Nhắc đến Định Hóa, mọi người nhớ ngay đến vùng đất chiến khu xưa, nơi Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt đại bản doanh để lãnh đạo cuộc kháng chống thực dân Pháp xâm lược. Tại đây hiện có hơn 120 di tích, điểm di tích đã được thống kê và công nhận. Xác định truyền thống cách mạng là điểm tựa và động lực cho sự phát triển đi lên, cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể của huyện luôn quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống, nhất là cho thế hệ trẻ.
Cầm trên tay cuốn dự thảo lịch sử Đảng bộ của xã, ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình giới thiệu: Chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức hội thảo lần 2, dự kiến đến cuối năm nay sẽ xuất bản cuốn sách. Là địa phương có nhiều di tích lịch sử quan trọng bậc nhất trong vùng ATK Định Hóa, nên công tác sưu tầm tài liệu và biên soạn cuốn sách được Đảng ủy xã chỉ đạo thực hiện cẩn trọng, đảm bảo tính chính xác, khách quan và khoa học. Những địa danh, sự kiện lịch sử của địa phương được đề cập đầy đủ sẽ là nguồn tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu, cũng như giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Xã Phú Đình và Bình Yên là 2 địa phương dự kiến sẽ xuất bản sách lịch sử Đảng bộ xã trong năm 2018. Như vậy, đến hết năm nay toàn bộ 24/24 xã, thị trấn của huyện Định Hóa sẽ hoàn thành biên soạn lịch sử Đảng bộ. Ông Trần Phúc Vĩnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Định Hóa cho biết: Để đảm bảo tính chính xác và khoa học của các cuốn lịch sử, Huyện ủy Định Hóa đã thành lập Tổ thẩm định chất lượng gồm những nhà quản lý, nghiên cứu có uy tín. Cùng với đó, huyện cũng rất quan tâm sưu tầm, biên soạn nhiều ấn phẩm phục vụ việc giáo dục truyền thống cách mạng. Cụ thể như: Lịch sử biên niên huyện Định Hóa; Vài nét về truyền thống lịch sử cách mạng huyện Định Hóa từ năm 1930 đến nay; Đề cương giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng huyện Định Hóa; sách văn học nghệ thuật “ATK - Thủ đô kháng chiến”; phim tư liệu “Định Hóa - Thủ đô gió ngàn”; sưu tầm sổ tay, bút ký, hồi ký của các bậc lão thành cách mạng và những người hoạt động trong hai cuộc kháng chiến... Các tài liệu này đã góp phần đắc lực vào việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn.
Xác định truyền thống cách mạng là điểm tựa và động lực quan trọng, ngay từ năm 2001, Huyện ủy Định Hóa đã triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục truyền thống cách mạng trên quê hương Định Hóa”. Giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015 là Đề án “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng trên quê hương Định Hóa”. Từ năm 2016 đến nay, tuy không xây dựng thành đề án riêng nhưng huyện đã tập trung thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016-2020". Bên cạnh những tài liệu kể trên, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Định Hóa còn đưa nhiều bài viết lịch sử, truyền thống cách mạng, gương người tốt việc tốt vào cuốn thông tin nội bộ hay các chương trình của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện nhằm góp phần nhân rộng những điển hình tiên tiến. Phòng Văn hóa - Thông tin cũng tiến hành nhiều cuộc khảo sát, sưu tầm hiện vật lịch sử cho phòng trưng bày của huyện để phục vụ khách tham quan.
Đa dạng kênh thông tin, tuyên truyền
Điểm nhấn trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng ở chiến khu ATK Định Hóa chính là việc đưa nội dung này vào tất cả các trường học. Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện triển khai thực hiện giáo dục truyền thống bằng hoạt động ngoài giờ và trên lớp theo chủ điểm hằng tháng như: Mừng Đảng, mừng Xuân; tiến bước theo Đoàn; Bác Hồ kính yêu; Truyền thống nhà trường và quê hương;… Các chủ điểm đều được gắn liền với địa danh lịch sử, truyền thống Đảng bộ, chính quyền và con người Định Hóa. Ngoài ra, các môn học như: Lịch sử, Giáo dục công dân đều có lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống địa phương vào bài giảng trên lớp. Em Ma Văn Quý, học sinh Trường THCS Đồng Thịnh nói: Chúng em rất háo hức tham gia học ngoại khóa tại các di tích lịch như: Nhà tù Chợ Chu, lán Tỉn Keo hay hầm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những giờ học trên lớp có nhắc đến lịch sử địa phương cũng rất gần gũi vì các di tích ở ngay xã, hay xóm chúng em đang ở.
Đối với Đoàn thanh niên, nội dung giáo dục truyền thống lịch sử được lồng ghép vào các phong trào hoạt động. Chị Hoàng Thị Ngà, Bí thư Huyện đoàn Định Hóa thông tin: Hằng năm, chúng tôi đều chỉ đạo cơ sở Đoàn trực thuộc, Đội thiếu niên đăng ký chăm sóc các di tích, nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức lễ kết nạp, phát thẻ đoàn viên, lễ báo công tại các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Đồng thời, phối hợp vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhà hảo tâm quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa, trao tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong, gia đình chính sách,… Thông qua đó, giáo dục cho thanh thiếu niên, học sinh về lịch sử, truyền thống một cách thiết thực.
Các cơ quan chuyên môn, đoàn thể và địa phương ở Định Hóa cũng triển khai nhiều hoạt động phù hợp nhằm giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân. Đó là các hội thi từ cơ sở đến cấp huyện như: Thi bí thư chi bộ giỏi; báo cáo viên giỏi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đảng bộ các xã tổ chức thi tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ địa phương... Gắn nội dung giáo dục tư tưởng với các sinh hoạt chính trị tại xóm, bản như: Học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước; học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…đã được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất để vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương giàu đẹp.