Ông Hiệu khuyến học

09:30, 04/09/2019

Ông từng có mặt ở chiến trường miền Nam, tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế... Trở về địa phương, ông tiếp tục cống hiến công sức ở nhiều lĩnh vực. Dấu ấn đậm nét nhất của ông được người dân xã Văn Hán (Đồng Hỷ) ghi nhận là việc ông góp phần xây dựng, đưa phong trào khuyến học của xã đi lên. Ông là Vi Văn Hiệu, người dân tộc Thái ở xóm Làng Cả, Chủ tịch Hội Khuyến học xã.

Sinh năm 1957, tháng 1-1975, khi cuộc chiến chống Mỹ, Ngụy đang vào giai đoạn ác liệt, ông Hiệu đã khai tăng tuổi, tình nguyện viết đơn nhập ngũ vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu. Sau giải phóng, ông được cấp trên cử đi học sĩ quan quân đội. Đến tháng 3-1978, ông cùng đơn vị (Quân đoàn 3) vào chiến trường Campuchia giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Pôn-pốt. Năm 1979, đơn vị ông được lệnh hành quân lên Hà Giang chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đến năm 1987 lại vào Tây Nguyên dẹp bọn phản động Phun ro. Đến năm 1992, ông xuất ngũ trở về địa phương. Vốn là một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường, được đào tạo bài bản, hiểu biết rộng nên ông được tổ chức, bà con tín nhiệm giới thiệu, bầu, giao làm: Trưởng xóm kiêm Bí thư Chi bộ Làng Cả; Chủ tịch Hội Nông dân xã; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã; Chủ nhiệm Hợp tác xã Điện. Năm 2008, sau khi bàn giao lưới điện cho Công ty Điện lực, ông làm Chủ tịch Hội Khuyến học xã cho đến nay.

Ngày mới nhận nhiệm vụ, phong trào khuyến học của xã gần như không có gì. ông trăn trở tìm hướng đưa phong trào khuyến học của địa phương đi lên. Một mặt, ông nghiên cứu các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động phù hợp cũng như tranh thủ sự chỉ đạo, ủng hộ của lãnh đạo địa phương. Mặt khác, ông không ngại đến từng xóm, gặp gỡ cấp ủy chi bộ, trưởng các xóm để tuyên truyền, vận động thành lập chi hội khuyến học.

Ông nhớ lại: Khi ấy, đường sá đi lại rất khó khăn, địa bàn xã rộng, mỗi lần tôi xuống các xóm phải hẹn trước vài ngày, rồi “nằm vùng” cùng ăn, cùng làm với người dân để tuyên truyền, thuyết phục. Điều đáng mừng là đội ngũ cán bộ xóm, bản sau nghe tôi nói đều hiểu ý nghĩa của việc khuyến khích học hành của con em mình nên ủng hộ nhiệt tình. Nhờ vậy, sau hơn 1 năm, 17/17 xóm ở Văn Hán đã thành lập được chi hội khuyến học. Việc thu quỹ khuyến học từ các chi hội, ngày nộp, số tiền, người nộp, đều được tôi ghi chép cẩn thận, đồng thời nhập vào máy tính và viết phiếu thu cụ thể. Số tiền chi vào các hoạt động của công tác khuyến học cũng vậy. Làm việc càng rõ ràng, minh bạch càng tốt, nhất là trong tài chính, có như vậy mới hiệu quả, người dân mới tin tưởng và ủng hộ. Nhờ vậy mà việc vận động đóng góp Quỹ Khuyến học của xã được bà con hưởng ứng tích cực và luôn đạt cao qua từng năm. Cụ thể, năm 2017, toàn xã thu được trên 51,8 triệu đồng; năm 2018, tăng lên trên 90 triệu đồng; từ đầu năm tới nay, thu đạt gần 70 triệu đồng. Văn Hán tự hào là một trong những địa phương thuộc tốp đầu trong phong trào khuyến học của huyện. Hàng năm, xã có từ 15 đến 20 học sinh đỗ vào các trường đại học. Học sinh giỏi các cấp được Hội Khuyến học xã khen thưởng phải thật sự tiêu biểu vì số lượng đông.

Bà Phùng Thị Nghĩa, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm La Đàn nói: Ở Văn Hán, chúng tôi vẫn gọi ông với cái tên dễ mến là “ông Hiệu khuyến học”. ông làm việc rất nhiệt tình, trách nhiệm, tổ chức khen thưởng, động viên các cháu kịp thời. Chẳng hạn như ở La Đàn có đến 80% số dân là người dân tộc thiểu số, đời sống người dân chưa hẳn khá giả, nhưng riêng công tác khuyến học luôn được ưu tiên hàng đầu. Nếu trước kia, La Đàn thường nằm cuối danh sách đóng góp Quỹ Khuyến học thì nay đã sánh ngang với các chi hội khác. ông Lâm Thanh Vạn, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán nhận xét: ông Hiệu là người có uy tín trong cộng đồng, ông làm nhiều việc nhưng làm gì cũng luôn cống hiến hết khả năng với trách nhiệm cao, vì tập thể, vì bà con cũng như sự phát triển chung của địa phương. ông Hiệu là đại biểu của Văn Hán tham dự Đại hội đại biểu Các dân tộc thiểu số tỉnh diễn ra trong tháng 9 tới.