Họ là người thầy thực hành, đồng thời là cán bộ khoa học trực tiếp chuyển giao công nghệ sản xuất mới cho nông dân.
Chỉ trong 3 năm gần đây, đã có hàng nghìn lượt sinh viên được hướng dẫn thực tập, thực hành nghề; nhiều mô hình khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Họ là những người thầy, người cán bộ khoa học đang công tác tại Trung tâm Thực hành - Thực nghiệm của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên).
Làm mô hình nông nghiệp, nên những người thầy - nhà khoa học ở đây chẳng khác nào nông dân. Cũng ống quần xắn cao quá gối, nón lá đội đầu lội ruộng; hoặc quần cộc, mình trần ngâm dưới nước ao để hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật chăn nuôi cá. Khi gặp tôi, kỹ sư Thủy sản Trần Viết Vinh còn đèo nguyên cả bộ lưới, vợt cá sau xe máy. Trò chuyện mộc mạc, toàn cá mú với cách xử lý môi trường nước để nuôi cá. Kỹ sư Vinh là người triển khai Đề tài nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá chép lai 2, 3 máu tại Hợp tác xã Anh Lan, huyện Bắc Quang (Hà Giang). Đề tài này được triển khai từ năm 2010, đến nay đã kết thúc phần sản xuất thực nghiệm. Còn Đề tài sản xuất cá rô phi đơn tính tại Trung tâm thủy sản Cao Bằng, đến tháng 6-2011 cũng đã hoàn thành phần ngoại nghiệp, dự kiến được nghiệm thu vào cuối năm 2011 này. Kỹ sư Vinh cho chúng tôi biết: Mô hình cá chép lai ở Hà Giang, Hợp tác xã Anh Lan đã sản xuất được 356 vạn cá bột, 170 vạn cá hương, 1,1 triệu cá giống. Còn mô hình cá rô phí đơn tính, Trung tâm Thủy sản Cao Bằng đã sản xuất được 20 vạn cá bột, 17 vạn cá hương, thành công là tỉ lệ cá đực đạt 99%.
Nhấp vội ngụm trà nóng, anh chìa đôi bàn tay thô ráp, bảo: Ta chia tay thôi, sớm mai tôi phải lên Cao Bằng xem đàn rô phi đơn tính của mình như thế nào…
Nắm đôi bàn tay chai sần của anh, tôi nghĩ có lẽ cái phong cách dễ gần, dễ mến của những cán bộ khoa học luôn tạo được cho người nông dân sự tin tưởng, nhất là việc vận động người nông dân bỏ đi một cách làm cũ, để tiếp nhận kỹ thuật sản xuất mới trên mảnh đất của mình. Tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên, anh còn là chủ Đề tài nhân giống và bảo tồn cá chày mắt đỏ và sản xuất cá giống rô phi đơn tính, 2 đề tài này có tổng kinh phí được duyệt 650 triệu đồng.
Cũng ống quần xắn cao, kỹ sư Lâm nghiệp Vũ Trung Thành hằng ngày cùng nông dân trèo đồi, lội suối để triển khai các mô hình trồng rừng. Anh cho biết: Mô hình khuyến lâm được triển khai tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) được triển khai từ năm 2009 đến nay, toàn bộ 80 ha mô hình rừng keo của 38 hộ dân tham gia đều phát triển tốt. Qua mô hình, người dân được nâng cao kỹ thuật sản xuất, canh tác rừng, đồng thời đã mạnh dạn chuyển đổi đất ở các khu vực đồi, núi dốc sang trồng cây lâm nghiệp.
Trong thời gian làm việc ở Trung tâm, trò chuyện, tìm hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ, tôi hiểu thêm về những người thầy của nông dân, của những cán bộ khoa học chân đất đều có niềm say mê, hứng thú với công việc. Vì thế, họ gặt hái được nhiều thành công. Và có lẽ ngay cả trong giấc ngủ họ cũng nghĩ về một tiếng cá quẫy, những cánh đồng lúa vàng, những đồi chè xanh bát ngát hay như những mảng rừng mới hồi sinh… Kỹ sư Nguyễn Tất Đắc, người triển khai mô hình sản xuất thức ăn tự chế cho cá tại T.P Thái Nguyên và huyện Phú Bình. Thức ăn tự chế gồm cám ngô, cám gạo, bột cá, đậu tương được dùng máy ép lại thành viên. Kỹ sư Đắc giải thích: Bằng cách chế biến cám viên, cá tận dụng được gần 100% thức ăn, hơn thế nữa là môi trường nước ao, hồ không bị ô nhiễm do có quá nhiều thức ăn thừa tồn đọng. Còn ông Đồng Văn Thịnh, xã Nhã Lộng (Phú Bình), một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Kỹ thuật sản xuất thức ăn chăn cá tự chế này giảm được 40% giá thành so với cám công nghiệp.
Đang mùa mưa, về miền chè Tân Cương, tôi còn được nhiều nông dân cho biết: Từ hơn 2 năm nay, trong sản xuất chè an toàn, nông dân Tân Cương còn sử dụng phân bón của Dự án sản xuất phân bón hữu cơ sinh học do Trung tâm sản xuất. Dự án được Trung tâm giao cho Thạc sĩ Phạm Văn Ngọc thực hiện. Bằng các nguồn nguyên liệu là phân chuồng, than bùn, đạm, lân, ka li và một số chất vi lượng để sản xuất thành phân bón hữu cơ sinh học. Đến nay, Dự án đã sản xuất được hơn 300 tấn cung ứng cho nông dân vùng chè Tân Cương. Và hiện nay, sản phẩm phân bón này của Trung tâm được Bộ Nông nghiệp & PTNT đánh giá cao, công nhận, cho phép sản xuất lưu hành trên toàn quốc. Nhưng chúng tôi biết: Để sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học vào được vùng chè Tân Cương, những cán bộ khoa học như Thạc sĩ Ngọc đã bỏ nhiều công sức đến với người nông dân, vận động nông dân sử dụng thử, rồi đối chứng, so sánh với các lô chè khác, khi thấy hiệu quả thì bảo nhau cùng sử dụng.
Khi được hỏi về hiệu quả của loại phân bón này, bà Nguyễn Thị Nhài, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) cũng như nhiều nông dân trồng chè khác đã cho biết: chè ít sâu bệnh, búp dày, chất lượng chè sau khi chế biến không giảm so với sử dụng một số loại phân bón khác vẫn dùng… Qua trò chuyện chúng tôi còn được biết: Thạc sĩ Ngọc còn là chủ Đề tài lai tạo giống lúa lai NL7 đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & PTNT) công nhận. Giống lúa NL7 hiện được nông dân tiếp nhận, đưa vào gieo trồng trên diện rộng. Và hiện nay, anh đang tiếp tục triển khai Đề tài khảo nghiệm giống lúa Thái Ưu 1 và Thái Ưu 2, với diện tích khảo nghiệm 3 ha tại xã Hồng Tiến (Phổ Yên).
Còn nhiều nữa những mô hình, những đề tài khoa học về sản xuất trồng trọt, chăn nuôi được triển khai thành công trong cuộc sống. Thành công ấy luôn có đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm công tác khoa học, trong đó có những người thầy, người cán bộ làm công tác khoa học ở Trung tâm Thực hành - Thực nghiệm của Trường Đại học Nông Lâm. "Họ" vừa là người thầy đào tạo ra những cán bộ, kỹ sư nông học, vừa là người bạn của những nông dân yêu khoa học. Trong thời gian làm việc, Thạc sĩ Vũ Văn Thông, Giám đốc Trung tâm còn cho chúng tôi biết thêm: Hiện đơn vị chỉ có 17 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 7 người làm giáo viên kiêm nhiệm và hướng dẫn thực hành.
Ngoài tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đơn vị còn tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo được Nhà trường giao. Gần đây nhất, năm học 2010-2011, cán bộ Trung tâm đã trực tiếp tham gia 320 giờ giảng cho sinh viên các khoa Lâm nghiệp, Chăn nuôi thú y và Khoa Nông học. Hơn 400 lượt sinh viên được Trung tâm tiếp nhận vào thực tập nghề, thực hành nghề và 20 sinh viên được hướng dẫn thực tập tốt nghiệp… Còn sinh viên Nguyễn Thị Đào và Hoàng Mạnh Hà, khóa 38 Thú y, Trường Đại học Nông Lâm khi được hỏi cũng cho biết: Vào Trung tâm thực tập tốt nghiệp, chúng em được các thầy, cô hướng dẫn, cho tham gia cùng làm các mô hình liên quan tới chuyên ngành được học, vì thế chúng em được nâng cao kiến thức và có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế…