Để xây dựng cơ sở quốc phòng sản xuất vũ khí chuẩn bị kháng chiến lâu dài, cuối năm 1946, Trung ương Đảng quyết định tiến hành cuộc tổng di chuyển vật chất kỹ thuật lên các căn cứ kháng chiến, với phương châm vừa di chuyển vừa tổ chức sản xuất vũ khí.
Thời kỳ này, một xưởng quân khí đã được đặt tại xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá (Võ Nhai), tập trung sản xuất vũ khí để phục vụ kháng chiến chống Pháp. Ông Nông Văn Bắc (73 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm Thành Tiến cho biết: Khi xưởng chuyển đến, tôi vẫn còn rất nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh từng đoàn người khiêng, vác máy móc, thiết bị. Toàn bộ quá trình vận chuyển vật tư của xưởng đều bằng sức người. Thời kỳ đó, nhân dân địa phương, trong đó có cả gia đình tôi đều tích cực giúp đoàn đưa máy qua các đoạn đường khó.
Khu nhà xưởng được đặt ở thung lũng cây cối rậm rạp, gần suối Rọ, xung quanh là các ngọn núi: Rọ Kim, Đồi Gianh, Rọ Nước, Là Thâm. Nơi này bằng phẳng, gần suối phù hợp đặt xưởng sản xuất và làm nhà ở cho công nhân. Xưởng gồm có nhà lắp ráp súng đạn, nhà phúc lợi, nhà xưởng, nhà đúc bom, mìn, khu giám đốc, khu công nhân ở xung quanh thung lũng. Tất cả những khu nhà này đều làm bằng gỗ, tre, nứa, lá. Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu thời điểm đó, xưởng được xây dựng với phương châm quy mô nhỏ, cơ động, linh hoạt, dễ di chuyển khi cần thiết. Xưởng có khoảng 800 công nhân, với vài chục chiếc máy công cụ (tiện, phay, bào, khoan, dập…). Máy phát động lực của các xưởng thường là những máy hơi nước nhỏ. Việc rèn các chi tiết lớn thường dùng búa tay. Lò đúc gang gọi là lò chõ, lượng đúc mỗi mẻ chỉ từ 30 đến 50kg. Quạt gió dùng guồng quay tay, đạp chân. Việc đặt máy công cụ thường không đổ móng cố định mà chỉ bắt bulông trên khung gỗ để có thể nhanh chóng tháo lắp, di chuyển khi cần thiết.
Sau một thời gian hoạt động tại xóm Thành Tiến, nghi ngờ quân địch đã phát hiện ra vị trí sản xuất, năm 1951, xưởng đã bí mật di chuyển sang xóm Là Đông, cùng xã. Về sau xưởng tiếp tục di chuyển, sáp nhập, trở thành một trong những nhà máy sản xuất quân khí của Quân đội ta. Ông Chu Mạnh Kiểm, Bí thư Chi bộ xóm Thành Tiến cho biết: Sau này, vẫn có một số người về đây tìm lại máy móc, vũ khí đã chôn giấu trước khi xưởng di chuyển vào năm 1951. Hiện nay, khu vực từng xây dựng xưởng quân khí vẫn còn nền đất bằng phẳng thuộc sở hữu của gia đình ông Nông Chí Kiên và Nông Văn Thiện. Người dân đã canh tác lúa, hoa màu xung quanh khu vực này.