Đông Cao đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi

08:56, 25/07/2011

Việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất đã làm thay đổi đời sống của người dân xã Đông Cao, Phổ Yên.

Đồng chí Trần Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao cho biết: Trước đây, do thiếu kinh nghiệm canh tác, thiếu vốn đầu tư sản xuất cộng với việc lựa chọn cơ cấu cây trồng cũng chưa phù hợp nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở Đông Cao chưa cao, năng suất lúa trung bình chỉ đạt 49 tạ/ha. Đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, Đảng uỷ xã đã họp để xác định lại cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng và đưa ra những giải pháp cụ thể như, quan tâm tới công tác tu sửa, bảo dưỡng hệ thống thuỷ lợi, tạo điều kiện cho nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chỉ đạo bà con tăng dần diện tích lúa mùa sớm để trồng gối rau màu vụ đông… Để đưa ra phương án sản xuất hợp lý, hàng năm, Đảng ủy, chính quyền xã tiến hành rà soát, nắm bắt nhu cầu của người dân để từ đó có những chủ trương đúng đắn, thích hợp nhất. Đối với những diện tích chủ động được về nguồn nước tưới, xã vận động bà con đưa những giống lúa mới vào sản xuất. Những loại cây trồng mới có năng suất, chất lượng hiện đang được bà con trong xã tập trung phát triển như cây lúa lai, ngô lai... Đối với những chân ruộng cao, xã vận động người dân chuyển sang trồng rau màu. UBND xã còn phối hợp với một số cơ quan chuyên môn xây dựng nhiều mô hình điểm, sau đó tổ chức hội thảo đầu bờ để bà con học tập nhân rộng như các mô hình bí xanh, cà chua, lúa lai GS9, Việt lai 20... Sau một thời gian đưa vào trồng thử nghiệm, đến nay các loại cây rau màu như mướp hương, mướp đắng, bí xanh, các loại rau màu... được trồng tập trung tại các xóm: Việt Lâm, Việt Hồng và xóm Trại với diện tích khoảng trên 20 ha đã cung cấp cho thị trường huyện Phổ Yên và các địa phương lân cận, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

 

Cùng đó, cơ cấu mùa vụ cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như trước đây, bà con chỉ sản xuất 2 vụ/ năm thì nay đã lên tới 3 - 4 vụ/năm (2 vụ lúa, 1 vụ màu hoặc 1 vụ lúa 3 vụ màu). Năng suất lúa của toàn xã đã tăng từ 49 tạ/ha năm 2004 lên 55,3 tạ/ha hiện nay. Chị Nguyễn Thị Toàn, người xóm Việt Hồng nói: Nhà tôi có hơn 3 sào đất nông nghiệp. Trước đây, nhà tôi cấy lúa vụ nào được mùa cũng chỉ đạt 1,2 tạ/sào do không chủ động được về nguồn nước tưới. Vài ba năm trở lại đây, gia đình đã chuyển sang trồng rau màu quanh năm. Mùa nào thức nấy, quay vòng bí xanh, mướp đắng, mướp ngọt và các loại rau trái vụ như su hào, bắp cải, cà chua… Tuy vất vả nhưng đất không phụ công người, mỗi vụ, chúng tôi cũng thu được trên 6 triệu đồng/sào tiền bán rau, cao gấp 2, 3 lần trồng lúa.

 

Ngoài ra, các tổ chức hội trên địa bàn xã như: Hội Nông dân, Cựu Chiến binh, Phụ nữ… còn tích cực vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên nghèo vay vốn phát triển chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập. Hiện, tổng dư nợ từ 2 Ngân hàng Chính sách - Xã hội và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện trên địa bàn xã là hơn 7 tỷ đồng. Chúng tôi đến xóm Giỏ, một trong những xóm phát triển chăn nuôi mạnh nhất của xã. Toàn xóm có 54 hộ thì có tới hơn 30 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô từ vài chục con trở lên.

 

Ông Tạ Văn Minh, người dân trong xóm cho biết: Nhà tôi thường nuôi trên 100 lợn bột/lứa. Năm vừa qua, do chủ động tiêm phòng văc xin cẩn thận, kết hợp với làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại nên đàn lợn của gia đình không bị nhiễm bệnh lở mồm long móng. Từ tiền bán lợn, nhà tôi đã thu lãi được hơn 240 triệu đồng. Không chỉ ở xóm Giỏ mà còn nhiều xóm khác như xóm Me, xóm Rùa… người dân cũng đầu tư vào các mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc, gà đẻ trứng để cải thiện cuộc sống. Nhờ đó, xã đã có nhiều gia đình có thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng mỗi năm, tiêu biểu như các hộ: Nguyễn Văn Mến, Tạ Văn Minh ở xóm Giỏ, Đinh Văn Tơn ở xóm Rùa, Hoàng Văn Thành ở xóm Me… Đáng chú ý là số hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại và bán trang trại với số lượng từ 30 con lợn/lứa và 1.000 con gia cầm/lứa trở lên ngày càng nhiều. Đặc biệt là khuynh hướng chăn nuôi các loại động vật đặc sản, động vật quý hiếm mang lại hiệu quả kinh tế cao như thỏ, ba ba, nhím đang được các hộ dân và chủ trang trại tập trung xây dựng chuồng trại đưa vào chăn nuôi với số lượng lớn. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu nhờ cần cù chịu khó và lựa chọn những mô hình sản xuất phù hợp.

 

Có thể thấy, với việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất đã làm thay đổi đời sống kinh tế của người dân xã Đông Cao. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 9% năm 2004 (trên 180 hộ) xuống còn 2,7% năm 2010 (trên 70 hộ). Hơn 98% số hộ mua sắm được các phương tiện nghe nhìn. Kinh tế từng bước ổn định và phát triển, từ năm 2004 đến nay, từ nguồn vốn của Nhà nước và đối ứng của nhân dân, xã đã huy động làm được hơn 26 km đường bê tông liên thôn, xóm. Chia tay những người nông dân cần cù, mến khách, chúng tôi hy vọng những kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ là tiền đề cơ bản, tạo động lực để Đông Cao phát triển một cách vững chắc và toàn diện hơn trong thời gian tới.