Mặc dù đã thực hiện xong các công đoạn như: rà soát số lao động nông thôn trên địa bàn; tổ chức đăng ký cho lao động học nghề theo nhu cầu; lập kế hoạch đào tạo nghề…nhưng hiện xã Tân Thái (Đại Từ) vẫn còn lúng túng trong việc đào tạo nghề gì cho người lao động trong xã để góp phần phát triển bền vững.
Là xã nằm trong vùng bán ngập nên người dân Tân Thái rất thiếu tư liệu sản xuất, nhất là khi cơ quan chức năng cấm hoạt động khai thác vật liệu xây dựng, hạn chế đánh bắt thủy sản trên hồ Núi Cốc. Đặc biệt, để phát huy tối đa nguồn lợi về nước tưới, nước sinh hoạt, du lịch, môi trường… hồ Núi Cốc sẽ được dâng mức nước lên điểm có 46,25m trong thời gian tới nên nguy cơ 20ha đất canh tác nông nghiệp mà người dân xã Tân Thái vẫn tận dụng để cấy lúa, trồng mầu lại bị ngập sâu dưới nước (toàn xã chỉ còn lại 27,8ha đất canh tác nông nghiệp chia cho trên 3.800 nhân khẩu của xã). Trong đó, có 60 hộ dân ở xóm Đồng Tiến của xã Tân Thái sẽ hết đất canh tác và nhiều hộ phải di chuyển khỏi nơi ở hiện tại vì nước dâng cao. Đồng chí Đặng Ngọc Thể, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Tiến cho biết: “Nghe thông tin nước hồ Núi Cốc sẽ dâng lên trên cos 46,25m nên nhiều hộ trong xóm không dám cải tạo, canh tác diện tích đất nguy cơ bị ngập. Thiếu việc làm nên 150 người trong độ tuổi lao động của xóm phải đi làm ăn ở tỉnh ngoài…”. Do vậy, khi triển khai thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào nghề miễn phí cho lao động nông thôn, cấp ủy, chính quyền xã Tân Thái hy vọng đây là giải pháp số một để tạo việc làm tại chỗ cho nhân dân địa phương nên các cấp, ngành của xã đã tích cực triển khai. Ban Công tác Mặt trận của 9 xóm trong xã đã phối hợp với cán bộ chuyên môn của xã tiến hành tuyên truyền tới nhân dân về chủ trương học nghề, thống kê toàn bộ số người trong độ tuổi lao động; tổ chức cho người lao động đăng ký học nghề theo nhu cầu và lập phương án đào tạo nghề tại chỗ…
Tuy nhiên, điều băn khoăn của lãnh đạo xã Tân Thái hiện nay chính là sau khi đã được đào tạo nghề, người dân Tân Thái có phát huy được nghề mới để tạo việc làm, nâng cao thu nhập hay không? Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Thái Phạm Hữu Đào trao đổi với chúng tôi về vấn đề này cho biết: “Bước đầu người dân trong xã đăng ký học nghề nuôi trồng thủy sản, phát triển lâm nghiệp và nghề cơ khí nhưng chúng tôi rất lo vì trong xã đã có vài xưởng gia công cơ khí nên mở thêm sẽ có nguy cơ dư thừa; nghề nuôi trồng thủy sản thì trên 60ha ao, hồ nằm trên địa bàn lại thuộc quyền quản lý của Trạm Thủy sản; phát triển kinh tế lâm nghiệp lại vướng do trên 1.937ha đất lâm nghiệp của xã được quy hoạch làm rừng phòng hộ!”. Để giải quyết việc làm cho người dân địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Tân Thái đã tạo điều kiện về thủ tục, quỹ đất cho một số hộ dân trong xã góp vốn, tư liệu sản xuất để thành lập HTX làm nấm, HTX chuyên thêu ren, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 50 nghìn/ngày công. Nhưng việc mở rộng quy mô sản xuất của 2 HTX trên để tạo thêm việc làm cho người lao động trong thời điểm này cũng khó bởi sản phẩm thêu ren mới dừng ở công đoạn sơ chế, thị trường tiêu thụ bị bó hẹp, phụ thuộc vào các làng nghề ở Hà Nội; sản phẩm nấm lại chưa được đầu tư đồng bộ về khâu chế biến…
Nhìn nhận rõ những khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nên cấp ủy, chính quyền xã Tân Thái cũng đã đưa ra một số giải pháp như: Tiếp tục đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động của 2 HTX để hoàn thiện sản phẩm thêu ren, chế biến nấm tươi thành thực phẩm khô; kiến nghị với cấp trên thu hồi 1 phần diện tích ao, hồ mà Trạm Thủy sản sử dụng kém hiệu quả giao về cho xã quản lý để phân lại cho các hộ có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản; xây dựng khu chợ Tân Thái mới gần với khu du lịch Núi Cốc để phát triển dịch vụ. Vẫn theo đồng Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã những giải pháp trên nêu không có sự giúp đỡ của UBND huyện, UBND tỉnh thì địa phương không thể làm được vì việc thu hồi một phần diện tích ao, hồ của Trạm Thủy sản đã được địa phương kiến nghị nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết; thiếu kinh phí, giáo viên nên việc nâng cao tay nghề cho lao động của 2 HTX sẽ khó thực hiện.
Qua thực tế công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tân Thái cho thấy đây là chính sách đúng, phù hợp với nhu cầu, thực tế phát triển của địa phương nhưng nếu không được tổ chức bài bản, có sự giúp đỡ, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng ngay từ đầu thì dễ rơi vào tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, mang tính phong trào, hiệu quả đem lại không cao.