Đền Đình Cả - di tích lịch sử cấp tỉnh

08:05, 19/07/2017

Theo lý lịch di tích và lời kể của các nhân chứng, Đình – Đền Đình Cả được xây dựng vào năm 1920 thờ Hùng Vương, Đức thánh Trần Hưng Đạo, thần Cao Sơn Quý Minh và Tứ phủ. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1947 đến 1949, khuôn viên Đình – Đền là nơi đóng quân của một bộ phận thuộc Nhà máy Quân giới A3.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, nhân dân trong vùng phải sơ tán đi nhiều nơi, Đình – Đền không được quan tâm tu bổ, không có người trông coi nên bị xuống cấp nặng, một số tài liệu, hiện vật bị thất tán. Sau này, khu đất thuộc khuôn viên Đình – Đền được sử dụng làm trụ sở Hợp tác xã Mua bán huyện Võ Nhai, làm trụ sở UBND thị trấn Đình Cả từ 1991 đến 1993.

 

Từ năm 1995, được sự nhất trí của cấp ủy, chính quyền thị trấn Đình Cả, nhân dân trong vùng đã đồng lòng phát tâm công đức để phục hồi, tôn tạo ngôi Đền làm nơi thờ thần, Phật, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng ở địa phương. Đền Đình cả đã được phục dựng hiện rộng khoảng 70m2 trên diện tích khuôn viên 336m2, tuy vậy vẫn còn khiêm tốn về diện tích và kiến trúc so với nguyên trạng. Hằng năm, vào ngày 25 tháng Giêng Âm lịch, cộng đồng dân cư trong vùng tổ chức lễ hội khai xuân thể hiện sự tri ân công đức của các vị nhân thần được thờ trong Đền và nhằm cầu an, cầu mùa, cầu lộc, cầu tài. Hội Đền thu hút khá đông du khách thập phương đến lễ bái, ngoài phần lễ thì phần hội có nhiều trò chơi dân gian được khôi phục. Ngoài dịp lễ hội chính này thì hàng năm tại Đền Đình Cả còn diễn ra một số nghi lễ quan trọng khác, đặc biệt là ngày giỗ Đức thánh Trần Hưng Đạo (20-8 Âm lịch). Những dịp lễ, hội Đền Đình Cả đều mang ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa – tâm linh sâu sắc; góp phần giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tinh thần cộng đồng cho các thế hệ người dân nơi đây.

 

Với những giá trị về lịch sử và văn hóa, Đền Đình Cả đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy vậy, xuất phát từ thực tế và ý nguyện của đông đảo nhân dân trong vùng thì ngôi Đền cần phải được mở rộng về diện tích và tôn tạo, tu bổ sao cho xứng đáng với giá trị vốn có. Theo ông Lâm Văn Dần, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai đã có chủ trương huy động xã hội hóa để tu bổ hoặc xây mới Đền Đình Cả. Chính quyền thị trấn đang thuê đơn vị tư vấn thiết kế và lập dự toán công trình. Bà Hà Thị Mùi (87 tuổi) ở phố Đình Cả, thị trấn Đình Cả, là người có công lớn nhất trong việc phục dựng Đền Đình Cả và hiện là Thủ nhang, cho biết:  Mong muốn của tôi cũng như nhiều người dân là các cấp cần quan tâm đầu tư và huy động thêm các nguồn đóng góp khác để sớm tôn tạo ngôi đền.