Nơi thành lập Đội Cứu quốc quân Phạm Hồng Thái

16:32, 04/12/2017

Chúng tôi đứng trên sườn Đông dãy Tam Đảo hùng vĩ  thuộc khu vực Lán Than, xóm Hòa Bình 2, xã Quân Chu (Đại Từ) - nơi thành lập Đội Cứu quốc quân Phạm Hồng Thái, phóng tầm mắt bao quát khoảng không gian rộng lớn, cảm nhận rõ nét đẹp nên thơ, hữu tình của vùng đất Quân Chu. Núi rừng trùng điệp, nương chè, bãi ngô, ruộng lúa... xanh mướt một màu, tạo cảm giác bình yên.

Do nằm ở vị trí địa lý thuận lợi cho việc di chuyển bí mật, kín đáo, có đường 38 (T.X Phổ Yên - Đại Từ) chạy qua và có cơ sở cách mạng đáng tin cậy nên từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám (1945),  Quân Chu đã được xác định là một trong những điểm nút quan trọng của con đường liên lạc giữa Việt Bắc với Trung ương Đảng; là nơi đón tiếp nhiều đồng chí cán bộ từ miền xuôi lên Tân Trào (Tuyên Quang) hoạt động và ngược lại, như các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt...

Nay chúng tôi trở lại thăm căn cứ cách mạng xưa, nơi đây có bia đá khắc ghi tên họ những chiến sĩ thuộc Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái. Di tích lịch sử Đội cứu quốc quân Phạm Hồng Thái được xây dựng uy nghi gần chùa Thiên Tây Trúc, tạo nên một quần thể du lịch sinh thái tâm linh, xung quanh được bao bọc bởi lớp lớp cỏ, cây, hoa lá xanh mát, thu hút đông đảo du khách thập phương tới thăm viếng, chiêm bái và tìm hiểu lịch sử. Sử sách ghi, trong những năm 1940-1942, ông Nguyễn Huy Minh (Thạch Sơn) cùng gia đình xuống chân núi phía Đông Tam Đảo thuộc làng Quân Chu (Đại Từ) để khai hoang lập ấp, mở lò đốt than. Địa danh Lán Than ra đời từ đó. Để săn bắn, phòng thú dữ và bảo vệ cơ sở Lán Than, ông Nguyễn Huy Minh và anh em đã mua được một số súng săn, súng kíp và giáo mác.

Đến cuối năm1942 đầu năm 1943, Đội tự vệ Tam Đảo được thành lập do ông Nguyễn Huy Minh phụ trách. Đến tháng 8-1944, Đội tự vệ có các đội viên Nguyễn Huy Minh (Đội trưởng), Nguyễn Huy Chổi, Nguyễn Huy Mục, Nguyễn Huy Tân, Nguyễn Huy Văn, Nguyễn Huy Khoa, Trịnh Bình Di, Trịnh Xuân Kỳ...; địa bàn hoạt động chủ yếu ở các xã Quân Chu, Cát Nê, Ký Phú (Đại Từ); Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) và thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Trong thời gian này, đồng chí Chu Văn Tấn, Chỉ huy trưởng Chiến khu Hoàng Hoa Thám nhận được báo cáo về tình hình hoạt động của Đội tự vệ Tam Đảo, đã trực tiếp về xã Cát Nê kiểm tra phong trào và công nhận Đội tự vệ Tam Đảo là tổ chức cách mạng. Đầu tháng 4-1945, các đồng chí Chu Văn Tấn, Nhị Quý, Trung Đình về Cát Nê mở hội nghị hợp nhất Đội tự vệ Tam Đảo và Đội Ba Gò Ông Táo (do ông giáo Giao cùng ông Hà Đức Dương, Trần Văn Vang và một số người yêu nước ở Cát Nê thành lập vào tháng 2-1945) thành một đội du kích mang tên Đội du kích Cao Sơn.

Sau sự kiện thành lập Việt Nam giải phóng quân, Đội du kích Cao Sơn đổi tên thành Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái do đồng chí Nguyễn Huy Minh làm Trung đội trưởng, với nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền nhân dân, phá tề trừ gian, lập chính quyền cơ sở, lập những đoàn thể quần chúng, xây dựng căn cứ, hoạt động du kích chống Nhật, làm cơ sở giao thông liên lạc của Trung ương từ miền xuôi lên Tân Trào.

Tháng 6 -1945, Đội Cứu quốc quân Phạm Hồng Thái đã phối hợp với nhân dân phá kho thóc Nhật  tại Tràng Dương (Vạn Thọ); ngày16-7-1945, Đội đánh đồn Tam Đảo tiêu diệt quân Nhật và giải phóng thường phạm bị giam tại đây. Trong Cách mạng Tháng Tám (1945), Đội tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện lỵ Đại Từ, tỉnh lỵ Thái Nguyên và có nhiều đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc.

Thời gian trôi qua, nay xóm Hòa Bình 2 đã có gần 100 hộ dân (chủ yếu là người dân tộc Dao) đến an cư lạc nghiệp. Các hộ dân chủ yếu sống dựa vào trồng rừng, chè và gieo cấy lúa nước. Hiện nay, nhờ tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc hơn 17ha chè; gieo cấy hơn 23 ha lúa bằng các giống cho năng suất chất lượng cao, nên đời sống các hộ dân cơ bản đã vơi bớt khó khăn, giờ xóm chỉ còn 8 hộ nghèo. Các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội hoạt động tích cực, đều tay. 14 đồng chí đảng viên luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động phong trào của xóm, xã...  Đồng chí Nguyễn Trọng Mai, Bí thư Chi bộ xóm Hòa Bình 2 cho biết: Phát huy truyền thống yêu nước của ông cha, người dân trong xóm luôn sống đoàn kết, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của đối ứng cùng Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn của xóm.

Thắp nén hương trầm tưởng nhớ các chiến sĩ Đội Cứu quốc quân Phạm Hồng Thái, chúng tôi thầm hứa với lòng mình sẽ không ngừng phấn đấu, nỗ lực vươn lên để sống có ích hơn.