Từ một nông dân nghèo ông đã vượt qua khó khăn để trở thành ông chủ của một cơ sở đúc gang có tiếng. Đó là ông Nguyễn Văn Nhượng, chủ cơ sở đúc gang Nhượng Lợi tại tổ dân phố số 10, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên).
Chị Đoàn Thị Tuyết (Hà Nội) - chủ của một xe hàng cho chúng tôi biết: “Đây là năm thứ 7 tôi lấy sản phẩm tại cơ sở đúc gang của anh Nhượng. Mỗi lần tôi đặt trên 10 tấn sản phẩm khuôn đổ phôi thép. Anh Nhượng luôn là người giữ chữ tín với khách hàng, chất lượng sản phẩm tốt...”. Không chỉ có khách hàng gắn bó, tin tưởng với cơ sở của ông mà với người lao động cũng vậy. Những người lao động ở đây có công việc ổn định, được trả lương đúng định kỳ; hơn nữa họ còn được chủ cơ sở tạo điều kiện trong công việc, nếu có công việc đột xuất có thể được tạm ứng trước lương và hỗ trợ người lao động khi ốm đau, gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn... Anh Dương Văn Tạo quê ở xã Thượng Đình (Phú Bình) nói với chúng tôi: “Mình gắn bó với cơ sở của chú Nhượng đã 14 năm rồi. Do có việc làm đều nên thu nhập của mình mỗi tháng được 3 triệu đồng. Không chỉ gần gũi với người lao động, chú Nhượng còn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ mình và một số anh em lao động khi gặp khó khăn trong cuộc sống...”
Khi xe hàng lăn bánh ra khỏi sân xưởng đúc, ông Nhượng vồn vã mời chúng tôi vào ngôi biệt thự. Trong nhà, những tấm Giấy khen: Hội viên làm kinh tế giỏi 5 năm; Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Gia đình văn hóa tiêu biểu 10 năm trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được ông treo trang trọng trên tường. Mới đây nhất năm 2010, ông được Đảng bộ T.P Thái Nguyên trao tặng Kỷ niệm chương Cá nhân điển hình tiên tiến trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Giấy chứng nhận đã tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và công tác từ thiện, xã hội của phường Cam Giá...
Ông đã kể cho chúng tôi nghe thời kỳ trai trẻ và ngày đầu lập nghiệp của mình: Sinh năm 1952, sau khi tốt nghiệp cấp 2, ông tình nguyện xung phong vào bộ đội năm 1969. Năm 1972 đi B vào Đoàn Cục Xăng dầu 559 ở Quảng Trị, tại đây, ông được đơn vị cử đi học tại Trường Bồi dưỡng chính trị của Tổng cục Hậu cần ở Đông Lao (Hà Tây), được kết nạp Đảng năm 1979. Năm 1986, ông về nghỉ chế độ bệnh binh 2/3 và cùng vợ, con làm ruộng. Cuộc sống của gia đình ông chỉ trông vào vài sào ruộng nên khá chật vật. Không cam chịu đói nghèo, năm 1993 ông quyết định thoát nghèo từ nghề đúc gang. Lúc này trong tay ông vẻn vẹn chỉ có mấy chục nghìn đồng. Ông đã mạnh dạn vay mượn thêm của người thân, bạn bè và bà con chòm xóm được 10 triệu đồng để đầu tư xây dựng cơ sở. Vốn có kinh nghiệm trong nghề đúc gang (do bố đẻ truyền lại) cũng như chịu khó tìm tòi, học hỏi của những người có tay nghề cứng ở địa phương nên ông đã vào nghề một cách dễ dàng. Tuy nhiên, vốn ít nên ban đầu gia đình ông chỉ làm khoảng 5 tạ, sau đó dần tăng lên từ 1 tấn đến 1,2 tấn cô đỗ trọng mỗi ngày...
Từ một cơ sở nhỏ bé, đến nay gia đình ông đã phát triển cơ sở đúc gang với quy mô 2 lò nấu. Mỗi năm, sản xuất ra khoảng 1.000 tấn thành phẩm cô đỗ trọng, khuôn đổ phôi thép, doanh thu đạt khoảng 7 tỷ đồng/năm. Do giữ chữ tín nên ông đã giữ được nhiều mối cung cấp gang phế liệu cho cơ sở đúc của mình. Và số lượng khách đến liên hệ đặt hàng ngày càng đông, đến nay cơ sở đúc gang của ông có từ 60 đến 100 khách hàng thường xuyên và khoảng 10 đến 20 khách hàng lấy sản phẩm theo nhu cầu. Sản phẩm không chỉ có mặt tại các đơn vị sản xuất nấu phôi thép trong nước mà còn cả nước bạn Lào. Hiện, cơ sở của ông tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa phương, với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Được bà con tin tưởng, tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố từ năm 2008 đến nay, trong công việc chung của tổ, ông luôn tôn trọng ý kiến chính đáng của mọi người để từ đó cùng với các đoàn thể trong tổ đưa ra các quyết định hợp lòng dân. Nhờ đó, các hoạt động, phong trào chung, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được bà con thực hiện nghiêm túc. Nhất là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được ông lồng ghép trong sinh hoạt Chi bộ, trong các phòng trào, hoạt động của bà con như thực hành tiết kiệm, yêu thương, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.... Xuất phát điểm từ một người lao động nghèo nên khi bản thân đã có “lưng vốn” kha khá, ông luôn quan tâm đến công tác từ thiện, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của phường. Mỗi năm, ông làm công tác từ thiện từ 20 đến 30 triệu đồng; cho một số hộ nghèo trong tổ dân phố vay không tính lãi để phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo... Năm 2010, ông là người tiên phong trong huy động bà con đóng góp xây dựng nhà văn hóa của tổ, riêng cá nhân ông đã ủng hộ 19 triệu đồng.
Khi được hỏi: Trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông đã học được ở Người điều gì? Ông nói: “Tôi học được ở Bác rất nhiều - học ở đức tính giản dị, cần, kiệm trong cuộc sống thường nhật và trong sản xuất kinh doanh. Học ở Bác cách gần dân - dân là gốc, bởi muốn dân đồng lòng ủng hộ trong công việc chung của tổ dân phố, của phường trước hết bản thân mình phải là người cán bộ, đảng viên tiên phong đi trước trong mọi hoạt động”...