Nước xa không cứu được lửa gần

08:14, 08/06/2011

Lực lượng chữa cháy hữu hiệu và cơ động nhất vẫn là lực lượng PCCC tại chỗ vì lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp ở xa, nhiều khi đến được hiện trường ngọn lửa đã thiêu rụi hết. Do đó, PCCC tại chỗ trong các doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc và vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều doanh nghiệp công tác PCCC tại chỗ vẫn còn nhiều hạn chế, nên khi gặp hỏa hoạn thường ở tình trạng “nước xa không cứu được lửa gần”…

 

Tháng 12-2010 và 5 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 26 vụ cháy làm chết 1 người, tổng thiệt hại tài sản ước tính lên đến 75 tỷ đồng. Trong đó, xảy ra cháy tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh là 15 vụ, chiếm 58% và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa quan tâm đầu tư đúng mức, chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn PCCC; do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt hoá lỏng. Đặc biệt, số vụ cháy do sử dụng điện, sự cố hệ thống điện và thiết bị điện chiếm tỷ lệ cao với gần 47%.

 

Vụ cháy tại Nhà máy may TNG Sông Công thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Khu Công nghiệp Sông Công) vừa qua vẫn đang gây xôn xao dư luận. Trong vòng hơn 3 giờ, từ khi phát hiện cháy hồi 20 giờ 15 phút cho tới khi dập tắt hoàn toàn vào 23 giờ 30 phút ngày 27-5-2011, 1 trong 6 kho thành phẩm của TNG và 3,7 nghìn m2 nhà xưởng đã bị thiêu rụi, thiệt hại ước tính lên tới 74 tỷ đồng. Đây là mức thiệt hại rất lớn nếu so sánh với vốn điều lệ của TNG 134,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế năm 2010 trên 24 tỷ đồng. Thời điểm này, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vụ cháy, nhưng có một bất cập đã bộc lộ ngay khiến nhiều doanh nghiệp phải giật mình. Đó là hiện nay Khu công nghiệp này không có lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tại chỗ nên hoàn toàn không có khả năng ứng phó nhanh với hỏa hoạn. Trong khi đó, theo điều 21 Luật Phòng Cháy chữa cháy quy định: “Tại đặc khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao phải thành lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên trách; phải có phương án phòng cháy và chữa cháy cho toàn khu”. Trong trường hợp của TNG, phải chờ tới 25 phút sau khi báo cháy, xe cứu hỏa của Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh mới tới được - nơi doanh nghiệp đứng chân. Trong khi đó, lực lượng PCCC tại chỗ lại lúng túng: không tìm thấy ngay chìa khóa kho, xưởng; chưa thuần thục trong các động tác chữa cháy nên ngọn lửa có cơ hội lan rộng.

 

Tiếp tục về các vụ cháy xảy ra trong các đơn vị kinh doanh, vào khoảng 17h ngày 27-4-2011, tại phân xưởng XEO II, Công ty cổ phần Giấy xuất khẩu Thái Nguyên đã xảy ra hỏa hoạn. Đây là công ty chuyên sản xuất giấy vàng mã, xuất khẩu sang Đài Loan. Kho hàng bị cháy có diện tích khoảng 150m2, chứa đầy giấy cuộn chất chồng lên nhau. Sau khi nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã có mặt để khống chế ngọn lửa. Tuy nhiên, do cháy âm ỉ trong các kiện giấy, phần mái bằng tấm lợp của kho đã bị sập cùng với đó là trời tối nên rất khó khăn cho việc dập lửa. Cho tới 23h cùng ngày, lực lượng chữa cháy mới khống chế được ngọn lửa. Ước tính tổng thiệt hại 30 triệu đồng. Nguyên nhân của vụ cháy là do hệ thống điện trong nhà kho không đảm bảo an toàn nên xảy ra chập gây cháy. Cơ quan chức năng cho rằng, thiệt hại của vụ cháy sẽ được giảm thiểu nếu Công ty sắp xếp hàng hóa cẩn thận hơn, đảm bảo đúng khoảng cách an toàn PCCC.

 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3 nghìn doanh nghiệp. Theo thống kê, đa số các nhà xưởng của doanh nghiệp đều làm bằng sườn khung sắt, mái tôn, diện tích lớn, trong nhà xưởng có thiết kế cả kho chứa hàng, thậm chí cả văn phòng ở bên trong. Với kết cấu kiểu này, khi xảy ra cháy rất dễ lan rộng, gây ra hậu quả khó lường. Thượng tá Nguyễn Văn Chu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh cho biết: Thực trạng đáng lo lắng là lực lượng PCCC tại các công ty, doanh nghiệp sản xuất lại chưa xứng tầm với quy mô sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi đó, một năm, cảnh sát PCCC chỉ được kiểm tra 4 lần đối với một cơ sở. Hơn nữa, muốn đi kiểm tra, cảnh sát PCCC phải thông báo cho cơ sở đó trước 3 ngày nên vẫn còn các cơ sở đối phó với đoàn kiểm tra, thậm chí có doanh nghiệp kiểm tra xong thì đâu lại vào đấy. Thái độ vô trách nhiệm của các chủ cơ sở sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường nếu cháy, nổ xảy ra.

 

Kinh nghiệm cho thấy, PCCC tại chỗ tốt tức là trang bị đầy đủ phương tiện đầy đủ và có những phương án ứng phó, nhất là phương án PCCC tại chỗ kịp thời. Công tác tự kiểm tra (điều kiện an toàn, lực lượng, phương tiện PCCC) là quy định bắt buộc đối với người đứng đầu mỗi cơ sở. Đối với các cơ sở dễ gây nguy hiểm về cháy nổ mỗi tháng phải tự kiểm tra một lần. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không chấp hành nghiêm quy định này. Ví dụ như tại phân xưởng XEO II, Công ty cổ phần Giấy xuất khẩu Thái Nguyên. Khi quay trở lại phân xưởng này vào ngày 7-6-2011, chúng tôi nhận thấy, trong kho hàng xảy ra cháy ngày 27-4-2011 vẫn chất gần 300 cuộn giấy, mỗi cuộn nặng từ 60 đến 90kg kín lên tận nóc nhà kho và điều đáng nói là nhà kho này vẫn chưa được trang bị thiết bị chữa cháy tại chỗ. Tại khu in ấn bình xịt chữa cháy chỉ có 1 chiếc, lại bị giấy nguyên liệu che lấp, nếu xảy ra sự cố chắc khó tìm thấy và khó lấy ra. Rõ ràng công tác PCCC tại chỗ ở đây vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Như trường hợp của Công ty TNHH Hoàn Mỹ cũng tương tự như vậy. Khi đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác PCCC yêu cầu thử hệ thống cấp nước chữa cháy (trong đợt kiểm tra tháng 4-2011) đã phát hiện máy bơm dành cho hệ thống này không hoạt động được do bị cháy cầu chì, bình chữa cháy thì không hoạt động được, vật tư là giấy cuộn vẫn chất đầy ngay bên cạnh cầu dao điện không có nắp. Bên cạnh đó, lỗi thường mắc phải ở nhiều doanh nghiệp khác là bình chữa cháy cái thì để quá tầm tay với, cái thì để khuất trong góc xưởng không đúng với quy định "dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy". Thậm chí với một số doanh nghiệp bị xử phạt rồi vẫn không sửa chữa.

 

Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Đài Việt, địa chỉ tại phường Tân Long, T.P Thái Nguyên. Qua kiểm tra của Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh vào tháng 9-2010, các lỗi về an toàn PCCC của Công ty là 3/10 bình khí không đảm bảo chất lượng; còn dùng dây điện trần trong khu xưởng, nhà kho, cầu dao điện không có nắp; hàng hóa, vật tư sắp xếp lộn xộn, không đảm bảo khoảng cách, vượt quá trữ lượng cho phép; vật tư là giấy chất cao ngay dưới đường dây điện trần. Đến lần kiểm tra thứ 2 vào ngày 30-11-2010, Công ty mới khắc phục được lỗi về các bình khí, còn các lỗi khác về điện vẫn còn nguyên. Đến lần kiểm tra thứ 3 vào ngày 5-1-2011, và lần kiểm tra thứ 4 vào ngày 5-5-2011, mặc dù bị xử phạt nhưng Công ty vẫn chủ quan, chưa khắc phục các lỗi về PCCC như trên.

 

Thượng tá Nguyễn Văn Chu cho rằng: Trong điều kiện phương tiện, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh còn "mỏng", cơ động chữa cháy khó khăn như hiện nay thì trước hết các cơ sở phải chủ động có các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC tại chỗ, không được chủ quan, lơ là. Ông cũng khuyến cáo: Người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị… phải tăng cường chỉ đạo bảo đảm an toàn PCCC tại chỗ cho cơ sở của mình, thường xuyên nhắc nhở các thành viên thận trọng trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị tiêu thụ điện, chấp hành nghiêm các quy định về PCCC; hướng dẫn việc báo cháy, chữa cháy cho người lao động và cán bộ, nhân viên; sẵn sàng lực lượng, phương tiện PCCC tại chỗ, tăng cường tuần tra… để phát hiện, dập tắt đám cháy kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.