Trở lại quê hương cách mạng Kha Sơn

16:15, 08/09/2021

76 mùa thu đã trôi qua kể từ khi xã Kha Sơn (Phú Bình) được chọn là an toàn khu thứ 2 (ATK2), nơi hoạt động của các cơ quan Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ. Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong nước thành lập được chính quyền cách mạng. Phát huy truyền thống yêu nước trong thời bình, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền nhân dân nơi đây luôn nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống sung túc, phát triển về mọi mặt.

Cùng chúng tôi đi thăm các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã đã được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia như: Chùa Mai Sơn, chùa làng Ca, đình Kha Sơn Thượng, đình Kha Sơn Hạ, nền nhà ông Cao Nhật…, chị Nguyễn Thị Nga, công chức Văn hóa xã Kha Sơn chia sẻ: Những năm 1940-1942, các ngôi chùa, đình này được cán bộ của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ thường xuyên dùng làm nơi tổ chức, bồi dưỡng huấn luyện, truyền đạt Nghị quyết Trung ương và in ấn tài liệu.

Nhân dân Kha Sơn đã làm tốt công tác bảo vệ cán bộ cốt cán của Đảng, Nhà nước, trong đó có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ... Khi có lệnh Tổng khởi nghĩa (14/3/1945), Chi bộ Kha Sơn Hạ đã lãnh đạo lực lượng tự vệ, nhân dân trong xã nhanh chóng giành chính quyền cách mạng.

Thành công của cuộc đấu tranh ở Kha Sơn Hạ đã cổ vũ nhân dân các xã liên tiếp nổi dậy giành chính quyền, cùng góp phần vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Kha Sơn đã có nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, đóng góp sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến… Vì vậy, xã đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Mộc góc xóm Ngô Trù.

Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, không ngại khó khăn trong thời bình, Đảng bộ xã Kha Sơn đã lãnh đạo nhân dân phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế- xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Bí thư Đảng ủy xã Kha Sơn cho biết: Xã hiện có 18 xóm, phố với trên 2.400 hộ dân. Xã nằm ở phía Nam của huyện Phú Bình, giáp với tỉnh Bắc Giang và có trục Quốc lộ 37 chạy qua, thuận lợi cho việc giao thương buôn bán. Phát huy lợi thế đó, những năm qua, xã đã khuyến khích, tạo điều kiện để nhiều hộ dân phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ, sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp…

Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thì lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng được chính quyền xã quan tâm. Hằng năm, xã tăng cường phối hợp mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ vốn vay, tạo thuận lợi để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Vì vậy, hiệu quả canh tác trên đơn vị diện tích đất được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt của xã đạt 102 triệu đồng (tăng 22 triệu đồng so với năm 2015)… Đời sống người dân đã từng bước được nâng cao, thu nhập bình quân của người dân tăng từ 24 triệu đồng (năm 2015) lên 50 triệu đồng (năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,35% (năm 2016) hiện chỉ còn 3,01%...

Nhiều hộ dân tại Kha Sơn đang phát triển nghề nuôi trồng thủy sản tăng thu nhập.

Trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều cán bộ, người dân trong xã đã tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch, trực 24/24 giờ tại 9 chốt kiểm soát; các đoàn viên thanh niên làm hàng trăm tấm kính chắn giọt bắn tặng lực lượng tuyến đầu, tặng quà cho trẻ em trong khu cách ly; đặc biệt là lực lượng dân quân và chị em hội viên phụ nữ đã tích cực tham gia công tác hậu cần trong khu cách ly tập trung, nấu các suất cơm cho người trong khu cách ly và lực lượng tham gia trực chốt kiểm dịch.

Điển hình như chị Vũ Thị Nhung ở xóm Ca, người đã đảm nhiệm công việc này từ cuối tháng 5 đến nay. Chị Nhung chia sẻ: Ngày xưa giặc đến nhà, bà già cũng đánh, noi gương các bà, các mẹ, ngày nay khi “giặc” COVID -19 đến thì chị em cũng xông pha. Chúng tôi chỉ mong sao đất nước, quê hương mình sớm trở lại trạng thái bình thường như xưa…

Trong hoàn cảnh nào, người dân Kha Sơn cũng kiên cường đấu tranh, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau bằng những việc làm dù nhỏ, giản dị. Đây chính nhân tố góp phần làm nên những trang vàng lịch sử cho xã Kha Sơn Anh hùng.