Gần 70 hộ dân ở vùng lòng hồ Ghềnh Chè thuộc xã Bình Sơn (T.X Sông Công) được di chuyển tới khu tái định thuộc Dự án “Ổn định dân cư vùng lòng hồ Ghềnh Chè” từ tháng 10-2010. Tuy nhiên, đến gần hết tháng 6-2011, Khu tái định cư mới này vẫn chưa đủ điều kiện để đảm bảo sinh hoạt thường ngày của người dân. Vì thế, hiện tại cả khu tái định cư này mới chỉ có 14/64 hộ dân đã xây được nhà còn sinh sống tại đây
Thoát đời bán ngập…
Hồ Ghềnh Chè có diện tích 90ha, đây là nguồn nước chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của xã Bình Sơn. Mấy năm gần đây, nước hồ dâng cao làm ảnh hưởng đến cuộc sống của 139 hộ dân ở 6 xóm: Kim Long 1, Kim Long 2, Tiền Tiến, Lát Đá, Khe Lim và Tân Sơn của xã Bình Sơn. Hầu hết các hộ dân ở 6 xóm này đều là hộ nghèo, thu nhập chủ yếu từ sản xuất độc canh cây chè và không có khả năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến mùa mưa, các hộ dân hầu như bị cô lập, phương tiện đi lại duy nhất của họ là thuyền nhỏ tự chế. Trung bình mỗi năm có 2 người thiệt mạng vì chết đuối, chủ yếu do bị lật thuyền. Bên cạnh đó, nước hồ dâng cao cũng khiến 70 hộ dân thường xuyên bị ngập nhà, gần 50ha đất nông nghiệp bị ngập khiến năng suất và chất lượng cây chè bị giảm sút. Vì thế cuộc sống của người dân ở đây gặp nhiều khó khăn, không yên tâm phát triển sản xuất.
Đến tháng 12 - 2008, người dân thuộc 6 xóm trên hết sức vui mừng khi UBND tỉnh có UBND tỉnh có Quyết định số 3098/QĐ-UBND phê duyệt Dự án “Ổn định dân cư vùng lòng hồ Ghềnh Chè xã Bình Sơn, T.X Sông Công”. Tổng kinh phí của Dự án là trên 25,8 tỷ đồng, thực hiện trên địa bàn 6 xóm với 139 hộ dân là đối tượng đặc biệt khó khăn và có nguy cơ cao về thiên tai được hưởng lợi. Trong đó, 70 hộ dân thường bị ngập nhà được di dời và cấp khoảng 400m2 đất/hộ tại Khu tái định cư tập trung ở xóm Trung Tâm, xã Bình Sơn; 69 hộ còn lại được sắp xếp ổn định đời sống tại chỗ. Đất canh tác của các hộ dân phải di dời trong khu vực lòng hồ vẫn giữ nguyên, các hộ vẫn có thế canh tác bình thường.
Tìm về khu vực lòng hồ Ghềnh Chè để ghi nhận niềm vui của người dân ở đây, chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi với anh Ngô Mạnh Hưởng, ở xóm Tiền Tiến. Gia đình anh Hưởng đã sống ở khu vực hồ Ghềnh Chè gần 20 năm. Một mình nhà anh ở trên 1 đảo rộng chừng 1 nghìn m2 cô độc giữa lòng hồ. Phương tiện đi lại phụ thuộc vào con thuyền tự chế khiến gia đình anh ít có điều kiện tiếp xúc với hàng xóm và cuộc sống hiện đại. Anh cho biết, mình phải chèo thuyền đưa, đón con đi học tại trường THPT ở thị xã, ngày nào con trai anh cũng phải 8 giờ tối mới về đến nhà. Mong ước được chuyển đến nơi ở khác để an tâm sinh sống, nhưng vì còn nghèo nên anh và gia đình đành chấp nhận sống gần 20 năm nay ở đây. Được tiếp cận và tham gia Dự án là một niềm vui lớn đối với anh.
Tháng 8-2010, khu tái định cư đã xây dựng xong với đường bê tông phẳng phiu, nhà văn hoá rộng rãi, trạm biến áp, cột điện, giếng khoan và téc nước sinh hoạt… được bàn giao cho xã Bình Sơn. Từ tháng 10-2010, 65 hộ dân đã được chuyển ra nơi ở mới theo Quyết định số 1719/QĐ-UBND và số 2088/QĐ-UBND của UBND thị xã. Tuy các hộ đều thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng họ vẫn tìm mọi cách vay mượn của anh em, các chương trình vay vốn cho hộ nghèo để có đủ tiền xây nhà, thậm chí có một số hộ còn phải dừng lại vài lần vì chưa đủ tiền xây dựng tiếp. Đến tháng 2 năm nay, những ngôi nhà cuối cùng trong 65 ngôi nhà cấp 4 đã được xây dựng xong. Người dân vui như mở cờ trong bụng vì đã thoát được cảnh sống trong vùng bán ngập, từ nay đã có thể an cư lập nghiệp. Thế nhưng…
Vẫn chưa thể an cư
Chúng tôi đến khu tái định cư vào một ngày cuối tháng 6-2011. Cả khu tái định cư nóng hầm hập chỉ có những ngôi nhà lợp proximăng, không hề có cây xanh. Theo quan sát của chúng tôi, đa phần những ngôi nhà đều khoá kín cửa. Vào ngôi nhà mở cửa đầu tiên, chỉ có bà Đỗ Thị Sinh và một đứa cháu ở nhà. Bà Sinh cho biết, 64/65 hộ được di dân đã xây xong nhà từ lâu, nhưng chỉ có 14 hộ còn ở lại khu tái định cư vì ở đây chưa có nước sinh hoạt. Không có nước sinh hoạt, một số hộ dân ở đây đành khắc phục bằng cách vay mượn tiền thuê người khoan giếng. Như gia đình ông Nguyễn Khắc Cẩn ở giữa khu tái định cư đã phải bỏ ra trên 4 triệu đồng để khoan giếng.
Bên cạnh đó, một số hộ dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn do chưa có điện. Gia đình chị Lê Thị Thục đành phải cắm điện nhờ bên hàng xóm và trả mỗi số điện là 4 nghìn đồng (dù đã hoàn tất thủ tục xin được cấp điện với Chi nhánh điện Sông Công từ 2 tháng trước). Chị cho biết: “Gia đình tôi phải tiết kiệm hết mức, chỉ thắp 1 bóng điện cho cháu học mà mỗi tháng vẫn phải trả 90 nghìn đồng tiền điện. Thiếu điện, thiếu nước, gia đình tôi đành về ở tạm nhà cũ trong lòng hồ sau khi ra ở khu tái định cư được 2 tháng, chờ khi nào có điện, nước thì lại chuyển ra”.
Trao đổi với chúng tôi về lí do khu tái định cư chưa có nước sinh hoạt, ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho rằng công trình nước sinh hoạt khu tái định cư đã được chủ đầu tư thi công hoàn chỉnh tuy nhiên do chưa được cấp điện nên trạm bơm chưa thể hoạt động và người dân chưa có nước sinh hoạt. Ông Quang cho rằng, trách nhiệm trong việc này thuộc về chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh.
Tiếp tục tìm câu trả lời, chúng tôi đến Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hợp, Chi cục trưởng cho biết: Đối với công trình nước sạch chúng tôi đã chỉ đạo thi công xong và bàn giao cho xã Bình Sơn từ cuối năm 2010. Khi nghiệm thu, công trình đã được chạy thử nghiệm thành công nhơ nguồn điện từ máy phát điện. Việc đóng điện và vận hành hoạt động của trạm bơm thuộc trách nhiệm của xã Bình Sơn. Để rõ hơn sự việc, ông Hợp đề nghị chúng tôi về lại Bình Sơn để làm việc với lãnh đạo xã. Tại cuộc làm việc này, ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND xã thừa nhận việc đóng điện và vận hành hệ thống cấp nước thuộc trách nhiệm xã Bình Sơn. Tuy nhiên, ông Quang cho rằng Chi nhánh điện Sông Công vẫn chưa cung cấp đường điện theo đề nghị của xã. Ông Quang cũng cho biết, xã đã nộp hồ sơ cho Chi nhánh điện Sông Công từ tháng 5-2011. Mặc dù vậy, đại diện Chi nhánh đã trả lời ông Nguyễn Văn Hợp rằng đến thời điểm cuối tháng 6 Chi nhánh vẫn chưa nhận được hồ sơ yêu cầu cấp điện cho công trình nước sạch khu tái định cư hồ Ghềnh Chè.
Mặc dù chỉ cách trụ sở UBND xã Bình Sơn vài trăm mét nhưng đến nay các hộ dân ở khu tái định cư vẫn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, điện thì nhà có nhà chưa. Do vậy nhiều hộ đành… khóa cửa nhà ở khu tái định cư, quay về sống tại nhà cũ. Trước thực trạng trên, đề nghị các cấp chính quyền ở T.X Sông Công, các cơ quan chức năng sớm khắc phục khó khăn để ổn định đời sống cho người dân ở khu tái định cư.