Tính đến nay, KCN Sông Công đã thu hút được 67 dự án với tổng số vốn đăng ký quy đổi bằng 7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 29 dự án đã được triển khai và đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong KCN.
Từ cuối năm 2010 và đặc biệt là đầu năm 2011, cũng như các doanh nghiệp trong cả nước, các doanh nghiệp trong KCN Sông Công gặp nhiều yếu tố không thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh như: lãi suất cho vay, giá điện, xăng và nguyên liệu tăng cao… làm tăng chi phí giá thành sản phẩm. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Sông Công đã có nhiều biện pháp để duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định mức thu nhập cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp còn duy trì được mục tiêu tăng trưởng và đặc biệt là nâng cao thu nhập cho người lao động, giúp họ đảm bảo mức sống trong khi lạm phát tăng cao. Qua khảo sát thực tế của Ban Quản lý các KCN tỉnh, thu nhập bình quân của người lao động trong KCN Sông Công vẫn duy trì được mức 2,5 triệu/người/tháng trong các tháng đầu năm 2011.
Nhà máy TNG Sông Công là 1 trong 3 nhà máy may xuất khẩu của Công ty CP đầu tư và thương mại TNG. Nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 5-2007 với mức đầu tư 200 tỷ đồng và đến nay đã tạo việc làm cho trên 3,5 nghìn lao động. Theo kế hoạch, Công ty dự kiến 4 tháng đầu năm 2011 sẽ đạt doanh thu sản xuất gần 180 tỷ đồng. Mặc dù chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi đến sản xuất như giá thành nguyên liệu, phụ kiện may mặc tăng cao, giá điện, giá xăng, lãi suất vay vốn… cũng tăng cao nhưng kết quả kinh doanh của Nhà máy TNG Sông Công cho kết quả khá cao khi đạt tới 103% kế hoạch với giá trị trên 185 tỷ đồng doanh thu sản xuất. So với cùng kỳ năm 2010, con số này đã đạt mức tăng trưởng tới 300%. Sau khi trừ các khoản chi phí, Công ty thu về mức lợi nhuận trên 10 tỷ đồng. Công ty còn đảm bảo mức thu nhập bình quân cho công nhân là gần 2,8 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập thấp nhất của công nhân Nhà máy cũng đạt trên 2,1 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, Công ty cũng điều chỉnh lợi tức cho trên cổ đông từ 16%/năm lên tới 20%/năm qua khoản lợi nhuận có được.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNG cho biết: Đạt được mức tăng trưởng trên là do Công ty đã chủ động đàm phán và được đối tác chấp thuận điều chỉnh giá thành đơn hàng, giá thành sản phẩm trước thực trạng chi phí sản xuất tăng cao. Rất nhiều đơn hàng của Công ty được ký năm 2010 và thực hiện vào đầu năm 2011. Nếu không được điều chỉnh tăng giá thành thì với chi phí sản xuất tăng cao như thế, Công ty chắc chắn không thực hiện được kế hoạch đã đề ra và thậm chí mức tăng trưởng sẽ bị âm. Ông Thời cũng cho rằng, để đối tác chấp thuận điều chỉnh tăng giá thành sản phẩm, Công ty đã phải mất hàng chục năm để xây dựng thương hiệu và nâng cao uy tín trên thị trường xuất khẩu may mặc qua việc thực hiện đúng cam kết hợp tác. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang xây dựng 2 thương hiệu thời trang nội địa để tìm thêm lợi nhuận từ thị trường tiềm năng này và đóng góp thêm cho ngân sách.
Còn ở Công ty CP thép Thái Nguyên thì lại có cách làm khác để đảm bảo doanh thu gần 72 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 2,5 tỷ đồng và đảm bảo thu nhập cho người lao động ở mức 2,5 triệu đồng/người/tháng trong quý I. Ông Trần Văn Tám, Giám đốc Công ty chia sẻ, để đảm bảo kết quả tăng trưởng trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, chúng tôi đã cơ cấu lại ngành nghề sản xuất và tổ chức lại sản xuất. Tại KCN Sông Công, chúng tôi có 4 ngành nghề sản xuất là: luyện thép, cán thép, nhựa và pin. Bước vào năm 2011, chúng tôi tập trung tối đa cho ngành luyện thép và cán thép bởi đây là ngành nghề chủ lực. Hơn nữa sản phẩm của hai ngành này dễ tiêu thụ và được điều chỉnh giá thành phù hợp với chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi xác định đổi mới công nghệ sản xuất là yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển sắp tới. Chính vì vậy, chúng tôi đã đầu tư trên 600 tỷ đồng để lắp đặt dây chuyền cán thép mới theo tiêu chuẩn và công nghệ châu Âu. Dây chuyền này có công suất 300 nghìn tấn sản phẩm mỗi năm sẽ đáp ứng nhu cầu thép cán của các đối tác bán lẻ.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các biện pháp vượt khó như hai doanh nghiệp trên, tại KCN Sông Công, biện pháp khá phổ biến được các doanh nghiệp áp dụng trong lúc khó khăn là cắt giảm chi phí. Các dự án, khoản đầu tư máy móc thiết bị kinh phí cho các hoạt động chưa cần ngay đều bị cắt giảm. Vào thời điểm năm 2008, khi khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm nhân công sau đó rơi vào tình trạng thiếu lao động. Vì thế, hiện nay các doanh nghiệp không cắt giảm lao động, chú trọng đến chăm lo đời sống để “giữ chân” người lao động chờ khi khôi phục lại tăng trưởng sản xuất. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng áp dụng chế độ thưởng, phạt rõ ràng; khuyến khích tăng năng suất lao động đồng thời khai thác tối đa hiệu quả của máy móc để tăng sản lượng sản phẩm trên cùng mức chi phí đầu vào trước đây. Một số doanh nghiệp cũng chuyển sang tìm nguồn nguyên liệu thay thế trong nước để giảm tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu. Đặc biệt, tiết kiệm điện trong sản xuất là biện pháp hiệu quả mà các doanh nghiệp đều áp dụng. Nhiều doanh nghiệp đã chia ca sản xuất, tránh giờ sản xuất vào giờ dùng điện cao điểm trong ngày.
Qua đó, trong quý I năm 2011, nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá và đảm bảo thu nhập cho người lao động như: Nhà máy Kẽm điện phân đạt doanh thu 103 tỷ đồng, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2010; Nhà máy thép Trường Sơn đạt doanh thu gần 16 tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm 2010; Nhà máy đúc công nghệ cao Hương Đông đạt doanh thu trên 38 tỷ đồng, tăng trên 200% so với cùng kỳ năm 2010… Ông Phan Mạnh Cường, Phó Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên cho biết, nỗ lực các doanh nghiệp đã góp phần làm cho tổng doanh thu của cả KCN Sông Công quý I năm nay tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm 2010 và đạt trên 680 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Phan Mạnh Cường nhận định, về cơ bản hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN Sông Công đang trong giai đoạn sản xuất thử, được hưởng ngân sách hỗ trợ nên hiệu quả kinh doanh và nộp ngân sách còn thấp. Nguyên nhân một phần là do quy mô và chất lượng của các doanh nghiệp còn hạn chế nên chưa khai thác được triệt để nguồn lực của doanh nghiệp.
Ông Phan Mạnh Cường cũng cho biết, thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp như: đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Sông Công; tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; giới thiệu việc làm và trợ giúp tuyển dụng…. Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên sẽ phối hợp với các ngành để tham mưu cho UBND tỉnh cân đối ngân sách tập trung, tạo quỹ đất sạch gắn với hạ tầng đồng bộ để tăng cường thu hút đầu tư có hiệu quả, đặc biệt là chú trọng những nhóm dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến để tạo sự đột phá cho KCN Sông Công, góp phần tích cực vào mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.