Lời của Bác thấm vào từng khối óc

01:35, 25/11/2008

Rất nhiều người biết đến bà Triệu Kim Tặng, Tổ trưởng Tổ dân phố 13, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên, một Tổ trưởng gương mẫ, một cô giáo cắm bản đầy nhiệt huyết nơi các xã vùng sâu, xa; một chuyên viên cần mẫn với công việc xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiêu học của Sở Giáo dục- Đào tạo. Và hơn thế, bà là người được gặp Bác khi đang là học sinh của Trường Thiếu nhi Vùng Cao, Khu Tự trị Việt Bắc (nay là Trường THPT Vùng Cao Việt Bắc).

 

 

 Giấc mơ… thành hiện thực

 

Trong cuộc đời mình, được gặp Bác như là một cơ duyên đối với bà Triệu Thị Kim Tặng. Bà kể: "Khi mái tóc còn khét nắng, ở nhà ngày ngày theo mẹ lên nương trỉa bắp, tôi nào có biết Bác Hồ là ai. 11 tuổi mới được cắp sách đến trường, thấy cô giáo thường hay nhắc đến Bác Hồ. Cả cha tôi nữa (ông Triệu Vĩnh Khang), người làm giao liên cho cách mạng ở khu vực Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn mỗi khi đi công tác xa lại mang về cho dân bản biết bao câu chuyện cảm động về Bác." Thế là hình bóng vị cha già dân tộc luôn được ấp ủ trái tim cô bé người Dao với niềm thành kính. Có những đêm, cô mơ được gặp Bác, được nắm tay Bác, được hát cho Bác nghe. Và cô không ngờ, giấc mơ ấy lại trở thành hiện thực khi cô đang theo học năm thứ  2 ở Trường Thiếu nhi Vùng Cao.

 

Bà Tặng nhớ lại: Tôi nhớ lắm cái ngày được gặp Bác, đó là ngày 13-3-1960. Mới sáng tinh mơ hôm đó, tôi cùng 2 bạn là Chi Thị Khẩn, dân tộc Lô Lô và Đào Thị Lý, dân tộc Mông vinh dự được ra sân vận động Thái Nguyên để đón và tặng hoa cho Bác Hồ. Sau buổi mít tinh, chúng tôi trở về trường ngay để chuẩn bị đón Bác đến thăm Trường, ngôi trường được xây dựng nên dành cho con em các dân tộc ít người có công với cách mạng của 8 tỉnh Khu tự trị Việt Bắc đến theo học.

 

Đúng 13 giờ, Nhà trường tập trung toàn bộ học sinh và cán bộ công nhân viên tại hội trường, nói là hội trường, nhưng thực chất chỉ là căn phòng được làm bằng tranh tre, nứa lá tạm bợ. Và trong căn phòng hội trường đơn sơ ấy đã diễn ra cuôc gặp mặt đầy cảm động giữa Bác Hồ với tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh Nhà trường. Lần này, tôi lại vinh dự được lên quàng khăn đỏ cho Bác. Với giọng nói trầm ấm, Bác ân cần khuyên dạy chúng tôi: "Các cháu phải đoàn kết, phải chăm học, phải nghe lời thày cô giáo thì mới xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ". Bác còn căn dặn các thầy, cô giáo và cán bộ công nhân viên trong Nhà trường phải thật sự yêu thương và nuôi dạy chúng tôi trở thành những cán bộ tốt để sau này góp phần xây dựng quê hương, phục vụ đồng bào.

 

Các bản làng in dấu chân người con quê hương

 

Bà Tặng tâm sự: 13 tuổi (1959), tôi dời bản Dao nghèo về Trường Thiếu nhi Vùng Cao, Khu tự trị Việt Bắc ở Thái Nguyên trọ học. Ngày đầu xa quê, tiếng Kinh chưa biết nói, bạn chưa quen, nhiều khi buồn quá, quay sang chuyện với người bạn cùng phòng nhưng mỗi người mỗi thứ tiếng, thế là chẳng ai hiểu ai nói gì. Có những đêm tôi đã thức trắng đêm vì nhớ nhà. Nhớ lắm bản Nà Lẹng (ruộng cạn) nằm chon von nơi đỉnh đèo Gió (xã Sỹ Bình, Bạch Thông, Bắc Thái-nay là Bắc Kạn), nhớ những buổi sáng tinh sương được rảo bước trên con đường gồ ghề đá tai mèo tới trường với bè bạn, thày cô. Khi những bạn người dân tộc Lô Lô, dân tộc Mông… vì  nhớ mế đã bỏ trường, bỏ lớp, đã có lúc tôi cũng có ý định không đi học nữa. Và cái lần được gặp Bác đã tiếp thêm cho tôi nghị lực vượt qua khó khăn để tiếp tục xây ước mơ trở thành người cán bộ phục vụ đồng bào.

 

Nhớ lời Bác dạy, sau này, bà Tặng đã theo học ngành Sư phạm, bởi bà nghĩ, chỉ theo ngành Sư phạm mới có thể mang kiến thức đến cho con em đồng bào dân tộc vùng cao. Bằng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, năm 1965, ngay sau khi ra tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học sư phạm Thái Nguyên), bà Tặng đã về giảng dạy ở xã Lam Vĩ (Định Hoá). Thời gian này, dù đang mang thai người con đầu lòng, chồng bà (ông Đặng Văn Lâm, nguyên là Hiệu Trưởng Trường Chính trị tỉnh, cũng là người dân tộc Dao, là bạn học cùng Trường Thiếu nhi Vùng Cao với bà) lại đang theo học tại Trung Quốc, nhưng bà vừa làm tốt công việc người giáo viên "cắm bản", vừa dạy chữ, dạy nhân cách cho các em học sinh, vừa tích cực tuyên truyền vận động bà con dân tộc loại bỏ các hủ tục trong cưới xin, ma chay, mê tín di đoan… ra khỏi cộng đồng .

 

Gần 20 năm "cắm bản" ở các xã vùng sâu, vùng xa,  năm 1984, bà chuyển về công tác tại Phòng Bổ túc văn hoá, Sở Giáo dục - Đào tạo, phụ trách mảng xoá mù chữ bậc tiểu học. Trong công tác xoá mù chữ ở vùng cao, bà là người có đóng góp rất lớn bởi hầu hết các bản làng xa xôi của tỉnh Thái Nguyên đều in dấu chân người cán bộ tâm huyết với nghề này. Bà nói: Nhiều khi mình đi vận động, người dân không nghe. Tôi nhớ nhất lần đi vận động bà con ở xã Tân Sơn, huyện Bạch Thông ra lớp học, đó là vào năm 1984. Vì cuộc sống khó khăn, cái bụng chưa no nên có ai muốn học cái chữ đâu. Vậy là tôi phải ở lại với bà con, ngày đi làm với họ, tối về vận động họ đi học. Rất nhiều ngày sau đó, tôi đã vận động được bà con đến lớp. Cách làm này của tôi sau này đã được nhân rộng ra trên địa bàn tỉnh.

 

Uy tín bản thân và trách nhiệm xã hội

 

Khi về nghỉ hưu (năm 2001), chưa cảm nhận hết dư vị những ngày nhàn rỗi sau bao năm bận bịu công tác, bà  Tặng lại được tín nhiệm bầu làm  Chi hội Trưởng chi hội phụ nữ Tổ dân phố 13, sau đó là Bí thư chi bộ… Đến năm 2006, bà được tín nhiệm bầu làm tổ Trưởng tổ dân phố 13. Tổ có hơn 100 hộ dân, tuy đa phần đều là các hộ hưu trí, cán bộ công nhân viên chức Nhà nước nhưng vẫn còn nhiều tiêu cực xã hội nhất là tệ nạn ma tuý, trộm cắp bởi Tổ nằm giáp cầu Gia Bẩy, nơi tụ tập nhiều con nghiện từ các khu vực khác đổ về 

 

Làm thế nào xây dựng được khu dân cư văn hoá? Câu hỏi đó khiến bà ăn không ngon, ngủ không yên. Cân nhắc mãi, bà quyết định tiến hành làm đường bê tông và điện chiếu sáng cho các dân sống ở khu vực bờ sông Cầu, gần kề khu vực cầu Gia Bẩy (các tuyến đường khác của Tổ đã được bê tông hoá từ năm 2002, 2003). Các hộ dân ở khu vực này đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Khi họp Tổ, bà đưa ra ý kiến kêu gọi tất cả mọi người trong Tổ ủng hộ tiền hoặc ngày công làm đường cho "xóm bờ sông". Bà con hưởng ứng rất nhiệt tình, nhiều hộ kinh doanh ủng hộ tới tiền triệu. Một số gia đình ở xóm Bờ Sông thuộc diện khó khăn được khích lệ cũng sẵn sàng vay mượn anh em để đóng góp làm đường. Tới khi đường bê tông và điện chiếu sáng hoàn thành, còn dư kinh phí, bà vận động bà con trong tổ làm tiếp cống nước thải.

 

Biện pháp bà đưa ra là có một số gia đình làm nhà xong, còn thừa vật liệu như cát, sỏi, gạch đã nhất trí cho xóm làm cống,  chỉ còn tiền xi măng, tiền công thợ thiếu một chút nữa bà con cố gắng là làm được. Thấy vậy, mọi người đồng tình đóng góp. Khi dân đã thấy những thành quả do đoàn kết nhất trí, thì tự mỗi gia đình nâng cao tinh thần vì cái chung nhiều hơn và các gia đình trong tổ gắn kết với nhau hơn. Nhờ đó, cách đây 2 năm, Tổ dân phố 13 đã dạt danh hiệu tổ dân  phố văn hoá cấp thành phố. Thấy công việc của bà bận rộn, các con khuyên bà xin nghỉ nhưng bà bảo: Những đóng góp của mình cho xã hội vẫn còn nhỏ bé lắm so với tấm gương vì nước, vì dân của Bác Hồ. Hơn nữa, là đảng viên, khi nào còn sức khoẻ, thì nên gắng sức phục vụ nhân dân theo tấm gương Bác Hồ.

 

Hiện nay, bà Tặng là một trong số ít những nhân chứng được gặp Bác ngày ấy đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Bởi thế, dù rất bận rộn nhiều công việc, bà vẫn dành thời gian để tham gia các buổi giao lưu với thế hệ trẻ nhân các ngày lễ lớn của đất nước. Với bà, được kể chuyện về Bác Hồ cho các cháu thanh, thiếu niên nghe chính là góp phần giáo dục thế hệ trẻ, giúp các cháu hiểu và làm theo tấm gương cao đẹp của vị Chủ tịch vì nước, vì dân.