Thái Nguyên - 60 năm thực hiện lời Bác dặn, bài 3: Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quê hương phồn thịnh

Nhị Hà 10:44, 13/12/2023

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định mục tiêu: Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Để thực hiện điều đó, Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên đã và đang phát huy truyền thống quê hương cách mạng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tạo cơ hội để bứt phá, xứng đáng với địa danh là ATK, Thủ đô kháng chiến năm xưa.

Tuyến đường Chùa Hang - Huống Thượng mới được đưa vào sử dụng. Ảnh: Nguyên Ngọc
Tuyến đường Chùa Hang - Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: Nguyên Ngọc

Tiên phong, đột phá về chuyển đổi số

Thực hiện mục tiêu Đại hội, một trong những đột phá phát triển của tỉnh Thái Nguyên là đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; lấy ngày 31-12 là hằng năm Ngày chuyển đổi số của tỉnh.

Nghị quyết đã mở ra hướng đi mới, tạo nên sức sống mới, nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và có tác động đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Cụ thể hóa Nghị quyết chuyển đổi số được bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy, nhận thức của người đứng đầu các cấp. Tại các cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến các sở, ngành, địa phương, cơ bản nội dung báo cáo đã được số hóa, phòng họp không giấy, hội nghị trực tuyến được triển khai phổ biến và quen thuộc.

Hệ thống quản lý văn bản đi - đến và điều hành đã gửi, nhận hàng triệu văn bản. Duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được xây dựng, kết nối từ Trung ương về 9 đơn vị cấp huyện và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; cổng thông tin điện tử được xây dựng, kết nối đến 100% cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó là việc đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh; ứng dụng C-ThaiNguyen; nền tảng xã hội số “Thai Nguyen ID”; ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử...

Tất cả góp phần quan trọng vào công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Trụ cột về kinh tế số cũng đạt được kết quả quan trọng. Theo đánh giá mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thái Nguyên đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số năm 2022, trong đó kinh tế số xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố.

Toàn tỉnh hiện có 5.079 doanh nghiệp số, trong đó 324 doanh nghiệp công nghệ số cung cấp nền tảng, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số, tư vấn giải pháp chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin. Dự ước, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn trong năm 2023 đạt khoảng 815 nghìn tỷ đồng (tương đương 33,1 tỷ USD).

Duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước

Đẩy mạnh chuyển đổi số đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, tình hình trong nước và quốc tế xuất hiện nhiều thách thức. Đáng chú ý là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; xung đột ở nhiều nơi trên thế giới ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, giá cả nhiều mặt hàng; rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản gia tăng… đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là xuất khẩu, thương mại, đầu tư.

Song nhờ sự năng động, sáng tạo, nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Thái Nguyên đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Một góc khu công nghiệp Yên Bình. Ảnh: Nguyên Ngọc
Một góc Khu công nghiệp Yên Bình. Ảnh: N.N

Tăng trưởng bình quân của tỉnh giai đoạn 2021-2022 đạt 7,55% (cao hơn bình quân chung của cả nước). Kết thúc năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt trên 5%; quy mô tổng sản phẩm của tỉnh ước đạt 152 nghìn tỷ đồng. Thái Nguyên đã tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương, với tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt 20.000 tỷ đồng.

Thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực, là điểm sáng trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có 204 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10,64 tỷ USD. Đặc biệt, trong Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên được xác định là cực tăng trưởng lớn của tiểu vùng 3 (gồm Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng) và cả vùng Trung du, miền núi phía Bắc.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam: Căn cứ vào các nguyên tắc lý thuyết “Cực tăng trưởng”, soi chiếu vào các điều kiện tự nhiên và thực tiễn kinh tế của Thái Nguyên trong quan hệ với vùng Thủ đô, có cơ sở để nhận định rằng Thái Nguyên là một trong những địa bàn hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một cực tăng trưởng mạnh của vùng Thủ đô...

Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo Bác

Để xây dựng quê hương giàu có và phồn thịnh như mong mỏi của Bác, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên xác định nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó chú trọng làm tốt 3 nội dung: Học tập, làm theo và nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW; tập trung chỉ đạo thực hiện Kết luận số 01-KL/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Các cấp, ngành, địa phương lựa chọn những vấn đề trọng tâm, phức tạp như: Cải cách hành chính, quản lý công vụ, chế độ, chính sách, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, sắp xếp cơ cấu, tổ chức bộ máy, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ để lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết, tránh để tồn đọng, kéo dài.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Phát huy truyền thống lịch sử, quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quốc phòng, an ninh ổn định, hoạt động của chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực...

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh có những mô hình, cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, như: Mô hình “Cán bộ, công chức huyện Phú Lương tích cực thực hiện “3 không, 4 phải”, “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nhiệm vụ giáo dục đào tạo”; mô hình “Trồng cây ăn quả, nuôi ong phát triển kinh tế gia đình”, “Sản xuất chè theo hướng hữu cơ”, “Cây dược liệu dưới tán rừng” (Võ Nhai); mô hình, chương trình “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, sinh hoạt chính trị: “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn” (Phú Bình); mô hình “Làm một phần việc nhỏ, giúp được người bớt khó” (Đồng Hỷ); mô hình “Giáo xứ an toàn về an ninh trật tự” (TP. Thái Nguyên); mô hình “Doanh nghiệp cựu chiến binh Thái Nguyên hội nhập và phát triển”…

Theo thống kê, trong 2 năm 2021 và 2022, toàn tỉnh có 2.314 mô hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các cấp. Tất cả như những đóa hoa thơm kính dâng lên Bác.

Tròn 60 năm kể từ lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, Thái Nguyên đã có bước tiến dài, sự chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt kinh tế - xã hội. Tình cảm và những lời căn dặn của Bác là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và quyết tâm hơn nữa để hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh trở nên giàu có, phồn thịnh; bình yên, hạnh phúc, sung túc và ngày càng phát triển.

(Hết)