Được xây dựng từ cách đây hơn 200 năm, đình Hạ Lãm (hay còn được gọi là đình Lưu Quang, đình làng Cướm), ở xóm Lưu Quang 3, xã Minh Tiến (Đại Từ) là nơi thờ tự, ghi nhớ công ơn, tài đức của các vị sơn thần cùng Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh. Đặc biệt, năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã về đây để họp bàn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, đình Hạ Lãm xưa là một công trình kiến trúc cổ kính, được người xưa xây dựng sau khi có làng (khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX). Đình được làm bằng gỗ, lợp lá cọ, lát sàn gỗ, xây dựng theo hình chữ Đinh, gồm 5 gian tiền tế, 2 gian hậu cung. Đình tọa lạc trên địa thế bằng phẳng, ở trung tâm làng, chính diện trông về hướng Nam. Đình thờ 3 sơn thần là Lẻn Sơn, Hùng Sơn, Quán Sơn và Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh. Đình Hạ Lãm đã từng được các triều đại phong kiến sắc phong.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Hạ Lãm đã trở thành địa điểm sơ tán của nhân dân, nơi trú quân nghỉ ngơi của nhiều đơn vị lực lượng vũ trang trong lúc di chuyển qua địa phương làm nhiệm vụ. Năm 1949, tại đây, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp, bàn đẩy mạnh cuộc kháng chiến với sự tham gia của các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Tạ Quang Bửu, Phạm Văn Đồng. Ngay sau cuộc họp, đình Hạ Lãm đã bị máy bay của thực dân Pháp bắn cháy hoàn toàn.
Nhằm phát huy những giá trị và ý nghĩa lịch sử của đình, năm 2014, nhân dân trong vùng đã góp công, góp của để tôn tạo ngay trên nền ngôi đình cũ với kết cấu sân đình, tiền đường và hậu cung trên tổng diện tích 1.400m2. Trong hậu cung của đình hiện còn lưu giữ một số di vật có giá trị như: Ngai và bài vị thờ thần Thành hoàng làng, bát hương gốm cổ, nhang án, bộ chân nến, lư hương đá và một số sắc phong thời Nguyễn… Đình được xây dựng và có quy mô như hiện nay, đồng thời gìn giữ được các di vật là nhờ sự nỗ lực của chính quyền, Ban quản lý di tích và sự đóng góp của nhân dân. Ông Dương Quốc Chính, Trưởng Ban Quản lý đình Hạ Lãm cho hay: Do đình bị bắn cháy đã lâu nên nhiều người dân đã xây dựng nhà ở, làm vườn trên diện tích đình ngày trước. Trước tình hình đó, tôi đã cùng các cụ cao niên trong xã thành lập Ban vận động gồm 15 người, động viên người dân di chuyển, nhường đất xây dựng đình. Không chỉ phục dựng ngôi đình, chúng tôi và chính quyền địa phương còn dành nhiều thời gian để sưu tầm các hiện vật quý của đình, tiêu biểu là Bộ sắc phong nguyên bản của Vua Khải Định, hiện vật của cố Đại tướng Hoàng Văn Thái trong thời gian ông làm việc tại đây.
Cẩn thận mở khóa chiếc hòm lớn đặt ở hậu cung, ông Dương Quốc Chính tỉ mỉ giới thiệu cho chúng tôi về 10 bộ sắc phong. Trong đó, 3 bộ sắc phong còn nguyên vẹn, 7 bộ sắc phong do tác động của thời gian nên toàn bộ chữ bị bong tróc. Đầu năm 2019, những bộ sắc phong này đã được gửi đến Cục Lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng để phục chế lại. Sau hơn 6 tháng, toàn bộ bản sắc phong đã được khôi phục lại trên nền giấy dó của Nhật và được trao trả lại cho Ban Quản lý đình gìn giữ, bảo quản. Cũng theo ông Dương Quốc Chính, hiện ở trong dân vẫn còn rất nhiều bộ thần tích quý (quy ước, nghi lễ của đình), do vậy, thời gian tới, Ban Quản lý tiếp tục vận động người dân đưa về đình để lưu giữ. Đồng thời, mở rộng quy mô đình lên 10.000m2…
Không chỉ giàu giá trị lịch sử, từ lâu đình Hạ Lãm còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thiêng liêng với người dân địa phương. Theo lệ làng, ngày mùng 3 tháng Giêng hàng năm, đình mở hội khai Xuân; ngày rằm tháng Giêng tổ chức lễ Thượng nguyên; ngày 25 tháng 2 tổ chức lễ chay và lễ mặn; ngày 15 tháng 7 lệ làng ra Hè; tháng 10 thì có Hội giã cốm, giã bánh dày… Lễ hội chính của đình Hạ Lãm là vào ngày mùng 3 Tết. Trong những ngày lễ hội, cả một vùng rực rỡ sắc màu và rộn ràng những khúc hát cầu an, ca ngợi quê hương đất nước cùng các trò chơi dân gian sôi động như: tung còn, đánh đu, chọi gà…
Ông Dương Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết: Đình Hạ Lãm đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2016. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đình vẫn luôn là chốn tôn nghiêm, cổ kính và là niềm tự hào của nhân dân địa phương, trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.