Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ đã yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20%, trần lãi suất huy động cũng được nâng lên mức 14%/năm... Việc thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ nói trên làm cho nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng (NH).
Nhiều DN khó tiếp cận nguồn vốn
Để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế về nhu cầu vốn tại một số DN, trong đó có một Công ty TNHH tại T.P Thái Nguyên (xin được giấu tên) chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Hiện DN này đang gặp rất nhiều khó khăn, gần như không còn hoạt động từ tháng 2 đến nay, chuẩn bị tuyên bố phá sản. Chủ DN cho rằng, họ đang phải chịu “tác động kép” vì vừa là chủ nợ của chủ đầu tư, vừa phải trả lãi vốn vay cho ngân hàng, trong khi các dự án xây dựng được thi công dài ngày, vốn đầu tư lớn, chi phí nhân công, vật liệu xây dựng có nhiều biến động. Hiện nay, một số hạng mục công trình do DN thi công đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chậm quyết toán, trong khi lãi suất ngân hàng vẫn phải trả, “đội” thêm chi phí cho DN, làm lợi nhuận giảm, thậm chí thua lỗ. Thêm vào đó, do vốn tự có của DN “mỏng” nên không thể tiếp tục tham gia thi công các công trình khác. Cũng vì vậy mà việc tiếp tục vay vốn NH đối với DN lúc này là không thể. Chủ DN này cũng cho rằng, vốn sản xuất chính là vấn đề “cốt tử” hiện nay đối với DN...
Được biết, hiện nay DN vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh ta chiếm 98% trong tổng số gần 3.000 DN đang hoạt động, ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Thế nhưng hầu hết các DN này còn hoạt động ở quy mô nhỏ, vốn tự có ít, phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay NH; khả năng quản lý, điều hành còn hạn chế... Thời gian qua, giá các yếu tố đầu vào tăng mạnh khiến nhiều DN vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ liên tiếp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhiều DN đứng trước nguy cơ bị phá sản. Thêm vào đó, mức trần lãi suất huy động theo quy định của NH Nhà nước đối với các NH thương mại là 14%/năm, lãi suất cho vay tương ứng với khoảng từ 17 đến 18%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, một số NH đã bằng nhiều biện pháp “phá rào”, nâng mức lãi suất huy động thực tế lên từ 15 đến 19%/năm (tuỳ thời điểm và số lượng tiền gửi). Lãi suất huy động vượt trần cho phép khiến lãi suất cho vay thực tế được nâng lên từ 20 đến 22%/năm. Một số NH còn tự đặt ra nhiều loại phí khiến mức lãi suất thực tế đối với nguồn vốn các DN vừa và nhỏ phải vay lên đến 30%. Với mức lãi suất cho vay cao như vậy, các DN khó có thể làm ăn có lãi trong điều kiện kinh tế bình thường chứ chưa nói vào thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Thực tế này đang ảnh hưởng đến các DN thực sự cần vay vốn. Bên cạnh lãi suất cao, nhiều DN vừa và nhỏ trên địa bàn cũng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, NH. Bởi lẽ, các DN chưa đáp ứng đủ những điều kiện cho vay khắt khe, thường chỉ có DN lớn mới đáp ứng được như tiềm lực tài chính đủ mạnh, tài sản thế chấp lớn, phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi; mặt khác các NH cũng phải khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng, hạn chế cho vay thông qua hạn mức tín dụng đã được thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.
Đẩy mạnh huy động vốn ngoài ngân hàng
Quyết tâm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã khẳng định sẽ kiên trì thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 11. Trong bối cảnh này, để tồn tại, các DN vừa và nhỏ phải tự “cứu mình” bằng cách sử dụng hiệu quả những đồng vốn đang có nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, tích cực nâng cao khả năng nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường và giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, các DN cũng cần mạnh dạn đầu tư vào những lĩnh vực mới, nắm bắt cơ hội khi nước ta tái cấu trúc nền kinh tế... Đó là ý kiến của ông Vũ Ngọc Châu, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phụ tùng ô tô Sông Công, đơn vị đầu tiên ở tỉnh ta áp dụng thành công mô hình kỹ thuật đúc chi tiết công nghệ cao bằng khuôn đúc kim loại với tổng vốn đầu tư trên 7,1 tỷ đồng. Đây là lĩnh vực sản xuất mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh, lĩnh vực mà các DN vừa và nhỏ có nhiều lợi thế.
Trong khi các DN khó tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, NH thì kênh huy động vốn ngoài NH đang được nhiều DN quan tâm. Ông Bùi Xuân Dũng, Giám đốc DN tư nhân cơ khí Tân Lập cho rằng, bên cạnh nguồn vốn tự có, các DN vừa và nhỏ nên huy động vốn từ bạn bè, anh em, tránh phụ thuộc quá nhiều vào vốn NH. Hiện nay, DN tư nhân cơ khí Tân Lập có tổng dư nợ gần 2 tỷ đồng, trong đó nợ NH chỉ vào khoảng180 triệu đồng, số còn lại là nguồn vốn được huy động từ anh em, bạn bè. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, DN luôn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20%. Ông Dũng đánh giá, cách huy động vốn ngoài NH như DN của ông có nhiều ưu thế hơn hẳn so với việc vay vốn NH như: thỏa thuận đơn giản hơn, thời gian thanh toán nợ có thể thay đổi được một khi DN gặp khó khăn, trong khi lãi suất tương đương với lãi suất NH.
Cũng quan tâm tới việc huy động vốn ngoài ngân hàng, ông Nguyễn Đức Cổn, Giám đốc Công ty TNHH Cường Thịnh cho rằng: Điều kiện cơ bản để DN có thể huy động vốn ngoài ngân hàng, đó là phải minh bạch trong sản xuất kinh doanh, DN phải làm ăn có hiệu quả, biết tự lượng sức mình. Hiện, Công ty TNHH Cường Thịnh có 10 thành viên (tổ chức và cá nhân), chủ yếu là quen biết nhau hoặc có quan hệ kinh doanh với nhau. Không tránh khỏi những khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng việc các thành viên góp vốn cùng kinh doanh đã giúp DN luôn có nguồn vốn ổn định, hoạt động cũng hiệu quả hơn. Trong năm 2011, công ty sẽ đầu tư dự án hạ tầng khu dân cư với số vốn khoảng 100 tỷ đồng. Để có số tiền lớn như vậy, công ty tiếp tục xác định nguồn vốn huy động chủ yếu vẫn từ các thành viên, có thể phát triển thêm một số thành viên mới.
Như vậy, trong điều kiện áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay, để giảm bớt khó khăn, các DN nên đẩy mạnh việc huy động vốn ngoài NH thông qua nhiều hình thức như phát hành cổ phiếu, trái phiếu, mua chịu hàng hoá, đi thuê tài chính hay liên doanh liên kết… Trong đó phát hành trái phiếu là một kênh huy động vốn hiệu quả. Làm được như vậy sẽ giúp sử dụng hiệu quả nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, góp phần đẩy mạnh sản xuất, hạn chế đầu tư vào lĩnh vực phi sản xuất như kinh doanh bất động sản, vàng…
Tuy nhiên, thời gian qua, những kênh huy động vốn nói trên chưa được các DN chú trọng. Cùng với đó, khi thực hiện bài viết này, chúng tôi được biết một số DN trên địa bàn tỉnh ta hiện nay do quá thiếu vốn, lại không vay được vốn NH nên đã chấp nhận vay vốn từ thị trường “tín dụng đen” với lãi suất quá cao, từ 5 đến 6%/tháng. Thực tế này khiến các DN càng chịu nhiều rủi ro. Các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, thanh tra để chấn chỉnh vấn đề này, tạo môi trường thuận lợi cho các DN phát triển. Ngoài ra, các tổ chức Hội DN cần phát huy vai trò, tạo sự liên kết, hỗ trợ giữa các DN với nhau và giữa DN với cơ quan chức năng, giúp DN hoạt động ổn định…