Tạo việc làm bền vững cho người lao động thông qua dạy nghề

11:53, 21/12/2010

Trong giai đoạn 2006-2010, bình quân mỗi năm có trên 15.000 người lao động trong tỉnh được giải quyết việc làm thông qua hoạt động dạy nghề như: Tập huấn kỹ năng để tạo việc làm tại chỗ; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tư vấn giới thiệu việc làm; xuất khẩu lao động…Tuy nhiên, để tạo việc làm bền vững cho người lao động trên địa bàn, các cấp, ngành trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa tới công tác dạy nghề cho người lao động…

Phân đoạn trong đào tạo nghề

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 60 cơ sở đào tạo nghề phi nông nghiệp. Đối tượng học tập ở các cơ sở này chủ yếu là học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT. Học sinh có trình độ nghề bậc 3/7 trở lên hầu hết đã tìm kiếm việc làm tại các khu công nghiệp, đi xuất khẩu lao động hoặc chí ít cũng tự mở cơ sở sản xuất để tạo việc làm. Qua đó cho thấy vấn đề đào tạo nghề cho lao động trẻ hiện nay của tỉnh đã đi đúng hướng và từng bước có sự chuyên nghiệp hóa. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay.

 

Hơn một năm trước, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kế hoạch số 15 về chương trình đào tạo nghề cho nông dân trên địa bàn. Theo Kế hoạch này, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2013 sẽ có 30% số hội viên nông dân được đào tạo nghề; tỷ lệ này sẽ nâng lên 50% vào năm 2020. Kế hoạch số 15 của Hội Nông dân tỉnh đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy bàn thảo, thông qua để triển khai trên toàn địa bàn với một số nội dung quan trọng như: Phân loại đối tượng để đào tạo nghề phù hợp; phân cấp đào tạo nghề từ tỉnh tới huyện; kế hoạch kinh phí đầu tư cho từng giai đoạn... Đồng chí Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Thái Nguyên có 136.500 hội viên nông dân, chiếm 80,3% tổng số hộ nông nghiệp. Tuy nhiên, mới có khoảng 16.000 nông dân được đào tạo nghề, chiếm 12% tổng số hội viên…”.

 

Ngoài Hội Nông dân tỉnh, trong những năm qua, một số ngành của tỉnh như: Lao động - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và PTNT; Cựu Chiến binh; Hội Phụ nữ và chính quyền các huyện, thành, thị trong tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với số lượng bình quân mỗi năm khoảng 4.000 lao động (được đào tạo trong thời gian từ 3 tháng trở lên), còn lại các lao động nông thôn chủ yếu tham gia những lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi ngắn ngày.

 

Qua số liệu trên cho thấy công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh thời gian qua vẫn đạt kết quả thấp nên đã ảnh hưởng đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Lao động nông thôn chưa qua đào tạo và việc đào tạo ở một số nơi trong tỉnh chưa bài bản dẫn tới việc phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh thiếu các vùng chuyên cach để tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Theo phân cấp đào tạo trong Kế hoạch số 15 của Hội Nông dân tỉnh, mỗi năm, Trung tâm Dạy nghề của Hội Nông dân tỉnh sẽ thực hiện đào tạo nghề ngắn, dài hạn cho 1.000 hội viên nông dân với các nghề chủ yếu là chăn nuôi thú y, trồng trọt và chế biến chè. Khảo sát tại các lớp học do Hội Nông dân các cấp tổ chức, một số học viên cho biết nó có tác dụng rất thiết thực với hoạt động sản xuất của bà con.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng ở phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Tôi tham gia lớp đào tạo nghề trồng hoa do Hội Nông dân thành phố phối hợp với Trung tâm Dậy nghề thành phố tổ chức thấy rất hiệu quả vì nắm bắt được kỹ thuật trồng, kích thích hoa nở sớm hay muộn và phòng, chống sâu bệnh cho cây…”. Sau khoá đào tạo về chăn nuôi, chị Lý Thị Thành, ở xã Tân Long (Đồng Hỷ) thông tin: Với những kiến thức về chăn nuôi thú y được học, sắp tới gia đình tôi sẽ đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng trang trại…

 

Vẫn còn nhiều bất cập

 

Việc xây dựng cả một lộ trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp tỉnh có định hướng, giải pháp cụ thể trong công tác này, nhưng qua đây các cơ quan chuyên môn cũng đã tìm ra được những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới, nhất là vấn đề đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nghề. Đồng chí Nguyễn Văn Khê, Giám đốc Trung tâm Dậy nghề (Hội Nông dân tỉnh) cho biết: Gọi là trung tâm nhưng phải mượn một phòng làm việc của Hội Nông dân tỉnh để hoạt động và đơn vị cũng không có thiết bị dạy nghề, phòng học, nhà xưởng. Đơn vị hiện nay mới chỉ có 3 biên chế, do đó không dễ đáp ứng tốt nhu cầu học nghề của hội viên…

 

Các lớp đào tạo nghề được xây dựng trên cơ sở điều tra nhu cầu tham gia học tập của nông dân nên đến tận ngày khai giảng, nhu cầu học nghề của học viên được phỏng vấn lại một lần nữa để có sự thay đổi cho phù hợp. Mặc dù công tác chuẩn bị khá kỹ lưỡng song ở nhiều khoá học, người nông dân tham gia học vẫn mang tâm lý học để biết nhiều hơn là học để về áp dụng ngay vào quá trình sản xuất của gia đình. Ông Lê Quang Bính, cán bộ Hội Nông dân huyện Phú Lương cho rằng đã đến lúc phải tính đến hiệu quả thực tiễn của chương trình đào tạo nghề cho nông dân, thay vì số lượng thì nên đầu tư theo chiều sâu. Ông Bính dẫn chứng, chính vì lo đào tạo theo kế hoạch, theo chỉ tiêu nên vừa qua, tại Trung tâm Dạy nghề huyện Phú Lương đã xảy ra tình trạng lớp học vừa khai giảng được 2 ngày thì nông dân đã bỏ hết (lớp học về trồng trọt tổ chức tại xã Phú Đô).

 

Nêu quan điểm về vấn đề trên, ông Dương Văn Thế, Chủ tịch Hội Nông dân  T.X Sông Công cho biết: Không cần mỗi lớp học cứ phải đủ 30 người mà thậm chí chỉ cần trên 10 người thực sự muốn học, muốn làm là đủ điều kiện tổ chức một lớp dạy nghề. Ông Thế nhấn mạnh, việc đòi hỏi tổ chức mỗi lớp đào tạo nghề cho nông dân phải đủ 30 học viên, hay phải có 20% số lớp đào tạo có ngành nghề phi nông nghiệp là không hợp lý. Quan điểm trên đã được chứng minh bằng việc tại xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) có 2 lớp học chăn nuôi thú y với tổng số trên 60 học viên được tổ chức trong thời gian liền kề nhau nhưng sau khoá đào tạo này chưa có nông dân nào ở địa phương áp dụng được kiến thức đó vào chăn nuôi lớn.

 

Khi trao đổi với chúng tôi, ông Lê Cảnh Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Sơn phân trần: Lớp học là cơ sở để địa phương thực hiện đạt tiêu chí về đào tạo nghề cho nông dân - một trong các tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới. Tại xã Bảo Cường (Định Hoá), Trung tâm Dạy nghề huyện đang tổ chức lớp học về cơ khí nông nghiệp cho 30 học viên, nhưng do là một xã miền núi nên các học viên cũng xác định học để biết là chính và có cơ hội thì sửa chữa máy móc nông cụ nhà mình chứ không thể mở xưởng để hình thành nghề mới…

 

Rõ ràng, chương trình đào tạo nghề cho nông dân dù có lộ trình cụ thể nhưng vẫn đòi hỏi phải tạo được hiệu quả thực tiễn trên quan điểm đào tạo nghề để giúp lao động nông thôn làm kinh tế, tạo ra sản phẩm cụ thể. Lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn có trình độ nghề còn hạn chế sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.