thông tin xấu, độc.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải kiên định và tăng cường hơn nữa sự vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bởi thực tiễn là nơi kiểm nghiệm mọi chân lý một cách xác thực nhất. Ngược lại, mỗi hành vi sai trái của cá nhân và tổ chức đảng đều là sự tiếp tay cho các thế lực thù địch trong việc tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì thế, việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải gắn chặt với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.
Lịch sử phát triển của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn song hành với cuộc đấu tranh bảo vệ chân giá trị của học thuyết và chống lại những quan điểm sai trái thù địch. Vì thế, đấu tranh chống lại quan điểm đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin là việc làm mang tính quy luật nhằm gia tăng sức mạnh của Đảng và làm thất bại mưu đồ xuyên tạc, chống phá của các lực lượng thù địch. Bằng sự đúng đắn trong nhận thức cũng như trong hành động, mỗi cá nhân, tổ chức trong hệ thống chính trị phải có trách nhiệm tham gia vào việc khẳng định chân lý: Thế giới còn đổi thay nhưng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2011, tập.1, tr.509
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập.4, tr.315
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin