Khám phá Hang Phiêng Tung

14:11, 30/10/2011

Vào giai đoạn hậu kỳ đá cũ, trên địa bàn miền Bắc Việt Nam đã xuất hiện những bộ lạc cư trú trên các địa hình khác nhau từ miền núi đến đồng bằng, sinh sống với phương thức săn bắt hái lượm.

Thái Nguyên với địa hình nhiều núi đá đã trở thành một nơi cư trú khá thuận lợi cho những bộ lạc thời kỳ hậu đá cũ. Những di vật phát hiện tại hang Phiêng Tung đã cho chúng ta biết đến một kỹ nghệ đá mới - kỹ nghệ công cụ mảnh tước.

 

Hang Phiêng Tung tiếng Tày có nghĩa là cao và bằng, nằm ở phía Đông nam núi Mèo, thuộc địa phận xóm Trung Sơn (Bản Cái), xã Thần Sa, Võ Nhai.

 

Hang có hình thù như miệng con hổ nên nhân dân trong vùng gọi là hang Miệng Hổ. Hang rộng khoảng 10m, dài 20m cao 7m, cửa quay về hướng đông nam, cao hơn thung lũng phía dưới khoảng 50m, cách sông Nghinh Tường  khoảng 50m về phía bắc. Bên trong hang có tầng ngách nhỏ, không chứa di vật khảo cổ. Nền hang dốc thoải vào bên trong, trên có nhiều đá tảng lăn. Hang này rất thuận tiện cho người nguyên thủy cư trú. Con sông nhỏ Nghinh tường nước chảy quanh năm từ phía Bắc qua phía đông và phía nam của chân núi Mèo. Đoạn qua sông này về mùa cạn nổi lên những bãi đá cuội lớn, đây chính là nguồn nguyên liệu phong phú của người nguyên thủy dùng để chế tác công cụ.Điểm nổi bật của bộ sưu tập Phiêng Tung là sự phổ biến mảnh tước nhỏ có vết tu chỉnh, trong đó công cụ mõi nhọn và công cụ nạo cắt chiếm số lượng lớn.

 

Đồng thời với khai quật hang Phiêng Tung, các nhà khảo cổ còn tiến hành đào thám sát di chỉ hang Nà Khù. Những tài liệu thu được từ nhóm di tích phiêng Tung-Nà Khù tuy chưa thật phong phú, nhưng đã gợi nên sự tồn tại của một nhóm di tích khảo cổ có những đặc trưng riêng, mới lạ mà các văn hóa khác không có. Di vật phổ biến ở đây có kỹ thuật gia công mảnh tước làm công cụ nạo, cắt và mũi nhọn. Công cụ mảnh tước nhiều hơn hẳn công cụ hạch cuội. Công cụ mũi nhọn từ mảnh tước tạo thành một loại hình khá quy chỉnh. Năm 1980, đã phát hiện gần 10 di chỉ trong hang động ở thung lũng này; một trong những phát hiện có ý nghĩa lớn nhất là di chỉ mái đá Ngườm. Liên tiếp các năm 1980,1982 di chỉ mái đá Ngườm được khai quật lần thứ nhất và lần thứ hai. Cho đến nay trên lãnh thổ Việt nam đã tìm thấy 8 địa điểm khảo cổ học có công cụ mảnh tước được tu chỉnh lần thứ hai. Trong số 8 địa điểm này, hai địa điểm điển hình cho kỹ nghệ công cụ mảnh tước là là di chỉ đá Ngườm và di chỉ hang Phiêng Tung.