Cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân

08:20, 08/07/2011

Hiện nay, phần lớn các hộ dân trên địa bàn Phú Bình vẫn tự xử lý rác thải với các biện pháp không đảm bảo yêu cầu, như: Đốt hoặc thả xuống ao, hồ, sông, suối. Thực tế này đang làm ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến điều kiện sống và sức khỏe của người dân cũng như về cảnh quan môi trường. Điều đó cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của phần lớn các hộ dân còn kém…

 

Theo lời “giới thiệu” của một số người dân trên địa bàn thị trấn Hương Sơn, chúng tôi cho xe dừng lại ở đoạn mương trước cổng Huyện đội Phú Bình, thuộc tổ dân phố (TDP) Đông. Hình ảnh về những túi rác lớn, nhỏ bị ách lại tại miệng cống khiến nhiều người không khỏi rùng mình khi nghĩ tới những loại dịch bệnh có thể phát sinh từ đó. Dưới tiết trời nóng bức, mùi hôi thối từ những túi rác bốc ra khiến môi trường ở đây càng trở nên ngột ngạt. Anh Dương Văn Quyền, một người dân sống gần đó cho biết: Không khó để nhìn thấy những đống rác như thế này trên địa bàn thị trấn. Đặc biệt là ở ven các bờ sông, kênh, rạch. Nhiều hộ dân thường đợi lúc trời nhá nhem tối để mang rác đi đổ. Chỉ ít hộ mới thực hiện việc chôn lấp rác tại gia đình. Theo anh Quyền: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do diện tích đất của nhiều hộ dân ngày càng bị thu hẹp. Vì thế, việc xử lý rác thải trở nên khó khăn hơn. Anh Quyền mong muốn, các cơ quan chức năng của huyện sẽ sớm triển khai việc thu gom rác đến tất cả TDP trên địa bàn thị trấn để người dân không còn vứt rác bừa bãi như hiện nay. Đây cũng là mong muốn của chị Nguyễn Thị Hồng, ở TDP La Sơn và rất nhiều hộ dân khác trên địa bàn thị trấn khi được hỏi về việc xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay.

 

Không chỉ ở thị trấn, rác thải bị vứt bừa bãi cũng đang là mối quan tâm của chính quyền các xã trên địa bàn huyện, đặc biệt là ở những xóm trung tâm xã - nơi mà phần lớn các hộ chỉ có đất làm nhà ở chứ không có (hoặc có rất ít) đất vườn. Anh Nguyễn Văn Đĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh cho biết: Rác thải sinh hoạt không được xử lý hợp vệ sinh đang trở thành vấn đề “nóng” ở xã. Rác được vứt bừa bãi khắp nơi: trên đường làng, đồng ruộng, ao chuôm, mương cống và thậm chí là tại chính các gia đình. Làm thế nào để giải quyết được tình trạng này đã được cấp ủy, chính quyền xã đề cập tại nhiều cuộc họp trong thời gian qua. Mới đây, UBND xã đã quyết định dành một phần diện tích đất trong khu chợ để làm nơi tập kết rác cho các hộ dân ở trung tâm xã. Tuy nhiên, xử lý chỗ rác này ra sao cũng lại đang là vấn hết sức khó khăn vì hiện tại, UBND huyện vẫn chưa có kế hoạch thu gom rác thải đến các xã. Do đó, nếu xã muốn được thu gom rác thì phải tự lo toàn bộ kinh phí để mua xăng dầu cho xe đổ rác hoạt động. Điều này vượt quá khả năng đối với nguồn ngân sách cấp xã; còn nếu huy động từ các hộ dân thì số tiền mà mỗi hộ dân phải nộp cũng không phải là nhỏ nên sẽ rất khó để thực hiện. Bởi thế, rất cần sự hỗ trợ của các cấp ngành chức năng.

 

Theo đồng chí Trần Đình Ấu, Trạm trưởng Trạm Dịch vụ cấp nước và môi trường huyện Phú Bình: Toàn huyện mới có thị trấn Hương Sơn có dịch vụ thu gom rác thải. Tuy nhiên, trong tổng số 19 TDP của thị trấn, mới có 4 TDP được sử dụng dịch vụ này với tổng số 250 hộ dân tham gia (chiếm khoảng 80%). Số còn lại hoặc do không có nhu cầu, hoặc do ở xa, đường khó đi nên xe rác không vào được đến nơi. Cùng với lượng rác thải thu gom được từ 40 cơ quan, đơn vị nằm ở trung tâm huyện, mỗi ngày, Trạm Dịch vụ cấp nước và Môi trường huyện thu gom được từ 2-3m3 rác. Số lượng rác tuy không lớn nhưng do đặc thù dân cư sống không tập trung nên Trạm vẫn phải thuê tới 6 lao động. Do số tiền thu được từ các hộ gia đình và tập thể không đủ để trả lương và mua sắm dụng cụ cần thiết phục vụ cho việc thu gom rác (chỉ được trên 3 triệu đồng/tháng) nên ngân sách huyện đang phải hỗ trợ cho mỗi lao động trung bình từ 4-5 trăm nghìn đồng/tháng.

 

Cũng theo đồng chí Trạm trưởng Trạm Dịch vụ cấp nước và Môi trường huyện thì lâu nay đang tồn tại một nghịch lý đó là: Trong khi rất nhiều hộ muốn được thu gom rác nhưng dịch vụ không tới nơi thì ngược lại, có những hộ dân lại từ chối sử dụng. Có những hộ còn lén lút đổ rác chung với nhà hàng xóm để đỡ phải nộp tiền, mặc dù số tiền đó chỉ là 2.000 đồng/người/tháng. Thậm chí có trường hợp cho rác vào bao tải sau đó đem vứt ở ven đường hoặc khu vực tập kết rác để buộc người lao động của Trạm phải mang đi… Những hành động này cho thấy, ý thức bảo vệ môi trường sống của một bộ phận người dân còn rất hạn chế. Song để làm được điều này, đòi hỏi phải có thời gian và sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, đặc biệt là chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường của mỗi người dân.

 

Để nâng cao chất lượng sống cho mỗi người dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội bền vững, thiết nghĩ, huyện Phú Bình cần sớm có kế hoạch mở rộng địa bàn thu gom rác, mà trước hết là đối với khu vực thị trấn Hương Sơn và trung tâm các xã. Song, để hoạt động này đạt hiệu quả thì ngoài sự nỗ lực của chính quyền rất cần sự hưởng ứng tích cực, chủ động từ phía các hộ dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn mà trực tiếp là Phòng Tài nguyên - Môi trường, Trạm Dịch vụ cấp nước và Môi trường huyện nên chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức, hướng dẫn người dân cách xử lý, chôn lấp rác thải tại gia đình. Đồng thời phải có chế tài xử lý nghiêm những những trường hợp xả rác bừa bãi…