Say nghề và hiểu người

10:46, 15/03/2019

Trải qua 12 năm đảm nhận công việc dạy nghề thú y tại Trường Trung cấp Nghề Nam Thái Nguyên, nay là Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Thái Nguyên (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), thầy giáo Nguyễn Văn Tiến, Phó phòng Công tác học sinh - Sinh viên luôn nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề của Nhà trường.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Tiến cho biết: Thực chất thì nhiều người đến với việc học nghề thú y không phải vì đam mê mà do nhiều lý do khác nhau. Nhất là đối với các em học sinh còn nhỏ tuổi, đa phần các em không thích vào tận chuồng lợn, chuồng gà để quan sát, thăm khám cho động vật. Để giúp học sinh học tập được những kiến thức tốt nhất, việc đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với các em là nói chuyện về nghề, về cái nghiệp của những “bác sĩ không mặc áo blouse”.

Để gây dựng niềm đam mê và giúp học viên học tốt nghề thú y, trong quá trình giảng dạy, thầy Tiến luôn chuẩn bị giáo án kỹ càng. Trong mỗi tiết học, thầy thường liên hệ những ví dụ gần gũi, gắn bó với đời sống thực tế tại địa phương. Trong đó, những con vật quen thuộc, những hiện tượng bệnh thường gặp, quen thuộc với đời sống… thường được thầy vận dụng làm ví dụ minh họa cho bài giảng. Qua đó nhằm tạo cảm giác gần gũi, giúp học viên nhận thức, liên hệ giải thích được các vấn đề đặt ra. Cùng với đó, thầy Tiến thường xuyên tìm hiểu tâm lý lứa tuổi và học hỏi nghiệp vụ sư phạm để bắt đầu các tiết học với những vấn đề có thể khơi dậy hứng thú trong học sinh. Em Nguyễn Văn Đạt, học sinh lớp Trung cấp thú y chia sẻ: Tiết học của thầy Tiến thường bắt đầu bằng những câu chuyện cười, những tình huống, tai nạn nghề nghiệp hài hước mà thầy gặp phải trong quá trình thăm khám cho động vật. Từ đó, chúng em cảm thấy tò mò hơn về công việc thú y và hứng thú hơn với các bài học.

Ngoài ra, để học viên hiểu kỹ, nhớ lâu và dễ dàng tư duy về bài học, trong các tiết học lý thuyết, thầy Tiến thường sử dụng đồ dùng dạy học trực quan. Thầy cũng dành nhiều thời gian để quan tâm, nắm bắt tâm tư, năng lực của từng học sinh để đưa ra câu hỏi phù hợp, khuyến khích các em tham gia tương tác, tạo không khí học tập thoải mái. Em Trần Hoài Thu, học sinh lớp Trung cấp thú y bộc bạch: Khi lựa chọn nghề để học em không chủ định chọn nghề thú y mà dự định học một nghề khác. Vì vậy, sau khi nhập học em không có nhiều hứng thú với nghề. Tuy vậy, qua các tiết học trực quan và sinh động với thầy Tiến, em hiểu thêm được về những biểu hiện, loại bệnh của những con vật xung quanh mình nên em dần hứng thú hơn. Đến nay, em đã có thể ứng dụng một số kiến thức giúp đỡ công việc chăn nuôi của bố mẹ.

Cùng với đó, đặc trưng lớn nhất của công tác giảng dạy nghề là “cầm tay, chỉ việc”, nên các tiết học của thầy Tiến đa phần không diễn ra trong trường lớp mà là tại các trang trại, hộ chăn nuôi. Thầy Tiến cho biết: Tôi hiếm khi tách riêng các tiết học lý thuyết và thực hành mà thường sử dụng phương pháp dạy tích hợp. Đầu buổi học, học viên sẽ được giảng về các kiến thức trong sách vở, sau đó bắt tay vào thực hành luôn. Đến cuối buổi học, yêu cầu đặt ra đối với mỗi học viên là phải hoàn thành được một tiểu kỹ năng hoặc một sản phẩm. Đối với nghề thú y thì đó là một phác đồ điều trị bệnh hoặc một ca phẫu thuật trên vật nuôi.

Phát huy những ưu thế của phương pháp tích hợp trong dạy nghề, năm 2018, với bài giảng “Phẫu thuật khối u dưới da ở lợn thịt”, thầy Tiến đã đạt giải Nhất trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc. Nói về việc đổi mới phương pháp giảng dạy nghề, thầy Tiến cho rằng: Theo tôi, tích hợp là phương pháp tối ưu giúp giáo viên phát huy tối đa năng lực dạy học. Đồng thời với mục tiêu “lấy người học làm trung tâm”, phương pháp tích hợp giúp người học tự tìm hiểu, chiếm lĩnh những kiến thức, kỹ năng đặc thù của từng bài học cụ thể. Nhờ vậy, giáo viên có thể khai thác những yếu tố chung, những khía cạnh có liên hệ với nhau giữa các hiện tượng, bài học cùng loại. Từ đó giúp hình thành hệ thống kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho học viên. Cùng với đó, phương pháp dạy học tích cực cũng yêu cầu chúng tôi luôn nắm bắt tình hình thời sự để điều chỉnh bài giảng cho cụ thể. Ví dụ như những ngày gần đây, nội dung trong các tiết học của tôi chủ yếu xoay quanh cách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Nhờ năng lực chuyên môn và tạo được không khí thoải mái khi giảng dạy, những tiết học của thầy Tiến luôn đạt được hiệu quả cao. Hàng năm, tỷ lệ học viên học nghề thú y của Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp chiếm gần 90%, tỷ lệ học sinh đăng ký tuyển sinh nghề thú y cũng tăng dần qua các năm. Nhận xét về thầy Tiến, thầy Nguyễn Duy Nhất, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Thái Nguyên nói: Thầy Tiến là một giáo viên gương mẫu, có năng lực chuyên môn tốt. Không những tích cực nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao hiệu quả giảng dạy, thầy Tiến còn được học sinh yêu quý bởi sự thấu hiểu tâm lý học trò. Thầy Tiến cũng luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua, đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề tại Nhà trường.