Từ ngày 27 đến 31/03/1935, Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) đã ra nghị quyết về việc xây dựng các cơ sở cách mạng và phát triển Đảng tại các xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền, các trung tâm kinh tế, văn hoá và các trục đường giao thông trọng yếu. Đặc biệt là sau việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng ở Võ Nhai. Nhiều cơ sở cách mạng ở Võ Nhai đã phát triển nhanh chóng và vững chắc.
Trên cơ sở đó, vào đầu năm 1937, tại xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng, tổ chức Đảng đầu tiên của huyện Võ Nhai được thành lập, gồm có 3 đồng chí: Chu Văn Tấn, Lục Văn Đủ và Nông Văn Cần. Một thời gian sau, kết nạp thêm các đồng chí: Chu Viết Phong, Chu Quốc Hưng, Lê Dục Tôn…
Sự ra đời của tổ chức Đảng mùa Xuân năm 1937 đã đánh dấu bước ngoặt mới trong phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc Võ Nhai. Từ đây, phong trào đấu tranh chống thực dân, phong kiến của nhân dân các dân tộc Võ Nhai đã có tổ chức Đảng ở địa phương trực tiếp lãnh đạo. Các cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai có Đảng lãnh đạo thông qua đấu tranh, quần chúng và đảng viên được rèn luyện về nhiều mặt, ý thức đoàn kết giữa các dân tộc được tăng cường. Đó chính là những điều kiện thuận lợi để tổ chức Đảng ở Võ Nhai tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương tiến tới việc thành lập chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai vào ngày 21/3/1945.
Di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Nơi đây cũng đã được tu sửa, tôn tạo khang trang và trở thành “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho nhân dân các dân tộc trong và ngoài huyện; đồng thời cũng là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của người dân địa phương.