Siết chặt thực hiện cắt giảm chi tiêu công

15:06, 11/06/2011

Cắt giảm chi tiêu công là một trong những yêu cầu của Chính phủ trong nội dung Nghị quyết về nhóm những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Định Hóa đã và đang chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ, siết chặt việc cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong dự toán ngân sách 9 tháng năm 2011.

 

Theo dự toán ngân sách của năm 2011, phần chi thường xuyên của Định Hóa là 32 tỷ đồng, 10% phải cắt giảm từ tháng 4 đến tháng 12 (tính bình quân) theo Nghị quyết là 2,4 tỷ đồng. Ông Nguyễn Minh Tú, Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện cho biết: Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cấp trên, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện xác định cụ thể số phải cắt giảm 10% của các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn. Ngoài các khoản chi giữ nguyên mức dự toán từ đầu năm như: lương, phụ cấp có tính chất lương, chi khác cho người lao động theo chế độ… thì những nội dung được các đơn vị tập trung cắt giảm là chi phí cho tổ chức hội nghị, tiếp khách, hạn chế sử dụng điện thắp sáng, điện thoại cơ quan, công tác phí… Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước Định Hóa - đơn vị trực tiếp quản lý nguồn ngân sách Nhà nước của các cơ quan, đơn vị đã tăng cường kiểm soát việc chi tiêu công, kiên quyết không chi những khoản vượt định mức, tiêu chuẩn theo quy định: hạn chế những khoản chi chưa thực sự cần thiết nhằm thực hiện tốt mục tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên.

 

Sau hơn 3 tháng Định Hóa thực hiện cắt giảm chi tiêu thường xuyên, hiệu quả thiết thực mà công tác này đem lại không chỉ dừng lại ở số tiền ngân sách tiết kiệm được mà quan trọng hơn đã bước đầu hình thành được thói quen chi tiêu công, sử dụng các thiết bị tập thể một cách khoa học, tiết kiệm ở các đơn vị. Cụ thể như: Hệ thống đèn điện chiếu sáng công cộng, đèn điện tại các sân thể thao, khu vực trụ sở Huyện ủy, UBND, Nhà thiếu nhi… đều đã được huyện thực hiện tắt luân phiên một nửa số lượng đèn, rút ngắn thời gian chiếu sáng, do đó đã hạn chế điện năng tiêu thụ. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị kết hợp, lồng ghép tổ chức các hội nghị, tổng kết, kỷ niệm ngày thành lập trong cùng một ngày để tiết kiệm chi phí tổ chức hội nghị. Các khoản chi mua sắm trang thiết bị không thật sự cần thiết đã được dừng lại. Các cơ quan đơn vị cũng ký cam kết tiết kiệm điện từ 10% đến 15% so với cùng kỳ năm trước…

           

Tại mỗi cơ quan, ban ngành đều đã triển khai những hoạt động tiết kiệm cụ thể, phù hợp với đặc thù của đơn vị mình. Tại Phòng Giáo dục – Đào tạo (GD- ĐT) huyện, kế hoạch cắt giảm chi tiêu là 530 triệu đồng cũng đang tích cực thực hiện bằng việc tiết kiệm điện nước, các loại giấy tờ, văn phòng phẩm.... Ông  Thái Văn Cương, Trưởng Phòng GD - ĐT huyện cho biết: “Trong số ngân sách phải cắt giảm, khu vực quản lý hành chính phải cắt giảm 20 triệu đồng, các trường học trực thuộc Phòng là 510 triệu đồng. Việc cắt giảm 10% chi tiêu đã được chúng tôi cân nhắc kỹ, điều chỉnh cho phù hợp bởi hầu hết chi tiêu này của các trường đã ở trong “khung cứng” không thể tiết kiệm thêm. Với đơn vị hành chính, nếu như trước kia việc thông báo lịch công tác đến các trường chủ yếu thực hiện bằng điện thoại hoặc công văn thì nay chúng tôi đã quán triệt thông báo trên trang web của phòng, các trường chủ động nắm lịch và thực hiện. Bên cạnh đó, những chi phí về điện thoại, công tác phí đã được Phòng khoán trực tiếp theo tháng cho từng cá nhân để nâng cao trách nhiệm về tiết kiệm. Bản thân với lãnh đạo của Phòng, nếu như trước kia các cuộc họp ở tỉnh đều sử dụng xe ô tô cơ quan thì nay chúng tôi chủ động đi xe bus cho tiết kiệm”. Đối với văn phòng Huyện ủy, UBND huyện, tiền chi tiêu thường xuyên chủ yếu tập tập trung vào các văn bản và công văn đến các cơ quan, đơn vị. Cắt giảm 72 triệu đồng chi tiêu thường xuyên của 2 đơn vị này được thực hiện thông qua việc tăng cường sử dụng thư điện tử, các loại văn bản trước đây thường in 1 mặt nay đều được in 2 mặt để giảm một nửa lượng giấy.

           

Tiết giảm chi tiêu thường xuyên cũng tạo thành một nét văn hóa mới trong các các hoạt động, sinh hoạt tập thể ở cấp xã, thị trấn ở Định Hóa. Ông Hứa Văn Đặng, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: “Chúng tôi chủ yếu thực hiện tiết kiệm chi tiêu thông qua các buổi hội nghị, giao ban. Nếu như trước kia hầu hết các cuộc họp, giao ban có thành phần là đại diện các xóm, bản, xã đều tổ chức ăn cơm, số tiền phải chi cho mỗi suất cơm ít nhất cũng 50 nghìn đồng, nay chúng tôi hỗ trợ trực tiếp cho mỗi đại biểu dự họp từ 20 đến 30 nghìn đồng, nhằm hỗ trợ tiền xăng xe. Các buổi hội nghị bắt buộc phải tổ chức ăn cơm, xã thực hiện không uống rượu bia, qua đó vừa thực hành tiết kiệm, vừa đảm bảo hiệu quả công việc”. Với xã Bảo Cường, sau khi Nghị quyết được triển khai, xã đã xây dựng kế hoạch hoãn sửa chữa, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng không mang tính cấp thiết để tập trung vốn để đẩy mạnh các công trình phục vụ cho công tác phòng, chống lụt bão, cải tạo đường giao thông nông thôn. Trong năm nay, Bảo Cường đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện giảm trên 20 triệu đồng từ chi phí điện, xăng dầu, mua sắm tài sản…

           

Bằng nhiều hình thức và cách làm phù hợp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Định Hóa đang tích cực thực hiện cắt giảm chi tiêu thường xuyên theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Kinh nghiệm ở Định Hóa cho thấy, việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên mục đích cuối cùng phải là đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo tốt cho cuộc sống của người dân.