Với thuận lợi có nguồn tài nguyên phong phú như đá vôi, quặng thiếc, mỏ than Núi Hồng...vào những năm 1990-2005, các ngành nghề gia công cơ khí, kinh doanh dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, ngói)... ở xã Yên Lãng, Đại Từ đã thu hút hàng ngàn lao động từ các xã, huyện lân cận đổ về tìm việc. 5 năm trở lại đây, do nguồn tài nguyên khan hiếm dần, các lò gạch thủ công buộc phải phá bỏ do ô nhiễm môi trường… người dân địa phương đã chuyển đổi sang phát triển cây chè và kinh tế đồi rừng...
Chúng tôi đến xóm Yên Từ, nơi được đánh giá là xóm tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Xóm Yên Từ nằm dưới chân Đèo Khế. Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu về cuộc sống của người dân trong xóm, ông Nguyễn Ngọc Dĩnh, Trưởng xóm Yên Từ cho biết: Yên Từ là xóm được thành lập từ năm 1963, dân cư chủ yếu là người Hà Nam lên làm kinh tế mới. Do đây là vùng đồi thấp, lại có nguồn nước tự chảy từ dãy núi Tam Đảo về nên người dân có nhiều thuận lợi trong phát triển cây chè. Xóm Yên Từ hiện có gần 73 hộ chuyên sản xuất chè với tổng diện tích chè của toàn xóm là 50ha. Vài ba năm trở lại đây, người dân trong xóm đã mạnh dạn đưa một số giống chè cao sản vào trồng như: TRI777, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên... với diện tích khoảng 5ha. Nhờ xác định được loại cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nên nhiều hộ đã không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu hiện xóm chỉ còn 3 hộ nghèo... Ông Nguyễn Quang Tuyên, một trong những hộ dân có diện tích chè cành nhiều nhất xóm Yên Từ cho hay: Gia đình tôi có 19 sào chè LDP1. Giống chè LDP1 sinh trưởng khoẻ, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt chịu được khô hạn, sớm cho năng suất cao (gấp 2 lần so với chè trung du), chất lượng khá. Với diện tích chè LDP1 trên, mỗi năm cho gia đình thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm...
Cùng với xóm Yên Từ, một số xóm khác như Khuôn Nanh, Cầu Trà, Khuôn Muống... cũng tích cực chuyển đổi, cải tạo những chân ruộng một vụ, những diện tích đồi rừng cho hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang trồng chè. Năm 2003, người dân Yên Lãng bắt đầu đưa giống chè cành vào trồng với diện tích chỉ khoảng 2 ha. Sau 3 năm, thấy hiệu quả từ chè cành cao gấp 3 lần so với chè giống cũ nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn phá bỏ chè hạt chuyển sang trồng chè cành với những giống: LDP1, TRI 777, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên… Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thâm canh, cải tạo, đưa những giống chè cao sản vào trồng, đến nay toàn xã có gần 170ha chè, trong đó có trên 40ha chè cành. Năng suất chè của Yên Lãng từ chỗ chỉ đạt 50tạ/ha (năm 2000) đến nay đạt bình quân 90 tạ/ha, sản lượng đạt trên 11 nghìn tấn búp tươi/năm.
Ngoài việc khuyến cáo người dân đưa giống chè mới vào trồng, xã Yên Lãng còn quan tâm, khuyến khích các hộ dân đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Để tạo điều kiện cho người dân có vốn đầu tư, chính quyền xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện cho nông dân vay vốn. Từ "kênh vay vốn" này, đến nay, tổng dư nợ của các hộ dân tại 2 ngân hàng trên lên tới gần 20 tỷ đồng. Không chỉ tạo điều kiện cho nông dân vay vốn, mỗi năm, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức khoảng 60 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân. Sau khi được tập huấn, người nông dân đã từng bước thay đổi tập quán thâm canh, tuân thủ kỹ thuật chăm bón, thu hái và chế biến chè đảm bảo theo quy trình, tạo ra những sản phẩm chè ngon nổi tiếng.
Song song với phát triển cây chè, những xóm vùng ven chân dãy núi Hồng như Đèo Xá, Đồng Ao, Đồng Trãng, Mới, Đầm Làng... còn tập trung phát triển kinh tế đồi rừng. Đến gia đình ông Nguyễn Hữu Nam, xóm Hoà Bình, một trong những hộ dân có nhận thức nhanh nhạy về nguồn lợi do kinh tế rừng mang lại, chúng tôi được biết: Năm 2000, trong khi người dân vùng này còn rủ nhau đi làm gạch, khai thác mỏ than, thì gia đình ông đã lặng lẽ đầu tư mua đất và trồng hơn 40ha keo lai. Khi đó, ai cũng bảo ông là “điên”. Sau đó 7-8 năm, gia đình ông được khai thác toàn bộ diện tích gỗ này, sau khi trừ chi phí, con số lãi thu về lên tới hàng trăm triệu đồng khiến bà con chòm xóm tấm tắc khen “ông Nam giỏi đi trước thời đại”...
Hàng năm, xã Yên Lãng đều hoàn thành việc trồng mới, trồng lại rừng theo kế hoạch huyện giao (có những năm vượt chỉ tiêu từ 25ha đến 112ha rừng). Đến nay, toàn xã có 1 nghìn ha rừng sản xuất với giống cây trồng chủ yếu là cây keo lai. Qua trao đổi với một số hộ dân trồng rừng, chúng tôi được biết, ngoài ưu điểm có thời gian trồng ngắn từ 7-8 năm, cây keo lai còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà dưới tán rừng, người dân còn có thể tận dụng để chăn nuôi trâu, bò, dê…
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Triệu Quang Đại, Chủ tịch UBND xã Yên Lãng cho biết: Những năm gần đây, nhờ phát triển kinh tế vườn đồi đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho các lao động địa phương. Hiện nay có rất nhiều hộ dân mong muốn được các cơ quan chuyên môn về tổ chức tập huấn, đưa KHKT chuyên sâu về trồng, chăm sóc, chế biến chè để người dân tham gia. Đồng thời, đề nghị Nhà nước tiếp tục có những cơ chế, chính sách về nguồn vốn giúp người dân được tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế hộ...