Sau lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần cuối cùng về thăm Thái Nguyên (ngày 1/1/1964), thay mặt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng chí Lê Đức Chỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, phát biểu: “…Chúng cháu xin hứa với Bác và Trung ương Đảng, sẽ học tập sâu rộng trong toàn Đảng bộ, toàn dân lời huấn thị của Bác để ra sức phát huy những ưu điểm mà Bác đã khen, sửa chữa những khuyết điểm mà Bác đã phê bình, để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho”. Thực hiện lời hứa đó, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng nỗ lực, đóng góp xứng đáng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” được các địa phương trong tỉnh triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, thu được hiệu quả thiết thực. Trong ảnh: Người dân xã Văn Yên (Đại Từ) mở rộng đường giao thông nông thôn. |
“Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”
Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnhThái Nguyên đã đoàn kết, từng bước ổn định sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân, dũng cảm chiến đấu góp phần đánh bại cuộc leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ; đồng thời động viên hàng nghìn con em các dân tộc tham gia bộ đội, chiến đấu trên khắp các chiến trường và lập nhiều chiến công xuất sắc.
Trong giai đoạn 1965-1975, trải qua gần 40 chiến dịch tổng động viên tuyển quân, Thái Nguyên đã chi viện 48.278 chiến sĩ cho chiến trường (trong đó hơn 15.000 người đã bị thương và hy sinh).
Bình quân mỗi năm, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đóng góp cho Nhà nước gần 20 nghìn tấn lương thực, hàng nghìn tấn thực phẩm, đảm bảo “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Quân và dân Thái Nguyên đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên 400 trận, góp phần bắn rơi 61 máy bay Mỹ (trong đó có 2 máy bay ném bom chiến lược B52 và 1 máy bay trinh sát điện tử EB66; tiêu diệt và bắt nhiều tên giặc lái).
Chiến sĩ, học viên Trường Quân sự Quân khu 1 tham gia hiến máu tình nguyện. |
Ra sức xây dựng đời sống mới
Cùng với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chi viện cho chiến trường miền Nam, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên cũng phấn khởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới.
Năm 1955, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo xây dựng thí điểm 3 hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp là Cầu Thành, Sơn Tập, Xóm Gò (xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ), đồng thời lãnh đạo tiếp tục củng cố và phát triển các tổ đổi công.
Năm 1956, xây dựng thêm 2 HTX thí điểm, nâng tổng số HTX thí điểm lên 5 đơn vị. Đầu năm 1958, Bác Hồ về thăm HTX Nông nghiệp Cầu Thành (Đại Từ). Người đã căn dặn, động viên nhân dân hăng hái tham gia tổ đổi công, xây dựng HTX nông nghiệp, tích cực tham gia xây dựng quê hương giàu mạnh.
Về công nghiệp, thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch: Đoàn kết xây dựng Khu công nghiệp Gang thép - cánh chim đầu đàn của ngành luyện kim Việt Nam, từ năm 1959 đến 1963, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã đóng góp hàng nghìn mét khối gỗ, hàng chục vạn cây tre, nứa, lá cọ để xây dựng nhà ở, lán, trại cho cán bộ, công nhân; cùng lực lượng cán bộ, công nhân san gạt 50 quả đồi, san lấp gần 11 triệu mét khối đất đá, tạo mặt bằng cho các hạng mục công trình.
Đúng 8 giờ 30 phút ngày 29/11/1963, mẻ gang đầu tiên của lò cao số 1 đã ra lò. Cùng với Khu Gang thép, Nhà máy điện Cao Ngạn, Mỏ sắt Trại Cau được khởi công xây dựng và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12-1963, đưa Thái Nguyên trở thành một trung tâm công nghiệp lớn ở miền Bắc.
Sau khi đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã đoàn kết, không ngừng phấn đấu để xây dựng quê hương giàu mạnh. Kinh tế của tỉnh luôn nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở lĩnh vực công nghiệp.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy. Giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống. |
Tổ chức sáng tạo, linh hoạt các phong trào thi đua
Từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong hoàn cảnh đất nước vô vàn khó khăn, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” tại xóm Nà Lọm, xã Phú Đình (Định Hóa). Người căn dặn: “Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, cùng với cả nước, các phong trào thi đua yêu nước đã phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, góp phần quan trọng vào các thành tựu trên mọi lĩnh vực.
Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thấm nhuần phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị luôn gương mẫu đi đầu, tiên phong trong các lĩnh vực khó để lôi cuốn cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cùng tham gia thực hiện.
Từ chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (năm 2020), tỉnh Thái Nguyên đã cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, nhiệm vụ như: “Thái Nguyên đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng cả nước thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”; “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Thái Nguyên vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Thực hiện cải cách hành chính”, “Doanh nghiệp Thái Nguyên hội nhập và phát triển”, đặc biệt là phong trào thi đua “Thái Nguyên đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” giai đoạn 2021-2025…
Các phong trào thi đua đã được triển khai linh hoạt, sâu rộng, sát với nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị; nội dung luôn đổi mới, mở rộng, dễ hiểu và dễ nhớ… Qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình là những gương sáng trong xây dựng và phát triển quê hương.
Với những kết quả nổi bật, tại Hội nghị tổng kết Đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) mới đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu cũng được vinh danh vì có thành tích xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Thái Nguyên tự hào là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong những năm gần đây, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…” - trích tham luận của Ban Thi đua khen thưởng Trung ương tại Hội thảo khoa học “Bác Hồ về ATK Định Hóa, Thái Nguyên - Quyết định lịch sử mở ra thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến, kiến quốc”. |
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin