Trở lại La Bằng vào một ngày thu tháng Tám, chúng tôi cảm nhận được sự chuyển mình mạnh mẽ ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng dưới chân dãy Tam Đảo.
Cũng vào mùa Thu cách nay 85 năm, Chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập. Đó là thời điểm những năm tháng sau Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất (năm 1935) ở Ma Cao, Chi bộ Hải ngoại Long Châu quyết định đưa cán bộ về nước phát triển tổ chức cơ sở đảng ở những vùng rừng núi hẻo lánh, nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt cho cách mạng.
Đồng chí Dương Đình Sửu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã La Bằng: Lớp đảng viên chúng tôi nói chung và lớp trẻ nói riêng tự hào về các bậc tiền bối và La Bằng hôm nay luôn là điểm sáng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. |
Tháng 9-1936, trong ngôi nhà lá ba gian của đồng chí Đường Văn Hon (tức Nhất Quý) ở xóm Lau Sau (La Bằng), đồng chí Đặng Tùng đã thay mặt Đảng Cộng sản Đông Dương và Chi bộ Hải ngoại đọc Điều lệ Đảng và tuyên bố thành lập cơ sở đảng đầu tiên ở Thái Nguyên với 4 đảng viên đều là người dân tộc Nùng gồm: Đồng chí Đường Văn Hon (tức Nhất Quý); đồng chí Đường Văn Ngân; đồng chí Nông Văn Ái và đồng chí Hoàng Văn Nghiệp.
Sau năm 1940, cơ sở đảng ở La Bằng đã liên lạc được với các tổ chức đảng ở Võ Nhai, Định Hóa và được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ. Phong trào cách mạng ở Đại Từ, Võ Nhai, Định Hóa có sự gắn bó, hỗ trợ nhau góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám...
Với những đóng góp cho cách mạng, cho kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc ở La Bằng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và công nhận là xã An toàn khu.
Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, trong công cuộc đổi mới, La Bằng đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh để nâng cao đời sống của nhân dân.
Vùng chè La Bằng.
Là một trong những vùng chè nổi tiếng của tỉnh, Đảng bộ xã xác định chè là cây mũi nhọn của địa phương. Hiện xã có 331,29ha chè, trong đó trên 220ha chè đang cho thu hái, với năng suất bình quân đạt trên 117 tạ/ha, sản lượng chè trung bình gần 3.062 tấn búp tươi/năm.
Những năm qua, xã luôn chú trọng phát triển thương hiệu chè La Bằng, duy trì 10 làng nghề chè truyền thống, các hợp tác xã, tổ sản xuất. Đồng thời định hướng phát triển chè theo hướng sản xuất hữu cơ (xã hiện có 65,2ha chè hữu cơ).
Song song với đó, La Bằng cũng chú trọng phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, toàn xã có 82 cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ: vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, mộc, xưởng cơ khí... Tổng doanh thu từ tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của địa phương bình quân hằng năm đạt 6,57 tỷ đồng.
Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, La Bằng đã thực hiện tốt các giải pháp huy động nguồn lực với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Giai đoạn 2016-2020, La Bằng đã xây dựng mới 9,43km đường bê tông, trong đó đường trục xã là 2,31km; 7,12km đường ngõ xóm; 8 phòng học mầm non... tổng vốn đầy tư xây dựng kết cấu hạ tầng là 30,9 tỷ đồng, nhân dân hiến đất và tài sản trên đất là 3,1 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thép, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng cho biết: Nhờ bước đi đúng hướng, bám sát nghị quyết, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, những năm gần đây, La Bằng tiếp tục giữ vững và phát triển các tiêu chí nông thôn mới. Với cách làm sáng tạo, Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã đã đạt được những kết quả đáng khích lệ góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương: 100% đường giao thông liên xã, trục xóm, ngõ được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp; 69% chiều dài kênh mương được xây dựng kiên cố; 100% xóm có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn; cơ sở vật chất của các nhà trường được xây mới, sửa chữa khang trang…
Các vùng sản xuất được quy hoạch lại, kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 50 triệu đồng/năm; giá trị trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 125,9 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,72%.
Nói về những kế hoạch trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Ngọc Thép cho biết thêm: Xã tiếp tục khuyến khích, vận động nông dân chuyển hướng phát triển sản xuất chè theo hướng hữu cơ, VietGAP. Khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, cộng đồng. Khôi phục giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Nùng, Dao. Tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, đáp ứng phát triển du lịch…