Ra đi nặng một lời thề/ Khi nào hết giặc mới về quê hương. Chiến tranh đã lùi xa, tuổi thanh xuân đã để lại nơi chiến trường, lớp chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa nay đều đã ngoài tám mươi xuân. Thế nhưng mỗi lần tìm về ký ức, họ như được sống lại một thời hoa lửa chẳng thể phai mờ.
Một ngày đầu tháng Tư, chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh (CCB) Trần Xuân Yến, ở phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Ở tuổi 84, người lính Ðiện Biên năm nào nay vẫn còn minh mẫn và mạnh khỏe. Trong căn nhà nhỏ, ông xếp gọn các kỷ vật thời quân ngũ của mình ngăn nắp như chỉ để dành riêng cho mình làm lưu niệm. Ông tự hào là người được hưởng niềm vui chiến thắng, hát vang khúc khải hoàn ca ngay giữa Điện Biên Phủ và Sài Gòn trong ngày chiến thắng.
Sinh năm 1935, khi tuổi xuân phơi phới, chàng thanh niên Trần Xuân Yến tạm biệt quê hương lên đường nhập ngũ, năm 1952 được phân công về Đại đoàn 308 (Sư 308) Anh hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông xúc động nhớ lại: “Ngày ấy còn trẻ lắm, mới có mười bảy tuổi, tôi được vào biên chế Trung đoàn 36 và tham gia huấn luyện tại khu vực Căng Bá Vân (xã Bình Sơn, T.P Sông Công). Tuổi trẻ hừng hực khí thế, được lên đường bảo vệ Tổ quốc ai cũng vui vẻ nhận nhiệm vụ. Tôi làm liên lạc, trinh sát, anh em trong đơn vị thấy tôi nhỏ người, lại đeo hai máy liên lạc hơn chục cân, nên gọi tôi là “Yến mốt” (Máy thông tin liên lạc nặng 11kg). Nhiệm vụ của chúng tôi là tập tấn công chiếm đồn địch, đánh công kiên. Làm trinh sát, có vũ khí mà gần như không được sử dụng, đêm làm nhiệm vụ luồn sâu, ngày lập sơ đồ báo cáo phục vụ tác chiến”.
Trong những tháng ngày diễn tập, ông và đồng đội lần đầu tiên chứng kiến đơn vị bắn hạ một trong những chiếc máy bay đầu tin của quân đội Pháp ngay tại trận địa diễn tập vào năm 1953. Đây cũng là một mốc son lịch sử của quân đội ta và cũng là niềm cổ vũ, động viên mạnh mẽ để các thế hệ chiến sĩ Điện Biên quyết tâm ra trận giành chiến thắng.
Tháng 12/1953, Đại đoàn 308 nhận nhiệm vụ hành quân lên Tây Bắc, giải phóng Điện Biên Phủ. Hơn hai tháng băng rừng, lội suối vượt Đèo Khế, qua sông Lô, phà Bình Ca, lên Yên Bái, rồi Sơn La và tiễu phỉ dọc sông Nậm Mu giải phóng một vùng rộng lớn tại Luông-Phra- Băng để khép vòng vây tại Bản Kéo (Sơn La) và chốt chặn cử khẩu Tây Trang (Điện Biên). Hơn ba tháng hành quân, gần 2.000km để đến 15/3/1954, ông và đồng đội thực hiện nhiệm vụ cắt đường băng sân bay ở Điện Biên Phủ, không quân Pháp chi viện cho cứ điểm Điện Biên Phủ.
Rạng sáng 5/5/1954, sau một đêm trinh sát trở về tuyến sau, ông bị mảnh đạn pháo cắt ngay đầu gối. Lúc này chiến trường đang dồn tổng lực cho giải phóng Điện Biên Phủ, ông được sơ cứu ngay tại hầm bộ binh ngay mặt trận. Bùn bết vào vết thương, nhiễm trùng, ông vẫn làm nhiệm vụ đào hầm, giữ thông tin, liên lạc. Sáng 7-5, Pháp dầu hàng, ông “Yến mốt” nhớ lại: Toàn bộ thương binh vùng dậy ôm chầm lấy nhau hô vang: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!” Rồi khóc nấc lên vì sung sướng, quên hết mọi thương tích và cố hòa vào đoàn quân tiến về Mường Thanh về cứ điểm chỉ huy hầm tướng Đờ Cát mừng chiến thắng. Ông xúc động hồi tưởng lại cho chúng tôi nghe, giọng nói trầm hùng có lúc lắng đọng như chất chứa trong từng ngấn lệ trào dâng.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vết thương lành, ông trở về quê hương Thái Bình tìm lại người thương đã hẹn ước “Khi nào hết giặc mới về quê hương” tổ chức kết hôn rồi cùng lên Thái Nguyên nhận nhiệm vụ. Năm 1964, ông lại tiếp tục một lần nữa ra trận. Với tâm thế của người anh hùng chiến thắng lịch sử Điện Biên, ông cùng đồng đội vượt Trường Sơn đánh trận giải phóng Buôn Ma Thuột để đúng hẹn 30/4/1975 đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất và tiến thẳng về Sài Gòn cùng đồng đội phất cao ngọn cờ chiến thắng hòa chung hào khí non sông thu về một mối, thống nhất đất nước. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1977 ông trở ra ngoài Bắc và tiếp tục phục vụ quân ngũ, đến năm 1986, ông được nghỉ chế độ. Những năm tháng ở chiến trường, ông đã bị nhiễm chất độc da cam, những cơn đau nhức sau này do ảnh hưởng chất độc hóa học không làm ông nhụt chí. Nghỉ hưu nhưng ông không nghỉ việc, khi mới về địa phương ông còn tham gia làm bí thư chi bộ tổ dân phố, Cựu chiến binh…mẫu mực.
Câu chuyện của người lính già có sức hút kỳ lạ, ông nhớ đến từng chi tiết cũng như từng khuôn mặt đồng đội những ngày sát cánh bên nhau. Ông kể: “Thời trai trẻ ngày ấy không được ra trận là một thiệt thòi lớn. Khí thế đánh giặc như thác lũ ào ào cuộn trôi. Thanh niên ai cũng nghĩ: “Tuổi thanh xuân trai tráng phải được tôi luyện trên chiến trường. Ra trận để lập công cho Tổ quốc, giành lấy chiến thắng trở về với quê hương”.
Tháng 5 này, cả nước kỷ niệm 65 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, ông được địa phương mong muốn cất dựng cho gia đình một căn nhà tình nghĩa, nhưng ông một mực từ chối. Ông bảo: “Tôi là chiến sĩ và là người chiến thắng trở về, tôi không ngại khổ. Hãy dành sự tri ân đó cho đồng đội tôi, những người đã không thể trở về, hay dành cho những gia đình còn khó khăn hơn tôi. Nhiều đồng đội trở về nhưng con, cháu họ phải gánh chịu hậu quả gián tiếp của chiến tranh. Họ mới xứng đáng được hưởng sự tri ân”. Hai lần ra trận, hai lần chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc khi cùng đồng đội phất cao ngọn cờ chiến thắng, gắn với 3 Huân chương chiến công, nhưng ông mộc mạc nói: “Đó là nhiệm vụ người chiến sĩ”. Với chúng tôi, mỗi câu chuyện của ông lại là những thước phim tài liệu và ông chính là một phần của lịch sử.