Thị xã Thái Nguyên nhỏ bé trước đây mà đã có tới 3 bến sông: Bến Tượng, Bến Oánh và Bến Than. Bến Than là bến cảng trên sông Cầu, nằm ở vị trí cách cầu Gia Bẩy khoảng 300m về phía thượng lưu, thuộc khu phố Gia Bẩy (nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên). Giờ đây, đi trên đoạn đường từ đầu cầu treo Quang Vinh, đến gần cầu Gia Bẩy, thì chẳng ai còn nhìn ngắm được khúc sông Cầu lơ thơ nước chảy nữa, mà chỉ thấy dẫy nhà cao tầng san sát, hướng mặt tiền ra đường và quay lưng lại dòng sông. Cũng chẳng ai nhận ra được cái Bến Than nhộn nhịp ngày xưa.
Thái Nguyên tuy có nguồn than đá dồi dào nhưng vào các thời từ Lê Sơ, Lê Trung hưng cho đến thời nhà Nguyễn, trong các cuốn sách: Dư địa chí của Nguyến Trãi (thế kỷ XV), Đại Nam nhất thống chí (1886), Đồng Khánh dư địa chí (1888) cũng chỉ nói đến việc khai thác các mỏ kim loại như: Vàng, bạc, thiếc, chì, kẽm,…. ở Thái Nguyên mà thôi.
Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Năm 1906, Sở Địa chất Đông Dương tiến hành thăm dò và phát hiện ra than ở Phấn Mễ (Phú Lương) đã kết luận: “Khu vực này có trữ lượng than mỡ rất cần cho luyện kim và đường sắt”. Từ năm 1910, Công ty Mỏ than Bắc Kỳ bắt đầu cho khai thác mỏ than Phấn Mễ rồi cho khai thác tiếp mỏ Làng Cẩm, Núi Hồng để lấy cả than mỡ và than gầy. Tư bản Pháp đẩy mạnh việc khai thác với quy mô và tốc độ tăng không ngừng. Năm 1912, chúng mới khai thác được 7.646 tấn thì đến năm 1924 đã khai thác dến 37.000 tấn than.
Để vận chuyển than khai thác được từ các mỏ ở Phấn Mễ, Công ty Mỏ than Bắc Kỳ đã cho xây dựng con đường goòng khổ có 0,6m, dài 30km, nối các hầm mỏ Phấn Mễ, Minh Lý, Làng Cẩm về đến Bến Than ở thị xã Thái Nguyên.
Bến Than trên sông Cầu thời kỳ này thật nhộn nhịp, san sát những “thuyền đinh” có trọng tải lớn đậu “ăn than”. Tại đây, hàng trăm “phu bốc vác” người thì quần áo rách tươm, người mình trần mặt mũi đen nhẻm, mồ hôi nhễ nhại, đội những thúng than đầy, bước vội vàng đến miệng một máng tôn lớn rồi đổ dốc than xuống lòng thuyền, trước sự đốc thúc, la lối của mấy tên đốc công.
Do mãi đến năm 1929 Quốc lộ 3 mới khai thông, trong khi vận chuyển bằng thuyền lại rẻ, nên việc chuyển than về Hà Nội, Hải Phòng đã được tư bản Pháp sử dụng sông máng của hệ thống thủy nông sông Cầu với các đập Thác Huống, Đá Gân và các âu thuyền ở Lữ Yên, Lữ Vân, Vân Cầu, Bị Nổi… làm nhiệm vụ nâng, hạ mớn nước trong âu để cho thuyền qua lại được dễ dàng.
Nhằm phá hoại kinh tế kháng chiến của ta, ngày 22/6/1952, quân Pháp đã ném bom phá hủy hoàn toàn các đập then chốt, trong đó có cả đập Thác Huống. Từ đó, việc vận chuyển bằng đường thủy trên sông Cầu không tiếp diễn nhưng than từ các mỏ vẫn được chuyển về đổ ở bãi than trên Bến Than làm nơi trung chuyển để đi theo đường bộ.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội đã được giải phóng, nhưng thực dân Pháp vẫn còn quản lý khu vực Hải Phòng, khu vực mỏ than Hòn Gai trong 100 ngày. Trong 3 tháng đó, từ Bến Than, hàng vạn tấn than đã cấp tốc được chuyển theo đường bộ để kịp cung cấp cho Nhà máy điện Yên Phụ. Hà Nội không một ngày mất điện, phố xá, hồ Gươm vẫn lung linh ánh điện mầu…
Tôi còn nhớ, cho mãi đến sau này, vào thời kỳ bao cấp của những năm 70-80 của thế kỷ trước, mọi người còn xếp hàng mua than phân phối theo phiếu tại cửa hàng chất đốt của Mậu dịch quốc doanh ở khu bãi than này.
Bến Than giờ chỉ còn trong ký ức, nhưng nơi ấy hiện vẫn còn ngôi chùa Bến Than. Chùa tọa lạc sát mé sông, tuy nhỏ hẹp nhưng cảnh chùa phong quang thanh tịnh và nhà Tam bảo vẫn hướng thẳng ra phía sông Cầu…