Ngày 30/4/1945, công nhân Mỏ than Phấn Mễ nổi dậy, tiêu diệt hai tên đốc công người Pháp làm tay sai cho Nhật, chiếm giữ và giải giáp vũ khí của lính bảo an, bao vây đồn lính Nhật, giành quyền quản lý mỏ và thành lập chính quyền cách mạng. Trong khởi nghĩa giành chính quyền ngày 20/8/1945, một bộ phận công nhân mỏ được lựa chọn tham gia Tự vệ Thái Nguyên.
Di tích Nhà máy điện Giang Tiên. |
Tột cùng nỗi đau thân phận nô lệ
Mỗi lần đến Mỏ than Phấn Mễ dự kỷ niệm Ngày truyền thống của đơn vị, chúng tôi không khỏi xúc động khi đọc lại các tư liệu lịch sử, đi thăm những địa danh như: Đồi Còi, Ao Sen, Nhà máy điện Giang Tiên, Đồn lính Nhật, Giếng 9... Chính tại những địa điểm này, từ thân phận nộ lệ, nghe theo tiếng gọi của Mặt trận Việt Minh và những người Cộng sản, đội ngũ công nhân Mỏ than Phấn Mễ đã nhất tề đứng dậy.
Ngược dòng thời gian, năm 1910, Công ty than Bắc Kỳ chính thức thành lập Mỏ than Phấn Mễ, với hai khu vực khai thác lộ thiên và hầm lò. Đồng thời xây dựng nhà máy điện, hệ thống đường goòng vận chuyển than từ Phấn Mễ xuống tập kết tại bến than Gia Bảy.
Lực lượng công nhân mỏ thường xuyên có trên 2.000 người. Các khu ở tập trung hình thành ba phố thợ gồm: phố Cẩm, phố Giang Tiên, phố Giá. Công nhân bị chủ mỏ áp bức, bóc lột, đồng lương rẻ mạt, cuộc sống vô cùng thiếu thốn. Lao động cực nhọc dưới moong than, hầm lò sâu nhưng người thợ không được trang bị bảo hộ lao động, tai nạn chết người xảy ra thường xuyên. Hàng năm tai nạn lao động và bệnh tật cướp đi sinh mạng của nhiều công nhân. Theo tài liệu hiện còn lưu trữ: Năm 1926 chết 195 người; năm 1928 chết 173 người; năm 1942 chết 200 người…
Trong suốt thời gian thực dân Pháp khai thác mỏ, tại đây đã nổ ra nhiều cuộc bãi công, biểu tình của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc. Năm 1913, hàng ngàn công nhân Mỏ than Phấn Mễ đã đấu tranh chống phạt vạ vô lý. Một số công nhân đã bao vây, đánh bọn cai thầu, đốc công gian ác khiến chủ mỏ hoảng sợ phải nhượng bộ.
Tháng 8/1917, cuộc khởi nghĩa của binh lính người Việt trong quân đội Pháp diễn ra ở Thái Nguyên, nhiều công nhân Mỏ than Phấn Mễ đã tham gia đội quân khởi nghĩa. Sau khi Công hội đỏ Bắc Kỳ ra đời tháng 7/1929, cùng với nhiều khu công nghiệp khác, tổ chức Công hội đã được thành lập tại Mỏ than Phấn Mễ và đi vào hoạt động.
Trụ sở Mỏ than Phấn Mễ hôm nay. |
Kiên cường nổi dậy giành chính quyền
Theo tư liệu truyền thống của Mỏ than Phấn Mễ: "Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ngay sau đó quân Nhật đã lên tiếp quản và quản lý khai thác than ở Phấn Mễ. Chúng điều đến khu mỏ một trung đội lính Nhật, một tiểu đội đóng ở Nhà máy điện Giang Tiên, một tiểu đội đóng quân tại Làng Cẩm, cùng một số bảo an để bảo vệ khu mỏ và trấn áp phong trào cách mạng.
Căm phẫn trước sự áp bức bóc lột và tàn ác của bọn cai quản mỏ, ngày 30/4/1945, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hạ Bá Dỵ (anh trai đồng chí Hạ Bá Cang - tức Hoàng Quốc Việt) và các cán bộ cách mạng, công nhân mỏ đã tổng bãi công, cử đại diện gặp giới chủ đưa yêu sách đòi cải thiện đời sống. Hàng nghìn công nhân mỏ từ phố Cẩm, phố Giá, phố Giang Tiên kéo về mang theo dao, cuốc xẻng gậy gộc, tràn vào trụ sở của mỏ tiêu diệt hai tên đốc công người Pháp. Lính bảo an trong đồn Giang Tiên bị ta bao vây, vô hiệu hóa và bắt chúng giải giáp vũ khí.
Ban lãnh đạo công nhân soạn bức tối hậu thư yêu cầu quân Nhật đầu hàng, trao lại quyền quản lý mỏ cho công nhân. Ông Nguyễn Văn Chương giành bức tối hậu thư từ Hạ Bá Dỵ: “Để tôi vào. Lỡ mệnh hệ gì, chú ở lại lo cho anh em”.
Trước họng súng kẻ thù, ông bước đĩnh đạc, ung dung vào đồn. Quân Nhật ngoan cố không chấp nhận yêu cầu của ta và bắn chết ông. Lập tức toàn bộ công nhân đã bao vậy cô lập đồn Nhật, cắt đứt mọi sự liên lạc. Nhiều trạm canh, kho xăng dầu, xe cộ của giới chủ bị công nhân đốt phá. Mìn phá đá khai thác mỏ cũng bị công nhân mang ra đốt để thị uy. Một số tên làm tay sai cho quân Nhật và giới chủ số bị bắt giam, số hoảng sợ bỏ chạy. Chính quyền địch ở mỏ tan rã. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên vị trí trang trọng tại trụ sở mỏ. Ngay trong ngày 30-4, chính quyền cách mạng được thiết lập điều hành quản lý mỏ."
Cuộc nổi dậy của công nhân vùng mỏ Phấn Mễ giành chính quyền thắng lợi có sức lan tỏa mạnh mẽ và khơi dậy khí thế cách mạng trong các tầng lớp nhân dân trong vùng. Từ tháng 7/1945, nhiều công nhân đã tình nguyện đi theo cách mạng và góp mặt trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Thái Nguyên ngày 20/8/1945.
Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều người thợ đã gia nhập quân đội. Trong kháng chiến chống Pháp, khu Nhà máy điện Giang Tiên là địa điểm đóng quân của Xưởng quân giới Quân đội nhân dân Việt Nam, đó cũng là nơi chế tạo thành công loại súng Bazoka huyền thoại.
Từ cuối năm 1954, Mỏ than Phấn Mễ tập trung sản xuất phục vụ hoạt động của Nhà máy điện Yên Phụ Hà Nội, cung cấp than cho đường sắt và các ngành kinh tế. Khu Gang thép Thái Nguyên ra đời, than mỡ Phấn Mễ là nguồn nguyên liệu quan trọng cho luyện kim.
Đi dọc các địa danh ghi dấu cuộc nổi dậy giành chính quyền năm xưa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của vùng mỏ. Thị trấn Giang Tiên, phố Giá (nay có chợ chè) nhộn nhịp, sầm uất. Nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ khang trang phần lớn là của con em những người thợ.
Thợ mỏ vào ca. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Tú, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Mỏ than Phấn Mễ, cho biết: 78 năm qua, đội ngũ những người thợ Mỏ than Phấn Mễ luôn nỗ lực lao động, sáng tạo và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, công nghệ khai thác than lộ thiên đã kết thúc, mỏ đã lập dự án khai thác than hầm lò trên 2 khu vực Bắc và Nam Làng Cẩm. Trong mỗi giai đoạn phát triển, truyền thống tạo nên nhiệt huyết cống hiến của cán bộ công nhân mỏ…
Thời gian đã lùi xa, ngọn lửa cách mạng thắp lên từ năm tháng ấy vẫn luôn trong trái tim thế hệ những người thợ. Quá khứ, hiện tại và tương lai lấp lánh sáng, Mỏ than Phấn Mễ tiếp tục vươn mình trên chặng đường phát triển mới...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin