Trường tiểu học toàn cấp đầu tiên ở Phổ Yên

09:20, 20/07/2016

Theo Đồng Khánh dư địa chí (1886-1888) thì Nam Tiến là một trong những vùng đất hiếu học, sớm có truyền thống tôn sư, trọng đạo của Phổ Yên. Từ xa xưa, nhân dân trong vùng đã truyền tai nhau câu ca dao: “Hoàng Đàm là đất thảnh thơi/ Long chầu, hổ phục lắm người tài ba”.

Việc phát hiện tấm bia văn chỉ nói về Giáo dục ở tổng Hoàng Đàm năm 2011 của Trường THCS Nam Tiến trong khi thi công đào móng xây dựng thư viện Trường đã khẳng định thêm điều này. Bia được khắc vào năm 1891, với gần 200 chữ Hán nhằm tưởng niệm và ghi nhớ công lao của người thầy giáo đã mất họ Hoàng tên tự Phúc Long, ghi nhận đúng 120 năm trước đó ở Nam Tiến đã có trường học. Tấm bia đã được các cán bộ của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực tế, khảo sát, dịch nội dung và hiện đang lưu giữ trong Bảo tàng tỉnh.

 

Dưới thời Pháp thuộc, Nam Tiến cũng là nơi đặt trường học đầu tiên trên địa bàn huyện. Cuốn lịch sử Đảng bộ xã Nam Tiến, lịch sử giáo dục Nam Tiến và lịch sử ngành Giáo dục và Đào tạo Phổ Yên đều khẳng định: Năm 1932, ở khu vực đình Hoàng Đàm, thực dân Pháp xây dựng trường bán cấp tiểu học ở huyện Phổ Yên, năm sau, trường hoàn thành với tên gọi Trường Kiêm bị Hoàng Đàm. Đây là trường học thứ hai mà chúng mở trên địa bàn tỉnh. Từ đó trở đi, Trường thường xuyên mở ba lớp: đồng ấu, dự bị và sơ đẳng dạy cho con em quan lại và các gia đình giàu có trong huyện. Năm 1936, thực dân Pháp củng cố Trường Kiêm bị Hoàng Đàm, Trường trở thành trường tiểu học toàn cấp đầu tiên và lớn nhất toàn huyện Phổ Yên khi đó.

 

Cụ Lê Đức Hiện, 80 tuổi, ở xóm Lò, xã Nam Tiến, là một trong những học sinh của Trường Kiêm bị Hoàng Đàm hồi tưởng: Trường khi đó xây dựng rất đơn sơ, với chiều dài trên 20m, diện tích khoảng hơn 200m2, được chia làm 2 phòng học. Tôi vẫn nhớ Hiệu trưởng là thầy Lê Tiến Ấp.

 

Địa điểm Trường Kiêm bị Hoàng Đàm xưa nay chính là trụ sở UBND xã Nam Tiến. Còn những tư liệu quý về lịch sử giáo dục nói trên đều được đưa vào trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã và lịch sử giáo dục Nam Tiến của Trường THCS Nam Tiến. Riêng bản sao tấm bia văn chỉ được tìm thấy và phần dịch nghĩa đã được Nhà trường đưa vào phòng truyền thống để giáo dục cho các thế hệ học sinh.