Cả bố và mẹ tôi đều là người dân tộc Tày. Dù đã đi thoát lý nhiều nằm, giờ sinh sống tại thành phố Thái Nguyên, nhưng gia đình tôi vẫn giữ được những nét truyền thống của người Tày: Đó là làm cố rất to vào dịp Tết thanh minh và rằm tháng 7. Đặc biệt, có một món ăn không thể thiếu trong những ngày này của gia đình tôi là món bánh ngải cứu.
Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết thanh minh hoặc ngày rằm tháng 7 là mẹ lại làm bánh ngải cứu cho chúng tôi ăn. Vị hăng hăng của lá ngải dưới bàn tay chế biến khéo léo của mẹ đã trở thành món ăn vô cùng hấp dẫn.
Có lẽ không chỉ riêng mẹ tôi mà nhiều hộ đồng bào dân tộc Tày khác ở Thái Nguyên cũng thường làm món bánh ngải cứu vào dịp Tết Thanh minh và rằm tháng 7 hằng năm bởi lẽ, đây là một trong những món ăn dân dã để bà con thắp hương gia tiên.
Năm nào cũng giúp mẹ làm bánh ngải nên tôi vẫn còn rất nhớ cách làm bánh của mẹ. Thường thì mẹ chuẩn bị nguyên liệu làm bánh như lá ngải cứu, lá chuối, gạo nếp, đỗ, lạc từ vài hôm trước. Tiếp đó, mẹ ngắt lá ngải cứu ở vườn, đem về để ải rồi mới rửa sạch, đồ lên và đem giã thật nhuyễn. Mẹ bảo, lá ngải càng được giã nhuyễn thì bánh sẽ càng ngon.
Để phù hợp với khẩu vị của từng người trong gia đình, mẹ làm bánh với hai loại nhân là đỗ xanh và lạc. Đỗ xanh được ngâm qua đêm rồi đồ lên. Sau đó, mẹ thái nhỏ đường phên trộn với số đỗ đã được đồ chín. Còn lạc, mẹ giã nhỏ, chưng với vừng và đường phên.
Tiếp đó, mẹ xay gạo nếp (xay bột nước), rồi cho chỗ bột nước ấy vào cái túi vải màu trắng và treo lên góc bếp. Nước róc xuống nền bếp tro tí tách cho đến khi bột khô, dẻo thì mẹ mới bắt đầu công đoạn nhào bột nếp với lá ngải cứu và đường phên. Tôi thấy mẹ làm tỉ mẩn lắm, nhào, nặn, trộn thật đều cho đến khi bột có màu đen sậm, dẻo quánh thì mẹ mới bắt đầu gói bánh bằng lá chuối. Từng chiếc bánh sau đó được đưa vào chõ và bắc lên bếp. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, những chiếc bánh nghi ngút khói, thơm nức đã được mẹ xếp ngay ngắn trong chiếc rổ lớn. Rồi mẹ lấy chiếc đĩa to, tỉ mẩn xếp từng chiếc bánh vào đĩa, đặt lên ban thờ thắp hương. Khi mẹ mang bánh thắp hương các cụ rồi, chúng tôi mới được phép thưởng thức những chiếc bánh ngải cứu ngọt lịm.
Bánh ngải dễ ăn, mát và không ngấy. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng như gói cả mùa xuân trong mát. Tết Thanh minh, rằm tháng 7 nếu có dịp lên Thái Nguyên vào vùng đồng bào dân tộc Tày sinh sống (Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai), mọi người sẽ cũng được thưởng thức món bánh ngải đặc sản và dân dã này.