Thành cổ Đại Từ

10:27, 02/12/2015

 Thành cổ Đại Từ, còn gọi là thành huyện là di tích lịch sử có từ thời phong kiến, nay thuộc xóm Trung Hòa, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ).

Trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn) có ghi: Những năm đầu tiên của thế kỷ XIX, cơ quan hành chính của chính quyền huyện Đại Từ đặt gần khu Huyện ủy và UBND huyện thuộc cánh đồng xóm Trung Hòa hiện nay. Thời kỳ phong kiến, nơi đặt bộ máy cai trị được xây dựng theo lối cổ, tức là có thành cao, hào sâu xung quanh, được gọi là thành huyện. Thành được thiết kế và xây theo hình chữ nhật, diện tích khoảng 18.000m2, tường thành bằng đất nèn chặt cao khoảng 6m, xung quanh giáp với chân thành có đào hào sâu từ 3-4m, rộng khoảng 20m và nước đầy quanh năm. Tiếp giáp với hào nước có trồng tre gai dày đặc để đảm bảo cho việc phòng thủ.

 

Năm 1865, quan cai trị huyện Đại Từ là ông Cao Phước Lãng, vốn là con trai một quan lại thuộc triều đình nhà Nguyễn, quê ở huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế. Ông là người tạo dựng khu thành huyện và là nhiệm sở làm việc của huyện Đại Từ. Giai đoạn 1892 đến 1917, các quan huyện Đại Từ hầu hết là người Pháp, thành huyện sau này không còn được dùng làm trụ sở làm việc nữa. Huyện đường được chuyển ra khu vực trụ sở các cơ quan đoàn thể huyện Đại Từ hiện nay. Trải qua nhiều biến cố lịch sử và tác động của thời gian, thành huyện dần bị phá bỏ, nhân dân địa phương đã khai khẩn thành ruộng bãi để trồng cấy.

 

Ông Nguyễn Văn Huyên, 75 tuổi, nguyên là giảng viên Khoa Lịch Sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết: Căn nhà tôi đang ở thuộc xóm Trung Hòa nằm gọn bên trong lòng của thành huyện. Khi tôi còn nhỏ, tường thành còn khá nguyên vẹn. Người dân địa phương còn tận dụng thả cá ở khu vực hào nước xung quanh thành. Lâu dần, phía trong thành được cải tạo trở thành ruộng vườn hoặc làm nhà ở. Những dãy tre gai xung quanh cũng bị phá để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

 

Đến nay, khu vực thành cổ huyện Đại Từ chỉ còn lại dấu tích xác định danh giới (ảnh), một số tên gọi theo khu vực của thành trước kia vẫn được dùng phổ biến như: Khu ruộng cổng Tiền, khu ruộng cổng Hậu, khu ruộng bốt gác…