Tiếng nổ lớn trên đỉnh núi Quạt Nan năm ấy

07:28, 19/12/2021

Trong tôi, tiếng nổ lớn trên chóp Quạt Nan đỉnh Tam Đảo trưa 30/4/1971 là một ký ức chiến tranh khó quên, luôn đeo đẳng trong tâm khảm. Và cũng có lẽ đó là câu chuyện còn sót lại (cũng chưa chắc đã là cuối cùng) bên sườn Đông dãy Tam Đảo điệp trùng, nơi đong đầy ký ức tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi mà bây giờ xin kể...

…9 giờ 45 phút ngày 17/10/1965, không quân Mỹ dùng 29 lần chiếc máy bay phản lực trút 119 trái bom công phá cầu Gia Bẩy (T.P Thái Nguyên); với mục đích cắt đứt mạng giao thông tuyến 1B Lạng Sơn-Thái Nguyên. Cầu thì chỉ bị hư hại nhưng hơn 100 người đã bị sát hại hoặc bị thương nặng. Vậy là, quân và dân Thái Nguyên bắt đầu một trận chiến mới- đánh giặc đến từ trên trời.

Dãy núi Tam Đảo dài hơn 100 cây số, khởi đầu từ mạn Yên Bái, Tuyên Quang và kết thúc ở Sóc Sơn, Hà Nội. Phía sườn Tây là đất Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Bên sườn Đông là Thái Nguyên. Ở khúc giữa của dãy Tam Đảo điệp trùng này nhô lên 3 đỉnh trông xa như 3 hòn đảo nên dãy núi có tên vậy.

Giữa 3 “hòn đảo” có một khe rỗng, từ xa nhìn lên như một chiếc quạt nan, cũng là tên gọi cho khu vực có điểm cao nhất, 1.143m và quanh năm mây phủ này… Trong chiến tranh phá hoại, Mỹ cho máy bay xuất phát từ căn cứ U đon và Utapao bên Thái Lan, qua không phận Lào đột nhập Tây Bắc nước ta, nhanh chóng luồn sườn Đông Tam Đảo để tránh rađa của phòng không ta, ném bom Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên…

Chân đỉnh Quạt Nan là nơi sinh sống của cư dân các xã La Bằng, Hoàng Nông, Mỹ Yên (Đại Từ)… hầu như ngày nào cũng chứng kiến từng tốp máy bay đi và trở về. Sáng tầm 9-10 giờ, chiều 14-17 giờ, từng tốp 4 máy bay dàn hàng ngang khi đi, khi về lẻ loi chiếc một.

Lâu thành quen. Chúng tôi leo lên đỉnh núi ông Sinh Mài cùng tham gia đếm máy bay, bom và thùng săng phụ rơi với bộ đội thông tin khi máy bay Mỹ bị máy bay, tên lửa ta truy kích, trút bừa cho nhẹ khi tháo chạy. Tụi trẻ chúng tôi nhận biết nhanh chóng các loại máy bay, từ F105 đến F4H, Phan Tôm. Máy bay rơi, dù bung ra, nhìn mầu dù đỏ hay trắng biết cấp bậc giặc lái.

Dân quân xã Mỹ Yên, sinh viên Trường Đại học Tổng hợp, học sinh Trường Văn hoá quân đội Nguyễn Văn Trỗi sơ tán về không ít lần leo rừng Tam Đảo tìm bắt phi công Mỹ. Thùng săng phụ thì nhiều vô kể. Hầu hết lũ máy bay cường kích F105 sau khi trút bom xong về đến sườn Đông Tam Đảo này là trút bỏ để tháo chạy. Dân xã chúng tôi đã quen việc vác rìu bổ lấy xăng, đuya-ra để gò mâm, chậu, bát đĩa, đúc xong nồi. Lâu dần, tiếng rít của máy bay địch, máy bay ta người dân chúng tôi cũng phân biệt được… Do là nơi sơ tán của nhiều cơ quan, đơn vị, xã tôi cũng nhiều lần bị máy bay Mỹ oanh tạc,

…Khu nhà tôi ở là một rừng cây sau sau và vầu đắng, lẩn trong đó là những mái tranh, nơi sơ tán của Trường Văn hoá quân đội Nguyễn Văn Trỗi. Một sáng, khi ngủ dậy tôi thấy toàn khu rừng vắng lặng, tất cả đều đã rời đi. Chạy xuống khu nhà bếp, vắng hoe. Trên bàn vương vãi vài tờ báo. Chiều đó, lũ máy bay Mỹ đến thả xuống rừng mấy quả bom bi. Chỉ có thân cây sau sau trăm tuổi hứng những viên bi độc ác.

Buổi trưa 30/4/1971, trời nắng nhưng oi nồng như sắp chuyển mưa dông. Tam Đảo xanh thẫm. Khoảng 10 giờ 40 phút, có tiếng gầm của máy bay. Tiếng gầm nhẹ của máy bay MIG. Rồi một tiếng nổ lớn. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, các vệt sáng, quầng sáng, tiếng nổ của bom đạn là hết sức bình thường… Năm 1971 có nhiều sự kiện dồn dập đến khiến mọi người chú ý: Mặt trận Đường 9 Nam Lào khốc liệt, nhưng chiến thắng thì vang dội. Trận lũ lớn mấy trăm năm có một làm vỡ đê Mai Lâm, việc ứng cứu dân hết sức khó khăn. Đang đêm, trực thăng Mỹ cả gan đổ bộ xuống trại tù binh cướp giặc lái Mỹ ở Sơn Tây không thành… Thế nên tiếng gầm nhẹ của máy bay MIG, rồi tiếng nổ lớn trong buổi trưa 30/4/1971 rất mờ nhạt. Sau này, lịch sử mới nhắc tiếng nổ ấy liên quan đến chiếc máy bay của không quân ta mất tích năm 1971.

                                                            ***

Từ những năm 2005, anh em làm báo địa phương chúng tôi tập trung nghiên cứu, đăng tải bài viết về cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Nhiều chiến công được tôn vinh, nhiều câu hỏi được giải đáp. Chẳng hạn, chỉ với đơn vị pháo phòng không Lữ 110 và vài trung đội tự vệ với súng phòng không 12,7 ly mà máy bay Mỹ không thể ném bom trúng cầu Gia Bẩy trong trận 17/10/1965. Chỉ với pháo cao xạ 100, ta đã bắn rơi 2 pháo đài bay B52 trong trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm năm 1972… Không nhiều, nhưng việc chiếc máy bay MIG của không quân ta mất tích năm 1971 cũng được nhắc nhớ. Tuy nhiên, hầu như không có manh mối nào và đó được coi như một góc khuất…

Tháng 9-2017, bên nước Nga lan truyền câu chuyện về cô gái có tên Anna Poyarkova, muốn tìm ông nội là đại uý phi công thuộc không quân Liên Xô tên là Yuri Poyarkov Yuri hy sinh trong chuyến hướng dẫn bay ngày 30/4/1971 mà cho đến lúc ấy, 47 năm sau vẫn chưa rõ tung tích.

Nickname Nam Nguyên- một người có nhiều gắn bó với nước Nga, Liên Xô đã là người đầu tiên đưa câu chuyện của cô gái Anna lên mạng xã hội. Tiến sĩ Nguyễn Lê Anh, từng là nghiên cứu sinh tại Đại học Lomonosop, giảng viên của Học viện Kỹ thuật quân sự sau khi đọc các thông tin trên, bỏ nhiều thời gian lần tìm và kết quả là: 10 giờ sáng 30/4/1971, chiếc MIG -21U của phi công Cống Phương Thảo và sĩ quan huấn luyện bay Đại uý Yuri Poyarkov xuất phát từ sân bay Đa Phúc (nay là Nội Bài) tới khu vực tập thuộc xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, hết khoa mục, máy bay trở về căn cứ và gặp nạn trên đỉnh Tam Đảo.

Tài liệu của Quân chủng Phòng không không quân cho hay: Từ 30-4 đến 8-5 năm 1971, Quân chủng đã sử dụng 13 lần chuyến máy bay An-2, 30 lần chuyến máy bay Mi-4, 17 lần đáp xuống các bãi đỗ, 3 tổ cấp cứu mặt đất, phối hợp với dân quân các xã sườn Đông Tam Đảo tìm kiếm nhưng không có kết quả…

47 năm sau, dựa trên những thông tin có được từ dân địa phương và cứ liệu, dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngày 28/9/2018, lực lượng tìm kiếm của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên cùng dân quân xã Mỹ Yên, Hoàng Nông đã lên được vị trí máy bay đâm, thu được nhiều mảnh vỡ của máy bay MIG-21U, di vật của hai phi công.

Hôm Thái Nguyên tổ chức kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (4/11/2021), gặp Đại tá Đỗ Đại Phong, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 1, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi lại nhắc đến sự kiện này. Với tôi, sự kiện đến hôm nay cũng đã tròn 50 năm, viết lại để nhắc nhớ, viết lại để bớt đi một góc khuất của lịch sử quê hương.