Cải tạo và phát triển đàn trâu theo hướng hàng hóa

09:25, 24/07/2011

Con trâu được coi là nguồn thu nhập quan trọng của người nông dân, tuy nhiên việc phát triển đàn trâu ở Thái Nguyên đang gặp rất nhiều khó khăn.  

Trâu có ưu điểm dễ nuôi, dễ chăm sóc, sử dụng thức ăn đa dạng (có thể tận dụng một số loại cỏ và phế phẩm phụ của trồng trọt mà các gia súc, kể cả bò cũng không sử dụng được). Trâu dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh và khả năng chống đỡ bệnh tật cao. Phát triển chăn nuôi trâu theo hướng lấy thịt sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống nông dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên việc phát triển đàn trâu ở Thái Nguyên đang gặp rất nhiều khó khăn.

 

Những năm trở lại đây, đàn trâu của tỉnh có xu hướng giảm rõ rệt. Năm 2008, cả tỉnh có gần 107 nghìn con, năm 2009 giảm xuống còn trên 96,7 nghìn con, năm 2010 giảm xuống chỉ còn hơn 95,2 nghìn con. Sau đợt dịch bệnh lở mồm, long móng (LMLM) vừa qua, hiện, đàn trâu của tỉnh chỉ còn khoảng 94 nghìn con. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Ở Thái Nguyên, chăn nuôi trâu chủ yếu dùng làm sức kéo phục vụ sản xuất và vận tải vật tư hàng hóa nông nghiệp chứ chưa có ý thức rõ rệt về mục đích sản xuất hàng hóa. Bởi vậy, khi cơ giới hóa nông nghiệp phát triển thì đàn trâu sẽ ngày càng giảm đi.

 

Ngoài ra, một nguyên nhân khiến đàn trâu giảm nữa là dù số lượng trâu cái chiếm tới trên 60% tổng đàn nhưng do không có cơ sở trâu giống và thiếu trâu đực giống chất lượng tốt nên tỷ lệ sinh đẻ hàng năm thấp, khoảng cách lứa đẻ dài (2 năm hoặc hơn 2 năm mới đẻ một lứa, trong khi nhịp đẻ của trâu trung bình 1,5 năm/lứa). Không chỉ giảm về số lượng, chất lượng đàn trâu cũng là điều rất đáng quan tâm khi mà tầm vóc, trọng lượng đàn trâu hiện tại nhỏ. Theo số liệu chúng tôi nắm được, trọng lượng của một con trâu trưởng thành trung bình của Phổ Yên chỉ nặng 334 kg đối với trâu đực và 306kg đối với trâu cái, trong khi ở tỉnh bạn Tuyên Quang, trọng lượng trâu đực trung bình 371kg, trâu cái trung bình 354kg/con. Ông Nguyễn Văn Quế, một người dân ở xã Quân Chu (Đại Từ) nhận định: Tôi thấy rất buồn khi những con trâu mộng to, khỏe như 10 năm trước ngày càng ít đi. Thực tế này cho thấy đàn trâu hiện nay không được chọn lọc, hoặc đang bị chọn lọc ngược vì trâu đực to bị bán giết thịt, trâu đực nhỏ giữ lại cho cầy kéo và làm giống.

 

Khó khăn nữa là thời gian qua, tỉnh chưa có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đàn trâu, đặc biệt là chính sách về phát triển nuôi trâu ở những vùng có điều kiện sinh thái phù hợp; một số dự án cải tạo, phát triển đàn trâu vẫn mang tính nhỏ lẻ, kinh phí đầu tư thấp so với yêu cầu thực tế nên hiệu quả đạt được chưa cao. Hơn nữa, do chăn thả tự do, môi trường chăn nuôi không đảm bảo, không có sự cách ly giữa các đàn gia súc nên dễ lây lan dịch bệnh, diện tích đồi bãi chăn thả ngày càng bị thu hẹp gây ảnh hưởng lớn đến việc chăn nuôi. Trong khi đó, tỉnh lại chưa có quy hoạch cụ thể cho việc trồng cỏ nên trâu thường thiếu thức ăn trong vụ đông xuân. Bên cạnh đó, người dân lại thiếu hiểu biết về kỹ thuật trồng cỏ cũng như kỹ thuật chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu. Thêm nữa, do công tác kiểm soát dịch bệnh còn hạn chế nên đàn trâu của tỉnh luôn bị đe dọa bởi các dịch bệnh truyền nhiễm như LMLM, tụ huyết trùng…

 

Ông Hoàng Văn Dũng cho rằng: Để phát triển đàn trâu thì việc cải tạo và phát triển chăn nuôi trâu theo hướng lấy thịt là rất cần thiết. Đây chính là lý do để Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Dự án “Xây dựng và mở rộng mô hình chọn lọc, cải tạo và phát triển chăn nuôi trâu theo hướng lấy thịt trên địa bàn tỉnh”. Dự án này sẽ được triển khai trên địa bàn xã Động Đạt, Yên Lạc (Phú Lương) và Bản Ngoại, Phú Lạc (Đại Từ). Đây là những địa phương có số lượng đàn trâu khá lớn của tỉnh. Theo đó, sẽ lựa chọn 20 đực giống tốt và 200 con cái sinh sản đạt tiêu chuẩn để phối giống; quản lý 200-250 con đực giống đạt tiêu chuẩn, bấm lỗ tai để theo dõi. Bên cạnh đó, Dự án sẽ hỗ trợ 8 con trâu đực giống; 4 hộ nuôi trâu sinh sản theo quy mô trang trại (10 con trở lên /hộ); 4 hộ chăn nuôi trâu vỗ béo, quy mô 5-10 con/hộ; 4 hộ trồng cỏ năng suất cao và chế biến, bảo quản thức ăn. Thời gian thực hiện Dự án được tiến hành từ nay đến hết năm 2013. Dự kiến, người nông dân khi tham gia Dự án sẽ thu được lợi nhuận từ chăn nuôi trâu thịt sau 2 năm khi trọng lượng trâu tăng 25kg/con với trâu thuần và 50 con với trâu lai. Tầm vóc đàn trâu của các hộ tham gia Dự án sẽ được cải thiện đáng kể…

 

Ngoài góp phần chọn lọc, cải tạo nhằm nâng cao số lượng, chất lượng đàn trâu, đưa tổng đàn trâu đạt con số 105.000 con vào năm 2015, Dự án cũng góp phần đưa chăn nuôi trâu trở thành một nghề mới, thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa trong cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh; tham gia tốt vào việc bảo vệ rừng, giảm khả năng lây nhiễm các loại dịch bệnh khi chăn nuôi trâu theo hướng lấy thịt do có quy hoạch vùng chăn thả, trồng cỏ và chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn và áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi trâu, hạn chế được trâu thả rông; thực hiện biện pháp xử lý phân thải (thu gom, phun sát trùng, ủ), góp phần bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; cung cấp nguồn phân bón lớn cho trồng trọt, cải tạo đất, cân bằng sinh thái… Một điều đặc biệt là, khi Dự án này thành công, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục nhân rộng việc cải tạo và phát triển đàn trâu theo hướng hàng hóa trên địa bàn toàn tỉnh.