Ngoài ý nghĩa trung tâm vùng Việt Bắc, T.P Thái Nguyên còn là một trung tâm công nghiệp lâu đời; trung tâm giáo dục - đào tạo lớn của cả nước. Các yếu tố về vị trí địa lý, tự nhiên xã hội, “tự nó” đã mang nhiều cơ hội để thành phố trở thành trung tâm kinh tế năng động, hướng tới một đô thị xanh, sạch, đẹp, hiện đại, văn minh, thân thiện, hội nhập và phát triển.
Đứng trên cầu Bến Tượng, nhìn lên mạn nguồn sông Cầu thấy lòng nước êm đềm được khắc họa từng tòa nhà cao tầng giữa trời xanh, mây trắng, chợt trong tôi bâng khuâng câu hát: “Đi cùng em về thành phố Thái Nguyên/Tháng Mười sương phảng phất gió heo may…”. Câu hát như vừa chìm sâu xuống đáy nước, một lát lâu lại vờn vã bơi nhoài trên dòng chảy miên man. Cũng khi ấy, tôi nhận ra, thành phố nhiều người cho là “đáng sống” là có cơ sở. Vâng, tháng Mười năm 1962, vùng đất giàu truyền thống cách mạng có dòng sồng Cầu nước chảy lơ thơ từ thị xã lên thành phố.
Mới đó đã gần 60 năm trôi qua. Thời gian đủ để một con người sinh ra, lớn lên và trở thành bậc “cao lão” của làng, của phố. Nhưng trên dòng chảy của thời gian, đó chỉ là một trường đoạn của dòng chảy sử xanh. Khi gió Thu về đùa trên mặt nước, khúc sông Cầu êm trôi mới rì rầm kể chuyện về một vùng đất có những con người thân thiện.
Từ hơn 500 năm về trước, vùng đất này rừng hiểm, sông sâu, Nhà nước phong kiến bấy giờ chọn lập Thái Nguyên làm thuần tượng vệ. Đến thời nhà Nguyễn, phủ trấn Thái Nguyên được thành lập. Vào Tân Sửu 2021 này, phủ trấn Thái Nguyên tròn 190 năm. Nhưng Thái Nguyên chính thức trở thành thị xã là vào năm 1884, dưới thời Pháp thuộc.
Ở vị trí đắc địa, trên có bến, dưới có thuyền nên từ hàng trăm năm trước, Thái Nguyên đã là vùng đất sầm uất, trù phú, giao thương phát triển. Các nhà chính trị, quân sự cũng lựa chọn làm nơi xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng. Đặc biệt sự kiện thành lập Khu tự trị Việt Bắc năm 1956, thị xã Thái Nguyên trở thành thủ phủ của Khu (Khu tự trị được thành lập và duy trì từ năm 1956 đến năm 1965).
Vùng chè Tân Cương, một điểm đến lý tưởng cho du khách trong nước, quốc tế.
Và trước khi trở thành thành phố (19/10/1962), vùng đất Thái Nguyên đã chào đón hàng nghìn thanh niên trên nhiều miền Tổ quốc hội về, bạt rừng, san đồi lấy mặt bằng xây dựng nhà máy luyện thép. Cũng từ bấy giờ, Thái Nguyên ngoài ý nghĩa Thủ đô gió ngàn, còn là “thủ đô” của ngành luyện cán thép Việt Nam.
T.P Thái Nguyên được thành lập trong ánh hoa của lửa thép và diệu vợi hương trà Tân Cương. Sắt thép thì cứng rắn, hương trà lại mềm, nhưng 2 thứ cứng rắn và mềm mại ấy tạo dựng nên đời sống vật chất, tinh thần phong phú của cư dân nơi đây
Điều đó được thể hiện bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng trong chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc; đồng thuận trong xây dựng thành phố, mở mang hợp tác, mời gọi nhà đầu tư.
Người dân Thái Nguyên tự hào rằng: Dưới tàn khốc bom đạn chiến tranh lại sản sinh ra những con người quả cảm, và thép vẫn ra lò, lúa vẫn chín trên cánh đồng vừa ngớt tiếng bom. Người Thái Nguyên đã tạo dựng lại tất cả trên đống gạch vỡ đổ nát của đạn bom.
Khi tròn 40 năm thành lập, tháng 10-2002, T.P Thái Nguyên được Chính phủ công nhận là đô thị loại II. Và chỉ 8 năm sau đó (2010), T.P Thái Nguyên được Chính phủ công nhận là đô thị loại I. Trên hành trình xây dựng, phát triển, T.P Thái Nguyên nhiều lần điều chỉnh, mở mang địa giới hành chính, từ 10 đơn vị hành chính cấp xã, phường năm 1975, lên 32 đơn vị vào năm 2017, bao gồm 21 phường, 11 xã, với tổng diện tích tự nhiên hơn 222km2...
Tất cả cùng hướng tới mục tiêu ổn định trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Giai đoạn 2016-2020 vừa qua là một minh chứng. Hầu hết các chỉ tiêu thành phố đề ra đều đạt và vượt, trong đó tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất tăng gần 16%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương đạt 8.500 tỷ đồng/năm; thu ngân sách Nhà nước tăng 16,5%; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt 135 triệu đồng/năm...
Giai đoạn 2016-2020, T.P Thái Nguyên có hơn 30.000 lao động được tạo việc làm mới. Ảnh chụp tại cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng của gia đình ông Nguyễn Ngọc Chuyển, tổ 12, phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên).
Để xây dựng, phát triển xứng tầm trung tâm vùng Việt Bắc, các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng thuận, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, cùng hướng tới xây dựng một đô thị hiện đại, văn minh. Nhằm đạt được kết quả này, thành phố đã tạo môi trường thân thiện thông qua các chính sách thu hút đầu tư, như: Miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư công trình ngoài hàng rào, dự án nông nghiệp công nghệ cao…
Sự cởi mở, chân thành của địa phương đã tạo được niềm tin cho doanh nghiệp, nhiều tập đoàn có uy tín, năng lực kinh tế như Danko, Vingroup, Công ty CP Thương mại Thái Hưng, Công ty Đầu tư Quảng Long… với gần 100 dự án có tổng mức đầu tư trên 100 nghìn tỷ đồng đã “đổ” vào thành phố.
Bên các trục đường mang tên Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Lương Ngọc Quyến, Cách mạng Tháng Tám… những tòa nhà cao tầng, siêu thị theo nhau mọc lên, điểm tô cho một thành phố mang dáng dấp đô thị hiện đại.
Nhiều trục đường mới được mở rộng, đồng thời mở ra cơ hội phát triển mới cho các vùng phụ cận. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật từng bước hoàn thiện đã đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo hướng hiện đại, văn minh. “Bí quyết” của T.P Thái Nguyên chính là sự bền bỉ, kiên cường trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, để Thái Nguyên trở thành một thành phố thân thiện, xứng tầm đô thị thông minh ở trung tâm vùng trung du và các tỉnh miền núi phía Bắc.