Bây giờ đang là tháng 9 Âm lịch, khi những cơn gió heo may đi qua thành phố mang theo một nỗi niềm bâng khuâng tôi lại nhớ đến mùa rươi và món mắm đặc biệt của bà.
Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố nhưng vẫn dính dáng một chút thời bao cấp nên được chứng kiến cái thời “cả đất nước còn gian khó đầy vơi”. Và chính trong sự gian khó ấy, những món ăn tôi được thưởng thức do bàn tay của mẹ, của bà chế biến đã theo tôi suốt chặng đời dài, trở thành nỗi nhớ khôn nguôi. Và mắm rươi là một trong những nỗi nhớ ấy.
Cứ đến mùa rươi mẹ tôi lại ra khu vực cổng Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên bây giờ chờ mua bằng được những mớ ruơi tươi rói từ dưới xuôi mang lên để bà làm mắm ăn dần. Bà tôi bảo tháng Giêng, tháng Hai rươi bắt đầu đẻ trứng vùi sâu xuống đất. Lúc trứng rươi nở thành con, theo dòng thủy triều dâng vào định cư tại ruộng là lúc người ta đánh bắt rươi. Trời đang nắng mà mưa thì rươi xuất hiện, người ta gọi “mưa rươi”; đang nóng mà rét, ấy là “nắng rươi”. Vùng đất có rươi người dân thường có câu ca: "Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm" (theo âm lịch), ý nói ngày 20 tháng 9 và ngày mồng 5 tháng 10 âm lịch là bắt đầu những ngày con nước rươi.
Mắm rươi làm không cầu kỳ nhưng phải cẩn thận và mất nhiều thời gian. Nguyên liệu làm mắm cũng rất đơn giản: Muối rang vàng; rượu nếp ngon; thính gạo nếp rang vàng; gừng và trong móm mắm rươi của bà không thể thiếu vỏ quýt. Mùa rươi cũng là mùa quýt, bà tôi bảo cái mùi thơm hăng hăng của quýt làm dậy lên mùi thơm của rươi và chính vỏ quýt sẽ làm mất đi cái độc của con rươi.
Mỗi lần bà làm mắm mấy chị em tôi lại loanh quanh bên cạnh, vừa xem vừa hóng để bà sai vặt, lúc lấy cái rổ lúc cầm lọ muối. Rươi mẹ tôi mua về được bà đổ nước sôi làm sạch, để ráo rồi dùng đôi đũa cả đánh nát rồi trộn muối vào rươi theo tỷ lệ chỉ một mình bà biết. Rươi đã trộn kỹ với muối bà đổ vào một cái hũ sành rồi đem phơi dưới nắng. Được khoảng 3-4 tuần, khi chúng tôi quên mất nhà mình có một hũ rươi thì bà cho rượu vào trộn đều. Cứ thế 5 tuần cho thính gạo nếp trộn đều; 7-8 tuần cho bột gừng, bột vỏ quýt. Chẵn 10 tuần, bà san mắm từ hũ sành sang chai, nút chặt, bọc ni-lông rồi tiếp tục phơi nắng. Từ khi cho muối vào rươi bà đem phơi nắng liên tục trong 3 tháng, khi nào mắm ngấu thì ăn được.
Đến bữa, bà rót mắm ra một cái bát nhỏ, cứ thế ăn mà không cần đun nấu gì cả. Bát mắm hồng tươi, có một mùi thơm đặc biệt, chỉ cảm nhận khi ăn mà không tả được. Cái mùi thơm đặc biệt cứ quấn quýt, gọi mời trong từng bữa cơn đông đủ các thành viên trong gia đình. Mắm ấy có thể ăn với thịt ba chỉ luộc nhưng hầu như nhà tôi chẳng có điều kiện mua thịt nên cứ mắm rươi chan vào cơm, mấy chị em đánh bay vài bát vẫn thấy thòm thèm.
Bây giờ đang là tháng 9, tôi lại nhớ đến bát mắm rươi của bà ngày nào, nhưng đi mỏi mắt tìm cũng không thấy người ta bán rươi ở đâu giữa thành phố ồn ào tráng lệ. Rẽ vào siêu thị hỏi mua lọ mắm rươi về ăn cho vợi cảm giác thèm nhớ, nhưng mắm rươi bây giờ khác lắm ngày xưa. Phải chăng mình đang hoài niệm?