Mỗi năm, tỉnh ta có từ 350 đến 400 doanh nghiệp (DN) tư nhân, Công ty TNHH và Công ty Cổ phần (gọi chung là DN ngoài quốc doanh) được thành lập. Tuy nhiên, việc thành lập tổ chức công đoàn ở các DN trên lại chậm hơn rất nhiều so với tốc độ tăng các DN thành lập mới. Tính đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 237 công đoàn cơ sở (CĐCS) được thành lập trong tổng số gần 3.000 DN ngoài quốc doanh. Thực tế cho thấy, công tác phát triển CĐCS tại các DN ngoài quốc doanh đang gặp phải một số khó khăn…
Để hiểu rõ hơn về vai trò của công đoàn trong các DN ngoài quốc doanh, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế tại một số DN trên địa bàn, trong đó có Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình. Được biết, Công đoàn Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình được thành lập ngay từ thời điểm Công ty bắt đầu hoạt động và là một trong những CĐCS có nhiều hoạt động hiệu quả. Hiện nay, Công đoàn Công ty có 103 đoàn viên, trong đó 80% là nữ. Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Công đoàn cho biết: Là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, chúng tôi luôn quan tâm tới việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động, kể cả các lao động thời vụ (khoảng trên 80 người) như tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm y tế, chế độ nghỉ thai sản, cải thiện điều kiện làm việc... Hiện nay, mức thu nhập bình quân của người lao động trong Công ty đã đạt gần 3 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Công đoàn cũng thường xuyên chia sẻ, động viên, hỗ trợ công nhân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cũng được công đoàn tổ chức. Tất cả các hoạt động đó đã giúp người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó với DN. Với kinh nghiệm 10 năm tham gia công tác công đoàn, chị Nguyễn Thị Vân Anh khẳng định, tổ chức công đoàn có vai trò quan trọng với các DN ngoài quốc doanh. Nếu CĐCS hoạt động hiệu quả sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển chung của DN. Muốn vậy, bên cạnh việc người lao động cần có nhận thức đúng đắn, cán bộ công đoàn là những người tâm huyết, có kỹ năng thì công đoàn cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ phía chủ DN.
Đồng quan điểm với chị Nguyễn Thị Vân Anh, bà Dương Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) T.P Thái Nguyên cho rằng, tổ chức công đoàn luôn đồng hành cùng DN, là cầu nối giữa chủ DN và người lao động. Tuy nhiên, việc phát triển CĐCS trong các DN ngoài quốc doanh đang gặp phải một số khó khăn. Từ năm 2009 đến nay, LĐLĐ thành phố mới vận động thành lập được 12 CĐCS, kết nạp 244 đoàn viên ở các DN ngoài quốc doanh. Số CĐCS thành lập mới nói trên đã nâng số CĐCS trong khu vực này lên 60 đơn vị, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số 1.671 DN ngoài quốc doanh trên địa bàn thành phố và cách khá xa mục tiêu thành lập mới 35 CĐCS, kết nạp 1.500 đoàn viên tại các DN này vào năm 2013. Đó là chưa nói đến, trong số 60 CĐCS đã thành lập, có 9 đơn vị không hoạt động từ nhiều năm nay, đang được đề nghị giải thể. Điều này đã ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Bà Hằng cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhận thức của chủ DN và người lao động về vai trò của tổ chức công đoàn còn nhiều hạn chế.
Tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với một số lãnh đạo DN ngoài quốc doanh, trong đó có một DN vận tải lớn trên địa bàn (xin được giấu tên) thường xuyên sử dụng trên 200 lao động. Giám đốc DN này cho biết, DN đã thành lập tổ chức công đoàn từ năm 2002, song do không phát triển được đoàn viên và cán bộ nòng cốt nên hiện nay tổ chức công đoàn của công ty “chỉ còn trên giấy tờ”, đang được LĐLĐ thành phố đề nghị giải thể. Chủ DN này cũng thẳng thắn chia sẻ, với mức thu kinh phí công đoàn như hiện nay là 2% quỹ tiền lương, tiền công và phụ cấp phải trả cho người lao động, DN sẽ tiết kiệm được một khoản chi tương đối nếu không có tổ chức công đoàn, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Đây cũng chính là suy nghĩ của nhiều chủ DN ngoài quốc doanh. Họ không mặn mà với việc thành lập công đoàn vì cho rằng như vậy sẽ làm tăng thêm chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN do phải trích kinh phí cho các hoạt động công đoàn.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS (LĐLĐ tỉnh), cùng với nguyên nhân về nhận thức, có một thực tế là đa số các DN hiện nay vẫn chỉ ký hợp đồng ngắn hạn hoặc có thời hạn từ 3 đến 6 tháng với người lao động. Số lượng lao động có hợp đồng từ 12 tháng trở lên rất ít. Điều đó làm cho đa số người lao động chưa thực sự yên tâm làm việc lâu dài tại một DN. Họ luôn có suy nghĩ muốn chuyển sang DN khác với mức thu nhập cao hơn, nếu có cơ hội. Bên cạnh đó, một số DN tuy có số lượng nhân công lớn nhưng không ổn định, chủ yếu là lao động theo hợp đồng vụ việc hoặc thời vụ. Một số DN khác có lao động theo hợp đồng dài hạn nhưng chủ yếu là người trong gia đình nên vẫn không thể thành lập được CĐCS. Đây là thực tế khá phổ biến ở các DN có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ, thường sử dụng trên dưới 5 lao động. Đối với các DN đã có CĐCS, đại bộ phận cán bộ công đoàn là người lao động trong DN nên còn ngại va chạm với chủ DN trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, chưa phát huy được hết trách nhiệm của mình theo quy định. Thêm nữa, hiện nay hầu hết cán bộ công đoàn đều kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian để phục vụ cho hoạt động của CĐCS. Ngoài ra, vẫn còn một số CĐCS chưa được trang bị các phương tiện, điều kiện làm việc theo quy định của Luật Lao động… Số lượng DN ngoài quốc doanh có tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả chủ yếu là các DN cổ phần, được chuyển đổi từ các DN Nhà nước trước đây.
Từ thực tế trên thiết nghĩ, để CĐCS phát triển mạnh trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, nhiệm vụ của công đoàn, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS tại DN ngoài quốc doanh. Trong đó, CĐCS cần đóng vai trò chủ động hơn trong Thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, quan tâm hơn tới lao động thời vụ, góp phần giảm thiểu các tranh chấp lao động và đình công. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để phát triển tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần sớm ban hành chế tài xử lý các DN ngoài quốc doanh vi phạm Điều 153 (Luật Lao động): “Khi doanh nghiệp đang hoạt động và mới thành lập thì sau 6 tháng phải thành lập tổ chức công đoàn...” Có như vậy mới góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.