Dù ai đi đông về tây Hai bảy tháng bảy nhớ ngày thương binh
TNĐT- Ngày 27-7 hằng năm là dịp để nhân dân cả nước tỏ lòng hiếu nghĩa với các thương, bệnh binh, những người đã hy sinh một phần thân thể cho đất nước và nơi ra đời Ngày thương binh liệt sỹ chính là xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn huyện Đại Từ, Thái Nguyên
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp ngày càng quyết liệt, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến thương binh và công tác hậu phương quân đội. Tháng 6/1947, Bác Hồ đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm để làm “Ngày thương binh”. Đầu tháng 7/1947, Ban vận động tổ chức Ngày thương binh được thành lập, nhất trí chọn ngày 27-7 làm Ngày thương binh và gửi lên Trung ương. Được sự đồng ý của Trung ương Đảng và Bác Hồ, lễ công bố Ngày thương binh liệt sỹ được gấp rút chuẩn bị.
Ngày 27/7/1947, dưới gốc đa cổ thụ tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, Đại Từ đã diễn ra lễ công bố Ngày thương binh liệt sỹ với sự tham gia của hơn 300 người. Các đại biểu tham dự đã nghe thư của Bác Hồ gửi nhân Ngày thương binh liệt sỹ, nghe bà Bá Huy, Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc xã Lục Ba, Đại Từ nói lên tình cảm, trách nhiệm của phụ nữ và nhân dân đối với thương binh. Buổi lễ công bố diễn ra giản dị, trang nghiêm và thiêng liêng. Ngày 27/7/1947 ghi dấu một kiện quan trọng, chính thức trở thành ngày mà tất cả người dân, cơ quan, đoàn thể trong cả nước bày tỏ tình cảm uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sỹ.
Di tích địa điểm nơi công bố Ngày thương binh liệt sỹ toàn quốc tại xã Hùng Sơn, Đại Từ đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1997. Ngày 2/3/1958, Bác Hồ về thăm xã Hùng Sơn, trên mảnh đất quê hương Ngày thương binh liệt sỹ, Người đã căn dặn phải chăm lo đời sống nhân dân nhất là các gia đình thương binh liệt sỹ.
Hiện nay khu di tích nơi ra đời ngày thương binh liệt sỹ đã được đầu tư tôn tạo trở thành một trong những công trình văn hóa đẹp và có giá trị lịch sử của tỉnh Thái Nguyên.