Đừng để di tích mất dấu

15:49, 14/03/2017

Đồn Sơn Cốt (xóm Đấp, xã Đắc Sơn, huyện Phổ Yên) được thực dân Pháp xây dựng nhằm thực hiện chính sách áp bức bóc lột nhân dân, đồng thời cũng là nơi trấn giữ và kiểm soát các đầu mối giao thông của ta giữa miền núi trung du và đồng bằng Bắc bộ trước năm 1945.

Đồn được xây dựng kiên cố, hoành tráng trên một diện tích rộng trái ngược với điều đó là nỗi thống khổ, nghèo đói của người dân trong vùng lúc bấy giờ. Vậy nhưng, qua nhiều biến cố lịch sự và thời gian, hiện nay, đồn Sơn Cốt chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của rất ít người cao niên bản địa.

 

Khi chúng tôi đề cập tới Di tích đồn Sơn Cốt, các đồng chí lãnh đạo xã Bắc Sơn đều tỏ vẻ nuối tiếc, bởi hiện nay, chứng tích một thời lịch sử ấy gần như không còn dấu tích. Quá khứ ấy giờ chỉ còn đọng lại trong tâm trí của một vài bậc cao niên và chẳng mấy ai lưu truyền, kể lại cho thế hệ sau. Tất cả tư liệu bằng văn bản về đồn Sơn Cốt chỉ được viết rất ngắn gọn được lưu lại trong hồ sơ kiểm kê di tích lịch sử văn hóa – danh thắng của xã Đắc Sơn năm 1998. Tại đây, cũng chỉ có một số thông tin sơ lược qua lời kể của cụ Nguyễn Đức Trọng (sinh năm 1929, ở xóm Đấp, nay cụ đã mất). Đồn Sơn Cốt ban đầu là đồi cây và ruộng trồng màu của người dân địa phương sau đó thực dân pháp đến chiếm và lập thành đồn điền. Chúng bắt dân quanh vùng đi phu phen, đóng sức người, sức của xây dựng thành đồn. Đồn được xây dựng kiên cố bằng gạch đá, xi măng, xung quanh xây tường gạch, có cổng lớn. Tầng dưới khu nhà là là hệ thống hầm, tầng 2 là có nhiều phòng ở và làm việc. Trên đỉnh tháp có xây vọng gác để dễ dàng quan sát khắp 1 vùng rộng lớn xung quanh. Đồn nằm ở vị trí trọng yếu, kiểm soát các đầu mối giao thông của ta giữa đồng bằng Bắc bộ và vùng trung du phía Bắc. Mặt khác, nơi đây liên kết với đồn thác Nhái (thuộc xã Thành Công), đồn Chã (xã Đông Cao) để quản lý, thực hiện chính sách áp bức bóc lột nhân dân. Đến tháng 6-1945, phong trào cách mạng lên cao, nhân dân trong vùng nổi dậy cướp đồn, phá kho thóc và vũ khí.

 

Để giúp chúng tôi có thêm nhiều thông tin về đồn Sơn Cốt từ những nhân chứng khác, ông Hồ Việt Quân, Phó Chủ tịch HĐND xã Đắc Sơn đưa chúng tôi đến gặp các cụ ông: Nguyễn Hữu Hồ (sinh năm 1934, xóm Đấp); Triệu Hồng Điệp (sinh năm 1932, xóm Bến) và ông Trần Đức Thạc (sinh năm 1930, xóm Dương). Trong đó, có cụ Trần Đức Thạc là có thể nhớ nhiều và rõ hơn cả. Ông Thạc kể: Đồn Sơn Cốt lúc đầu do 1 người Pháp tên B - Lăng làm chủ. Ông này lấy 3 người vợ và sinh được 3 người con. Sau này, đồn được bán lại cho một người Pháp khác là Ren- Nô. Trong đồn có lính, phu đồn và có cả nhà xưởng chiết xuất tinh dầu từ cây công nghiệp. Đất đai của chủ đồn phần lớn đều cho tá điền thuê trồng cấy. Mọi công việc chủ đồn đều giao cho một tên tay sai người Việt tên Bát Ngọc điều hành quản lý. Bên cạnh đó, chúng cũng thiết lập hệ thống cai quản theo kiểu chánh – lý để đôn đốc, quản lý việc giao khoán, thu thuế… của tá điền. Trong đồn có 2 cái giếng, 1 dành riêng cho những người chủ và 1 dành cho những người làm thuê, tá diền dùng chung, tuy nhiên người dân vẫn gọi là giếng đôi. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, nhân dân ta chiếm đồn, phá kho thóc. Đến năm 1946, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, chính quyền cách mạng cho người đến đốt phá đồn, kho nên đồn cơ bản bị phá hủy. Qua nhiều năm cùng sự phát triển của địa phương, đồi đồn được hạ thấp, làm mặt bằng để xây trường học, làm khu dân cư.

 

Thực tế tại khu đồn xưa, chúng tôi được các cụ và ông Hồ Việt Quân cho biết vị trí đồn chính ngày xưa nay là sân chơi của Trường Tiểu học Đắc Sơn 2 và 1 phần khuôn viên Trường THCS Đắc Sơn. Điều đáng chú ý là trên tuyến tỉnh lộ 261, chân đồn ngày xưa (đường rẽ vào trường học), người dân trong xóm Đấp đã cho phục dựng một cái giếng đặt tên là Giếng đôi làng Sơn Cốt. Tuy nhiên, theo ông Hồ Việt Quân thì việc phục dựng giếng làng không liên quan nhiều đến Di tích đồn Sơn Cốt mà là do ý nguyện của người dân trong làng muốn nhớ về truyền thống ngày xưa (một thời sinh hoạt dùng giếng chung) nhằm gắn kết cộng đồng đồng thời mang ý nghĩa tâm linh.

 

Qua trao đổi với các cụ cũng như lãnh đạo xã Đắc Sơn, họ đều mong muốn phục dựng lại đồn Sơn Cốt (có thể bằng mô hình) hoặc bằng cách nào đó phù hợp để có thể lưu giữ, tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ sau về một di tích cũng như một giai đoạn lịch sử của địa phương cũng như của dân tộc.