Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa (nay là xóm Đồng Lá 3), xã Điềm Mặc (Định Hóa) hiện nay đã được đầu tư xây dựng khang trang, trở thành “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ những người làm báo hôm nay.
Vào cuối năm 1949 đầu năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn ác liệt, một số cơ quan như: Mặt trận Liên Việt, Hội Phụ nữ Việt Nam, Báo Cứu Quốc... đã đến ở và đặt trụ sở tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (Định Hóa). Tại đây, ngày 21/4/1950, Đại hội lần thứ nhất của Hội những người viết báo Việt Nam đã được tổ chức trong ngôi nhà sàn 2 tầng, 8 mái, nơi làm việc, hội họp của Tổng hội Việt Minh.
Đại hội đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội gồm 10 nhà báo do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch. Ngày 2/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và trở thành thành viên của Mặt trận Liên Việt. Sau này, Hội những người viết báo Việt Nam được đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam.
Với sự ra đời của Hội những người viết báo Việt Nam, hoạt động báo chí trong thời kỳ kháng chiến đã được nâng lên một tầm cao mới, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 2004, di tích địa điểm nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam ở xóm Đồng Lá 3 đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tại đây, công trình Nhà trưng bày di tích lịch sử được xây dựng khang trang, bề thế. Đó là nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh gắn liền với sự ra đời, phát triển và hoạt động của báo chí nước nhà và những hình ảnh về hoạt động báo chí của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Những tài liệu, hiện vật này giúp những thế hệ người làm báo hôm nay thêm hiểu hơn về các bậc tiền bối, về điều kiện sống và làm việc của họ, để suy ngẫm, học tập, kế tục xứng đáng truyền thống của thế hệ cha anh.
Hằng năm, Hội Nhà báo Việt Nam cùng giới báo chí cả nước vẫn thường tổ chức các chương trình hành hương về nguồn mang ý nghĩa sâu sắc “uống nước nhớ nguồn”. Để rồi, cứ đến những ngày tháng Tư lịch sử, những người làm báo cách mạng Việt Nam lại có một nơi để tìm về.